Chương trình nghệ thuật thực cảnh Hội An xưa và nay
Với mục tiêu xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, phát triển bền vững và giàu bản sắc, Nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố Hội An qua các năm và tầm nhìn đến năm 2030 đều tập trung khẳng định: Phát triển du lịch gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiên để đảm bảo các giá trị đó tiếp tục được phát huy. Các loại hình, thể loại văn nghệ dân gian sưu tầm được ở vùng đất Hội An khá đa dạng, được bảo tồn và phát huy rất hiệu quả như hát bội; biểu diễn dân ca; trò chơi bài chòi, dân ca bài chòi; nghệ thuật diễn xướng dân gian (hát múa bả trạo, hát múa sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh),...
Là một vùng đất thương cảng nổi tiếng về hoạt động buôn bán, ngoại thương nên tại Hội An cũng đã ra đời và lưu truyền nhiều đơn vị ca dao, hò vè có nội dung về hoạt động này, tạo thành một nét riêng, sáng tạo mang tính địa phương. Các nghề thủ công ở các làng nghề truyền thống cũng được phản ánh sinh động trong kho tàng văn nghệ dân gian. Sự giao lưu, tiếp biến sâu rộng, mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa được lưu dấu, phản ánh trong các đơn vị văn nghệ dân gian; thể hiện qua một số hình thức diễn xướng dân gian có sự kết hợp giữa hai truyền thống Việt, Hoa như múa Thiên Cẩu, biểu diễn du hồ, hát bội,… Theo ông Trần Văn An, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam, trong các năm qua, bộ phận di sản văn nghệ dân gian này của Hội An đã từng bước được sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện.
Việc bảo tồn, phát huy cũng được xúc tiến với những hành động cụ thể như sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, xuất bản, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi hát dân ca, hô hát bài chòi, phục hồi, củng cố các đội bả trạo để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và du lịch, dạy hát dân ca cho các em thiếu nhi, thiếu niên,… Một số hình thức diễn xướng dân gian ngoài việc phục vụ nhu cầu phát triển du lịch tại chỗ cũng đã được mang đi giới thiệu ở một số nước trong khu vực và thế giới,…
Đặc biệt khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, các nguồn lực văn hóa đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, cùng tạo nên những giá trị văn hóa mới. Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hội An đang trở thành nơi “Hội tụ” cho nghệ sĩ sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ về với Hội An. Về văn hóa nghệ thuật dân gian tại Hội An có các tổ chức, Câu lạc bộ, nhóm tiêu biểu như: Nhà Biểu diễn Nghệ thuật cổ truyền Hội An với hơn 40 diễn viên múa, hát dân ca, nghệ sĩ hát tuồng và nhạc công nhạc cụ truyền thống. Hoạt động biểu diễn tại nơi đây được xem là một sản phẩm văn hóa du lịch tiêu biểu phục vụ du khách khi đến Hội An.
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” là chương trình giải trí đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Guinness ghi nhận kỷ lục là chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên đông nhất và kỷ lục sân khấu biểu diễn ngoài trời lớn nhất. Trung tâm biểu diễn Lune Hội An là nơi triển lãm và biểu diễn nghệ thuật với các tác phẩm nổi tiếng như À Ố Show, Tedar,… vận dụng những chất liệu văn hoá độc đáo của bản địa, gây ấn tượng khi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Các đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật tại Hội An với hơn 200 thành viên, hoạt động thường xuyên trong chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố Đêm” như nhóm nhạc gia đình, nhóm hát hò khoan đối đáp trên sông, nhóm hát dân ca, trình tấu nhạc cụ truyền thống, nhóm hô hát Bài chòi...
Thành phố chủ động thiết lập, mở rộng các mối quan hệ hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhất là trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nỗ lực tạo uy tín trong tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa nhằm thu hút các loại hình văn hóa ở các nước trên thế giới đến với Hội An để tiếp thu học hỏi, vận dụng vào việc xây dựng và phát triển văn hóa địa phương. Đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống để giới thiệu cho du khách. Thông qua các hình thức này, hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của Hội An đã có cơ hội đi biểu diễn giao lưu ở nhiều quốc gia khác, đồng thời có cơ hội được quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian đến cộng đồng quốc tế.
Theo ông Trần Văn An, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam, để bộ phận di sản này thực sự trở thành nguồn lực nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và phát triển kinh tế nhất là kinh tế du lịch, phát huy được giá trị truyền thống trong điều kiện mới hoặc sáng tạo nên những giá trị mới cần có một chiến lược bảo tồn, phát huy lâu dài, căn cơ hơn. Trong đó ưu tiên cho việc sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện và tuyên truyền, giới thiệu các giá trị của bộ phận di sản này đến với công chúng; đào tạo, xây dựng đội ngũ thực hành kế thừa, nhất là ở những loại hình mang tính nghệ thuật cao; đầu tư xây dựng một số chương trình, tiết mục diễn xướng có nội dung hấp dẫn và thời gian phù hợp để thu hút khán giả,…
KHÁNH CHI
Báo Văn Hóa
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn