Mong ước được sống ở một nơi đáng yêu, đáng nhớ, đáng sống và đáng gắn bó là một nhu cầu rất con người. Bởi vì, được sống cả đời hay chỉ một quảng đời dù ngắn hay dài ở một thành phố có hồn và có tình sẽ làm chúng ta trở nên tử tế hơn, cuộc đời chúng ta viên mãn hơn, và chúng ta cũng được thành phố này yêu thương như là ruột thịt…
HỘI AN HỒN PHỐ
Có rất nhiều tao nhân mặc khách và biết bao nghệ sĩ, học giả đã về với Hội An trong niềm mê say và cảm hứng đầy thăng hoa, để lại cho đời và cho người Hội An những kiệt tác không thể phai mờ…
Dưới con mắt của danh họa Lưu Công Nhân, “toàn bộ Đô thị cổ Hội An là những bức tranh đã vẽ sẵn”. Ông thổ lộ cảm xúc ngất ngây trong một lần đến Hội An vào những năm 80 của thế kỷ trước: “Tôi đến Hội An một ngày mưa trút nước. Định chỉ ở lại trong một tuần rồi đi, thế mà vì mê vẻ đẹp Hội An, tôi đã sống trọn một năm. Tết cũng không về nhà… (bài Hội An- Cái làm tôi mê say).
Năm 1988 tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhà thơ Chế Lan Viên làm bài thơ “Hội An” tặng hoạ sĩ Lưu Công Nhân, có mấy lời chú thích: “Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả, nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy (sáu, bảy tuổi). Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lầu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này. Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”.
Bài thơ có những đoạn để đời nằm lòng biết bao người: “Hội An chẳng là quê/ Mà là hương, khổ thế/ Quên quê, ai có thể/ Hương ư ? Ôi dễ gì (...) Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”.
Rất nhiều người yêu Hội An một cách tự nhiên như họ đã từng yêu nhau, nhưng tình yêu với Hội An trở thành ký ức tập thể, tự nhiên như cảm nhận một tri kỷ, chứ không phải cảm xúc bồng bột của tình yêu lứa đôi hay cung bậc xung động mường tượng của riêng giới tinh hoa.
Điều gì làm cho một Hội An trở nên đáng yêu, đáng nhớ, đáng sống và do đó đáng gắn bó? Phải chăng đó là sức chiêu cảm và hấp lực của những vẻ đẹp cốt lõi được chắt lọc kết tụ từ hồn phố- tình người?
Cố kiến trúc sư Ba Lan Kazic đã từng thảng thốt: “Vẻ đẹp không trùng lặp chứa đựng trong các phố phường lịch sử, sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các di tích kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong một không gian riêng biệt”.
Cái “vẻ đẹp không trùng lặp” của phố cổ Hội An độc đáo ở chỗ đan quyện những cái điển hình trong sự đa thể, chứa đựng trong sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, đồng thời còn được tô điểm ở sự kết dính hoàn hảo từng di tích với nhau. Những mái chùa cong, con phố nhỏ nhoi, tường nhà so le, mái ngói nhấp nhô, bờ nóc uốn cong, con đường hẹp ngắn, ngõ hẻm thâm trầm, đôi mắt cửa huyền bí, hoa văn chạm trổ tuyệt nghệ, ánh đèn lung linh, dòng sông lờ lững... đã mấy trăm năm quyện chặt với nhau, nâng đỡ cho nhau, làm cho hồn phố có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Bởi vì cái chiều dài mấy trăm năm trầm tích của thời gian để tạo dựng hồn cho thành phố, giữ gìn ký ức thông qua bảo tồn di sản, cho nên tất cả những công trình kiến trúc nghệ thuật và danh thắng thiên nhiên đã trở thành thân quen máu thịt.
Những ai gắn bó với thủ đô đều đậm sâu hình ảnh hồ Gươm - tháp Rùa, cũng như những người yêu Huế đều nhớ sông Hương - chùa Thiên Mụ… Với Hội An, Chùa Cầu là biểu tượng “để thương, để nhớ, để sầu cho ai..” bởi ở giá trị điển hình, nhưng Chùa Cầu liệu có đẹp đến thế không nếu nó được dựng lên ở một nơi nào đó chứ không nằm trong phố cổ Hội An? Cũng như những di tích dù đã được xếp loại đặc biệt, loại 1, loại 2… sẽ hút hồn du khách không nếu chúng biệt lập, tách rời nhau, không thổi hồn cho nhau trong một không gian riêng của phối cổ?
HỘI AN TÌNH NGƯỜI
Thành phố Hội An được tạo nên trước hết bởi những con người. Con người với tâm hồn và nhân cách như thế nào thì tạo nên hồn thành phố như thế ấy, qua cách mà cư dân sống với thành phố của mình. Đó là sự đối xử giữa người với người, đời sống tinh thần của thị dân và phong cảnh của vùng đất tạo bởi con người, gắn kết và định nghĩa mối quan hệ giữa con người với vùng đất đó.
Nói như vậy có nghĩa việc dựng nên phần hồn của một thành phố là một nỗ lực của nhiều thế hệ, bởi vì cốt cách con người, cách ứng xử trong xã hội, chiều sâu của đời sống tinh thần, phong cảnh đô thị và cả ký ức cộng đồng cần nhiều thời gian để gây dựng.
Với tư cách là di sản, xét về quy mô thì Hội An khó sánh với cố đô Huế, về niên đại thì cũng khó sánh với Mỹ Sơn hay Ăng Co Thơm và Ăng Co Vát, về cảnh quan thiên nhiên cũng khó đọ với Hạ Long hay Cát Bà và Tràng An - Ninh Bình… Nhưng Hội An có sức hấp dẫn riêng của một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị theo triết lý phố- làng, về “thế giới quan” và “nhân sinh quan” sâu sắc và độc đáo.
Từ bao đời nay người dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”. Hàng ngày cuộc sống đời thường diễn ra ngay trong lòng phố cổ, từng công trình kiến trúc cổ đều in đậm, hằn sâu nếp sống, lối sống văn hóa đặc trưng của con người Hội An “nhân tình thuần hậu”. Do vậy, di sản văn hóa Hội An không chỉ là bản thân vẻ đẹp của kiến trúc cổ, mà “nếp nhà” với những câu chuyện về lối sống, cách ứng xử của người Hội An với nhau.
Những ngôi nhà cổ nấp mình trong những dãy phố hẹp, nơi nhiều thế hệ kế tiếp nhau cư trú, bán buôn, nơi tình người gắn bó, giao thoa trong một cấu trúc phố- làng. Nhờ đó mà các cộng đồng cư dân Hội An xích lại gần nhau, yêu quê hương mình hơn, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Ở Hội An, không có sự phân biệt giữa thị dân với người nhà quê, không có khoảng cách giàu nghèo, không có ranh giới thân phận sang hèn, địa vị xã hội.
Họ sống với nhau thật chân tình, đôn hậu, đồng đẳng và tôn trọng lẫn nhau; mọi biểu hiện “canh trên”, “chơi trội”, “ta đây”, “lên mặt”… đều trở nên kệch cỡm, xa lạ, lạc điệu và hiển nhiên sẽ bị chối từ. Người Hội An có vẻ kín đáo, từ tốn, thâm trầm, “ăn ít, nói nhỏ, đi chậm”, nhưng sống rất nghĩa tình, thủy chung; kể cả những ai từ phương xa đến sẽ “gặp là biết, chơi là thân”, “không là quê, mà là hương”, “không phải đi đến mà tìm về”, “đi thì nhớ ở thì thương”…
Sắc hấp dẫn của hồn phố Hội An là sự đậm đặc của đời sống thị dân trong cái nhỏ nhắn của không gian đô thị, sự mờ đi của lằn ranh giữa không gian riêng tư và không gian công cộng khiến cuộc sống hiển hiện trong từng căn nhà hay trong từng ngõ phố đầy sống động, đầy màu sắc. Cuộc sống vỉa hè cùng với những gánh hàng rong chính hiệu, những món ăn thức uống “trăm vật trăm ngon”, “những tiếng guốc khua trên con đường gầy”, “những tiếng rao trăm năm vọng về”, “những câu thơ nghiêng chén”, “lời tình xưa ru ai xao xuyến”… đã làm nên hồn phố Hội An, mà có lẽ hiếm nơi nào có được.
NUÔI DƯỠNG HỒN PHỐ, BỒI ĐẮP TÌNH NGƯỜI
Tinh thần một thành phố là tinh thần của những con người sống trong đó. Tinh thần của một thành phố hiển hiện khi những con người sống trong đó được nói lên tiếng nói của tâm hồn họ và được sống gần bên nhau.
Di sản đô thị Hội An thực sự để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc sống của thị dân và với du khách là truyền thống sinh hoạt trong những không gian bình dị như góc phố, vỉa hè, chợ, giếng nước, sân đình, ngõ hẻm, vườn hoa, sân trời… Giữ lại trong thành phố những không gian sinh hoạt bình dị như thế làm cho thành phố bao dung hơn và đời sống phong phú hơn bởi ở những nơi đó, con người ở những tầng lớp khác nhau, có gốc gác khác nhau dễ đến gần nhau hơn. Hội An đầy ắp nhưng vẫn cần lắm thêm nhiều không gian rất con người như thế.
Để nuôi dưỡng hồn phố, xin hãy gây dựng lòng khoan dung, xin hãy tạo nhiều cơ hội cho con người có thể đến gần nhau, xin hãy giữ những gì đã thành kỷ niệm và truyền thống sinh hoạt mà cộng đồng cùng chia sẻ. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản và nhỏ nhất, việc làm cụ thể nhất và những con người bình dị nhất, bởi đó chính là những sợi dây đan cài, dệt thêu nên hồn phố- tình người trong một mái ấm cộng đồng. Cái gắn kết cộng đồng của Hội An thể hiện ở sự đồng cảm, cộng cảm, các giềng mối gắn kết tinh thần nhân ái của các giai tầng xã hội, cả du khách muôn phương.
Thật là tai hại nếu như những con người Hội An được xác định là “trái tim và khối óc” của văn hóa Hội An lại lơ đãng hoặc bỏ đi vai trò chủ thể của mình để bon chen, xô đẩy, trở thành những kẻ “ăn xổi ở thì”, xa lạ ngay trong nếp nhà của mình, trong cộng đồng của mình. Nếp sống “nhân tình thuần hậu”, lịch thiệp, cởi mở, hiền hòa... đã trở thành phẩm hạnh từ bao đời nay của con người Hội An không thể và không được đánh đổi bằng lối sống thực dụng, ích kỷ, vô thức. Bởi như thế, tình người sẽ mất và hồn phố cũng nhạt phai.
Hội An vẫn sẽ không chỉ là “quê” mà còn là “hương” của không chỉ riêng ai, nơi chứa đựng trầm tích “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để chúng ta cùng “kiến tạo nơi chốn” hay để “tìm về”./.
Nguyễn Văn Lanh- Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An