HAI năm qua, mô hình homestay chủ yếu được triển khai tại Hội An với những cái tên như Hoa Sứ, Phong Lan, Vườn Trầu, Nhà vườn ven sông, Nhà cổ Sanh Hiên, Chuông Gió… và các hộ dân ở khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, các thôn 1, 2, 3, 4 phường Cẩm Thanh. Nếu như ở các điểm Vườn Trầu, Chuông Gió… tổ chức theo kiểu lưu trú nghỉ dưỡng gia đình (family resort) thì tại 10 hộ dân phường Cẩm Châu, Cẩm Nam, du khách cùng ăn ở, sinh hoạt với chủ nhà như một thành viên gia đình trong khoảng thời gian dài.
Mô hình homestay sẽ giúp cải thiện sinh kế cho người dân làng Trà Nhiêu. |
Anh Nguyễn Dũng ở khối phố Thanh Nam phường Cẩm Châu, là một trong những hộ thực hiện homestay, nói rằng mô hình này không chỉ giúp gia đình có thu nhập (gần 10 triệu đồng/đợt), quan trọng hơn là con anh và khách sẽ có điều kiện tốt được giao tiếp tiếng Anh. Khách cũng được hiểu thêm về một nền văn hóa mới. “Hai năm qua, gia đình tôi luôn có khách đến ở, thời gian mỗi đợt từ 42 - 45 ngày. Sáu giờ sáng khách ngủ dậy, 7 giờ ăn sáng cùng với gia đình, 8 giờ khách đi làm công việc của họ, 6 giờ chiều khách về. Đến tối, 19 giờ ăn cơm cùng gia đình, xem ti vi, trò chuyện, 21 giờ đi ngủ. Ngày chia tay, khách chủ bịn rịn, khoảng cách giữa chủ khách đã không còn mà thay vào đó là tình cảm của những người thân sắp đi xa” - anh Dũng kể.
Ông Lê Hồ Phước Vĩnh, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lê Nguyễn, đơn vị trực tiếp đưa khách đến lưu trú trong nhà dân cho rằng. so với các hoạt động kinh doanh lữ hành khác thì lợi nhuận từ mô hình du lịch homestay không cao nhưng khá triển vọng, do nhu cầu du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa của một bộ phận du khách châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng lớn. Trong 2 năm qua, Công ty Lê Nguyễn đưa hàng chục đợt khách đến lưu trú trong nhà dân với thời gian trung bình 1 tháng/ đợt. Công ty cũng đã nhận phản hồi từ khách khá tích cực.
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhận định, tương lai mô hình homestay sẽ là một trong các loại hình du lịch chủ đạo trong việc thay đổi sinh kế, tạo thu nhập cho người dân nhất là đối tượng hộ nghèo. “Du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa, hiểu thêm về phong tục tập quán của địa phương. Ngoài việc sinh hoạt với người dân khách còn tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện, chăm sóc người già, hoạt động môi trường, dạy ngoại ngữ. Không chỉ có hiệu quả kinh tế, homestay còn là cơ hội giao lưu văn hóa với các dân tộc trên thế giới và đây mới chính là điều quan trọng” - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, ngoài việc rà soát, củng cố các mô hình homestay hiện có, sở cũng đã tiến hành khảo sát một số nơi như làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên), xã đảo Tân Hiệp (Hội An)…, từng bước tiến đến mở rộng ra một số địa phương trong tỉnh. Riêng tại làng Trà Nhiêu, trước mắt sẽ chọn 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn lập kế hoạch cụ thể tập huấn, hướng dẫn về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…. cũng như hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để các hộ đầu tư cải tạo lại nhà cửa phù hợp nhằm có thể đón khách đến lưu trú.
Tạo thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, phân phối thu nhập du lịch lại cho cộng đồng luôn là câu hỏi khó trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch. Với những thành công bước đầu, mô hình homestay đã mở ra hướng đi phù hợp, có thể giúp người dân trực tiếp hưởng lợi từ sự phát triển của du lịch mang lại.
Tác giả bài viết: KHÁNH LINH
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn