//

Cù Lao Chàm - Nơi ngư dân làm bảo tồn

Thứ hai - 06/08/2018 09:30

Cách TP. Hội An 15km về phía đông, Cù Lao Chàm là nơi cư ngụ của khoảng 610 hộ dân mà điều đặc biệt là khi hỏi bất kì ai về túi nilon, bạn sẽ nhận được những cái lắc đầu. Nơi mà từ bến tàu, âu thuyền đến những bãi tắm đông đúc người vẫn sạch bóng, chỉ có cát trắng biển xanh đêm ngày. Nơi mà mỗi ngư dân, cư dân của đảo đều là những nhà bảo tồn, dù không chuyên nhưng mỗi ngày họ bảo vệ từng con cua, tổ yến đến rạn san hô bằng cả tấm lòng.

Người đập trăm mảnh san hô thành... chuyên gia bảo tồn

Đó là câu chuyện về lão ngư Nguyễn Thương ở bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp mà chúng tôi may mắn được gặp ngay khi đặt chân đến hòn đảo xanh này. Vừa dẫn chúng tôi về homestay của gia đình, ông Thương kể như khoe, ông từng là người “phá” nhất đảo nhưng giờ đây cũng nổi tiếng là người nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định bảo tồn.

10 năm trước, ngày đó khi ở vùng san hô này, ông Thương cũng như hàng trăm ngư dân khác hành nghề đánh bắt gần bờ để nuôi sống gia đình. “Cứ mỗi buổi chiều khi gỡ lưới, tôi phải đập bỏ hàng trăm nhánh san hô bị mắc vào. Từ bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Ông, không có bãi nào tôi không thả lưới. Hồi đó, mấy ông chuyên gia tìm đến nhà, nhìn thấy xót lắm nhưng mình chịu, kế sinh nhai của mình mà” – ông Thương kể.

Chính vì vậy, khi được chính quyền vận động chuyển vùng đánh bắt ra khỏi bãi san hô, ông Thương thẳng thắn đặt câu hỏi, các anh nói không sai nhưng nếu dời ra ngoài thì ngư dân biết làm gì mà sống? Rồi họp hội năm lần bảy lượt, ông Thương đề xuất ý kiến phải có giải pháp cho bà con thì mới có thể thuyết phục ngư dân đánh bắt xa bờ được. Ý kiến rất thực tế khiến các chuyên gia phải mời riêng ông Thương gặp. “Họ bất ngờ hỗ trợ cho tôi khoản tiền để chuyển đổi tàu cá sang tàu du lịch phục vụ du khách. Lúc đó, vợ tôi bàn lùi bởi chắc gì đã có khách đi nhưng tôi có niềm tin. Họ đã chịu đầu tư cho mình, chắc chắn họ có tính toán và những điều họ nói, họ làm sẽ đi trước hơn chúng ta nhiều nên cứ tin mà làm theo” – ông Thương nhớ lại.

Thế rồi, ngày chạy chiếc tàu du lịch về, lão ngư trở thành người làm du lịch, ông Thương bắt đầu chở những đoàn khách đầu tiên tham quan đảo dù chỉ từ 5, 10 người. Rồi không chỉ ông Thương, những lão ngư khác cũng bắt đầu làm du lịch. Cứ thế, mùa hè đưa khách đi tham quan đảo, mùa đông họ đánh bắt cá ở ngoài bãi san hô theo quy định.

Bất ngờ hơn, từ khi thay đổi vùng đánh bắt, sản lượng cá năm nào cũng “ngon lành”, ông Thương vô tay hoan hô, vậy mới thấy các chuyên gia đã tính toán và chỉ vẽ đúng. Con cá đến mùa sinh sản bơi vào rạn, đến khi đã lớn thì bơi ra ngoài, lúc đó ngư dân đánh bắt là hợp lý. Ngư dân không bị rách manh lưới, không phải đập san hô mà lại thu nhập được.

Bây giờ hỏi bất kỳ lão ngư dân kiêm lái tàu du lịch nào, ai ai cũng nắm rõ từng cột mốc khu vực cấm đánh bắt. Họ còn nhắc nhau, ngày xưa ai vi phạm thì bị cảnh cáo, phạt sơ sơ nhưng bây giờ lần một bị bắt thì bị thu lưới cụ, phạt 5 triệu, lần 2 phạt gấp đôi, cứ vậy mà làm, bữa nay không cảnh cáo gì nữa cả. Bây giờ thấy ai đó ngắt đoạn san hô, ông Thương nhắc ngay: “Như vậy là không nên. Bứt một que san hô này thì mất 5 đến 15 năm sau thì mới có một cây như vậy hình thành. Nếu ai cũng bứt cả thì đến lúc khách đến chỉ còn cục đá thôi thì lấy gì ngắm?”. Nhóm du khách trẻ nghe câu chuyện của ông Thương, đôi lần giật mình bởi họ như đang nghe một nhà bảo tồn.

Đảo nói không với túi nilon

Mải mê với câu chuyện của lão ngư bảo tồn, chúng tôi chợt nhớ lại lý do thật sự đưa mình đến hòn đảo này. Biển xanh, cát trắng từ âu thuyền đến bến cảng, ngay sát khu dân cư cũng không một chiếc túi nilon nào. Từ lâu Cù Lao Chàm đã nổi danh với câu chuyện xã đảo nói không với túi nilon. Thứ mà chỉ cách đó một giờ tàu chạy, mọi con người đang sử dụng tràn lan hàng ngày hàng giờ nhưng ở đây nó như một điều kỳ lạ.

Còn nhớ, Cù Lao Chàm cũng từng đối mặt với nguồn rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh và xuống biển, rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản; rác từ đất liền với nhiều loại túi nilon theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Túi nilon còn được tìm thấy tại các rạn san hô, thảm cỏ biển. Thuyền, ghe đi trên biển bị túi nilon quấn vào cánh quạt hoặc mắc vào lưới đánh cá của người dân. Nhưng, đó là câu chuyện của 10 năm về trước. “Giờ mà dân đảo cầm túi nilon là thấy kỳ lắm” – ông Trần Chờ, một lão ngư ở bãi Hương nói.

Tháng 5.2009, UBND xã Tân Hiệp phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” trên cơ sở huy động sự đồng thuận của cộng đồng người dân Cù Lao Chàm, triển khai một cách bài bản nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ giải pháp thay thế, nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi nilon một cách tự giác trên toàn quần đảo Cù Lao Chàm.

Để nay, ghé thăm chợ Tân Hiệp, từ người già đến trẻ nhỏ ở Cù Lao Chàm ai ai cũng cầm trên tay những chiếc túi giấy, túi lưới, túi lát đủ kích cỡ. Tất cả đều là sản phẩm dễ phân huỷ. “Mua rau củ thì dùng túi lưới này. Mua đồ khô như hành tỏi thì dùng túi giấy. Mua cá thịt thì dùng túi lưới hay túi lát đều được” – bà Trần Thị Màu, chủ một sạp rau củ tại chợ Tân Hiệp giới thiệu với những vị khách.

Có tiếng gọi: “Cô ơi cho con xin cái túi nilon”, bà Màu đáp nhanh: “Làm gì có mà cho con. Ai dùng mà bị bắt gặp là phạt 500 ngàn liền”. Nói không với túi nilon tưởng chừng như là câu khẩu hiệu nhưng không chỉ có ở trên những tấm bản mà còn ở trong nhận thức của từng người dân. Từ cô bán rau đến chị bán cá, cả những sạp hàng bánh ít lá gai, bánh su suê đặc sản đất Quảng cũng đã sẵn có những chiếc túi giấy, túi lát. Để rồi những chiếc túi ấy theo chân du khách, về đất liền, mang theo đó là cả nhận thức đáng trân trọng “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon”.

“Bây giờ về đất liền thấy lạ lắm, mua cây kẹo cũng bỏ túi nilon, mua con cá, kí thịt cũng có từng bao riêng. Tôi hay nói thẳng, sao bà con mình lạ quá, thấy người ta nói cũng nhiều, rằng bao nilon không tốt mà dùng, chứ ở quê tôi là không có rồi đó’ – ông Thương kể.

Chính nhờ sự bảo tồn này mà không riêng gì ông Thương, ông Chờ, bà Màu mà đời sống hàng trăm hộ dân Cù Lao Chàm đều kiếm được chén cơm manh áo. Con cá có rạn sang hô làm chỗ núp bóng núp thân, ngư dân đánh được con cá có cái ăn, chia sẻ với du khách rồi biết làm du lịch.

Trước thời gian năm 2009, khách du lịch tới đảo đạt khoảng 32.000 người một năm, nhưng từ năm 2009 đến 2011, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm luôn đạt từ 70.000 - 80.000 người một năm. Đến nay, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” đã tạo nên một Cù Lao Chàm đẹp mê hoặc thu hút 3.000 đến 4.000 du khách mỗi ngày.

Nhắc chuyện bây giờ con cái đã yên ổn ở Hội An, Đà Nẵng, liệu ông có muốn về ở cùng, ông Trần Chờ gạt: “Sống ở đây sướng quá mà, về đất liền làm chi. Có cho cũng không về. Người dân thương đảo, bám đảo. Ngủ một giấc khoẻ người, sáng mai nghe điện thoại reng reng, tôi đi đón khách, chiều đi thả lưới. Chúng tôi dù nhắm mắt xuôi tay cũng ở trên đảo xinh đẹp này”.

THUỲ TRANG

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn