//

Những quy định chi tiết về chủ sở hữu di tích sẽ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ hai - 04/12/2023 14:04

Sự mất - còn của di sản phụ thuộc vào ý thức, sự đồng hành của các chủ sở hữu

Theo ThS. Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này so chiếu với Luật Di sản văn hóa (năm 2001), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009), cơ bản đã nêu cụ thể, chi tiết và toàn diện những nội dung, khía cạnh liên quan đến di sản văn hóa, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Cụ thể, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tăng nội dung, dung lượng từ 7 Chương lên tới 10 Chương, từ 74 Điều lên 154 Điều với việc tách Bảo tàng thành một Chương riêng (Chương VI); bổ sung thêm các Chương: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V), Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VII), Chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Chương VIII).

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định có tổng số 1351 di tích lịch sử - văn hóa, bao gồm: 02 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích quốc gia, 334 di tích cấp tỉnh và 928 di tích chưa xếp hạng.

z494104948091774a3f96f93769dbf929fec52e1f55bd2 1701663701914650222589

Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong những năm qua, quy định về sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích trong công tác phát huy giá trị di tích, nhất là di tích xếp hạng tại Nam Định đã đạt được những thành tích đáng kể. Người dân trong nước và du khách nước ngoài biết đến Nam Định với những di tích nổi tiếng không chỉ bởi giá trị tự thân của những di sản đó mà còn thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá trên các các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương như truyền hình, báo chí, các công trình nghiên cứu, ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp, chương trình xúc tiến du lịch...

Nhiều di tích ở Nam Định là địa điểm du lịch hấp dẫn, điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân như: khu di tích đền Trần, chùa Tháp, quần thể di tích Phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, chùa Cổ Lễ, đền Bảo Lộc...

Trong khi đó tại Hội An, Quảng Nam, quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An được bảo tồn nguyên vẹn từ cấu trúc tổng thể đến từng công trình di tích trong mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan. Dù diện tích không lớn nhưng trong khu phố cổ có đến hàng ngàn di tích đơn lẻ tựa vào nhau tạo nên quần thể kiến trúc độc đáo. Riêng trong khu vực I với diện tích 30 ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ).

So với các di sản văn hóa khác ở Việt Nam, khu phố cổ Hội An được đánh giá với ý nghĩa: như một "Bảo tàng sống", "Bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị". Ở đó là không gian diễn ra hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân - họ đồng thời cũng là chủ sở hữu phần lớn các di tích. Hiện trạng sở hữu di tích trong khu phố cổ là đa chủ thể, gồm có sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể (tộc họ, cộng đồng, bang hội) và sở hữu tư nhân; trong đó sở hữu của tư nhân là chủ yếu và tập trung ở loại hình nhà ở. Số liệu thống kê trong khu vực I cho thấy: Di tích thuộc sở hữu tư nhân chiếm 82,3%, di tích thuộc sở hữu cộng đồng chiếm 1,2%, di tích thuộc sở hữu nhà nước chiếm 16,5%.

Theo ThS. Phạm Phú Ngọc- Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, sự mất - còn của di sản phụ thuộc vào ý thức, sự đồng hành của các chủ sở hữu. Vì thế yêu cầu các quy định của nhà nước, nhất là Luật Di sản Văn hóa cần có những quy định cụ thể, có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích để đảm bảo vấn đề về mặt quản lý nhà nước, đồng thời thực thi các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được hiệu quả.

Vẫn còn tồn tại sự quản lý chồng chéo và tư nhân hóa di tích

Theo ThS. Đỗ Quang Trung, hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Như vẫn còn tồn tại sự quản lý chồng chéo, đan xen giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị và tư nhân hóa di tích nên một số di tích, cụm di tích ít nhiều bị cá nhân hóa, gia đình/tập thể hóa, xem nhẹ quy định của pháp luật về di sản.

Chủ sở hữu di tích chưa phát huy, làm đúng vai trò quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích dẫn đến nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo; mất trộm di vật, cổ vật; thương mại hóa; hàng quán không được quy hoạch; bổ sung, thay thế đồ thờ tự, đưa linh vật ngoại lai vào di tích. Nhiều di tích sau khi xếp hạng dường như bị lãng quên, chỉ được quản lý trên hồ sơ, thậm chí có di tích bị xâm hại nghiêm trọng mà chủ sở hữu chưa hoặc không có biện pháp can thiệp kịp thời.

"Việc xếp hạng di tích là sự tôn vinh của Nhà nước đối với giá trị của di tích để di tích được gìn giữ lâu dài. Do đó các chủ sở hữu di tích cần tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, các địa phương cần chủ động trong việc bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị của di tích. Đồng thời, chủ động vấn đề xã hội hóa, dịch vụ hóa và thu hút nguồn lực trong hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Đó là những cơ sở để thực hiện hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa tư nhân, cộng đồng và Nhà nước trong việc sở hữu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích"- ông Đỗ Quang Trung cho hay.

z4941049621545ad05eace42197e52f4d32f926b1c3595 1701663701967112006893

Đô thị cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong khi đó theo đại diện của Hội An, Dự thảo luật cần bổ sung các thuật ngữ: "Chủ sở hữu di tích", "Đại diện chủ sở hữu di tích", "Tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích", vì tại các Điều: 6, 12, 43, 52 đều có quy định quyền và nghĩa vụ đối với các đối tượng này nên cần giải thích để có sơ sở xác định các đối tượng này trong công tác quản lý.

Cần xác định việc sở hữu đối với di tích là quyền sở hữu có tính đặc thù/đặc biệt hơn so với sở hữu tài sản khác để dự thảo luật có quy định bảo vệ di tích, vì theo Bộ luật dân sự năm 2015, trong các quyền sở hữu có quyền định đoạt tài sản và chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản bằng hình thức "tiêu hủy tài sản". Theo Bộ luật dân sự năm 2015: Điều 192 quy định: "Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản"; Điều 194 quy định: "Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản".

Các đại diện của Hội An cũng kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung thuật ngữ "Đô thị di sản" và bổ sung thêm một Chương trong luật quy định cụ thể về loại hình di sản này, như: Tiêu chí công nhận, quy định mang tính đặc thù trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị… để đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các di sản mang yếu tố đô thị ở nước ta hiện nay.

"Nếu như vậy, một số vấn đề khó khăn, bất cập của Đô thị cổ Hội An nói chung, những nảy sinh liên quan đến sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích nêu trên sẽ có cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được hiệu quả hơn" - ThS. Phạm Phú Ngọc- Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An./.

toquoc


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn