//

Giao thương Việt - Nhật, nhìn từ thương cảng Hội An

Thứ sáu - 03/03/2017 16:32

Trong sử sách, thương cảng Hội An được đánh dấu mốc hình thành từ đầu thế kỷ XVI. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc ra đời điểm giao thương quốc tế đầu tiên này của vùng đất Đàng Trong lại gắn với giai đoạn biến đổi lịch sử ở một đất nước cách xa hàng nghìn dặm: Nhật Bản.

Bắt đầu từ năm 1600, lịch sử xứ sở hoa anh đào đã có một trang khá đặc biệt, ngôi vị Thiên hoàng chỉ mang tính nghi thức, còn quyền điều hành đất nước thực sự thuộc về các shogun (tướng quân) theo thể chế Mạc phủ.

Để chấn chỉnh nền ngoại thương Nhật Bản, chính quyền Mạc phủ đã ban hành chế độ shuin-sen (châu ấn thuyền), bắt đầu từ năm 1602 kéo dài cho đến năm 1635. Theo đó, Mạc phủ cấp phát shuin-jo (châu ấn trạng) cho các thuyền buôn Nhật Bản có hoạt động giao thương ở hải ngoại. Chính sách này đã tạo điều kiện cho tàu bè Nhật Bản đi khắp vùng biển tây nam Thái Bình Dương và cuốn hút tàu bè từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới đến buôn bán với Nhật Bản. Chính sách này còn liên quan đến việc nhà Minh đã ban hành chính sách hải cấm (cấm biển) từ năm 1371, nghiêm cấm người Hoa giao thương hàng hải với các nước khác. Lệnh cấm này khiến cho một số mặt hàng thông thương truyền thống giữa Trung Hoa và Nhật Bản như tơ lụa, gốm sứ... bị cấm vận. Do đó, thương thuyền Nhật Bản phải tìm mua những mặt hàng thay thế ở các nước khác như: Đại Việt, Ấn Ðộ, Xiêm La; hoặc dùng hải cảng của các nước này để trung chuyển hàng hóa giữa Nhật Bản và Trung Hoa.

images1332091 trang7 3

Tranh cuộn Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển vẽ cảnh thương nhân Nhật Bản yết kiến quan Tổng trấn tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam).

Trong khi đó, do yêu cầu xây dựng tiềm lực chính trị - kinh tế - quân sự lớn mạnh để mưu định việc lớn, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đầu tiên là Nguyễn Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một chính sách ngoại thương mở cửa ở Đàng Trong. Năm 1591, Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu họ Nguyễn ở Đàng Trong đã gửi thư cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi để xin kết mối giao thương giữa Đàng Trong và Nhật Bản, bắt đầu mối giao thương Việt - Nhật. Các chúa Nguyễn đã lựa chọn một số cảng ở vùng duyên hải miền Trung để lập nên các thương cảng quốc tế, trong đó có Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Hội An (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định).

Với vị trí nằm cạnh sông Thu Bồn, liền ngay với cửa Đại, được che chắn bởi tiền cảng Cù Lao Chàm, đón được thuyền bè đi từ biển vào Cửa Đại lẫn Cửa Hàn (vịnh Đà Nẵng), lại nằm không quá xa thủ phủ chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, dễ liên lạc mà cũng dễ phòng thủ, Hội An đã nhanh chóng khẳng định giá trị của một thương cảng quốc tế đắc địa.

Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII đã cho phép thương nhân Nhật Bản đến Hội An buôn bán được định cư ở cảng thị này, cho phép họ lập Phố người Nhật ở Hội An, cùng tồn tại với Phố Khách của người Hoa và các thương quán của người Hà Lan, khiến Hội An trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất và thịnh vượng ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

images1332093 rt

Ché - gốm sứ Imari và gương đồng do dòng họ Fujiwara (Nhật Bản) chế tác, nhập khẩu Đàng Trong vào thế kỷ XVII - XVIII.

Trong thời hoàng kim của giao thương Nhật - Việt, kiều dân Nhật Bản ở Hội An có quyền tự trị, giữ vai trò lãnh sự và phiên dịch giữa thương nhân Nhật Bản với chính quyền địa phương. Họ cũng là những người điều hành mạng lưới hãng buôn và kho hàng của người Nhật ở phố cảng; cung ứng nơi ở cho các thương nhân và thuyền viên người Nhật khi họ cập bến Hội An.

Trong số 354 shuin-jo mà Mạc phủ Tokugawa cấp cho các thương thuyền Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán trong khoảng thời gian 1604-1634, có 130 shuin-jo được cấp cho các thương thuyền trực tiếp buôn bán với Đại Việt, trong đó có 86 shuin-jo cấp cho các thương thuyền đến Hội An. Thuyền buôn Nhật Bản nhập khẩu đồ sứ, đại bác, thuốc súng, giấy, các loại khoáng sản… vào Việt Nam; đồng thời mua đồ gốm, trầm hương, tơ tằm, các loại nông sản… từ Việt Nam chở về Nhật Bản.

images1332094 e

Trầm hương - sản phẩm của xứ Đàng Trong được các thương nhân thời kỳ châu ấn thuyền mua về Nhật Bản.

Một trong những mặt hàng được các thương nhân Nhật Bản buôn bán và trung chuyển nhiều nhất ở Hội An chính là đồ gốm sứ. Vào đầu thế kỷ XVI, người Nhật nhập khẩu nhiều đồ gốm Việt Nam, trong đó ngoài nhu cầu sử dụng còn có mục đích tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm của người Việt. Việc xuất nhập gốm sứ của người Nhật qua thương cảng Hội An đã diễn ra theo hai thời kỳ: thời kỳ đầu (từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI), Hội An xuất đồ gốm sứ trong nước, có nguồn gốc từ các vùng Bát Tràng, Chu Đậu... sang các nước Đông Nam Á hải đảo và Nhật Bản. Thời kỳ sau (từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII), Hội An lại là nơi nhập cảng đồ sứ từ Trung Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam.

Tại sao có sự kiện trái ngược như thế? Nguyên nhân là vì chính sách hải cấm của Minh triều kéo dài trong gần 200 năm. Điều này đưa đến một kết quả là hoạt động mậu dịch của các thương nhân Trung Hoa bị hạn chế rất nhiều, buôn bán đồ gốm của Trung Quốc xuống mức rất thấp. Trong bối cảnh đó, đồ gốm Đại Việt đã thay thế và tăng lên. Trước nay Nhật Bản vẫn nhập đồ gốm từ Trung Hoa nhưng do lệnh cấm của Minh triều, nên họ phải quay sang tìm mua đồ gốm của Đại Việt và Xiêm La. Đó là lý do tại sao trong nhiều di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản đã tìm thấy nhiều gốm sứ của Đại Việt và Xiêm La có niên đại thế kỷ XV - XVI.

Sau khi nhà Minh bãi bỏ lệnh hải cấm vào năm 1567, thương nhân người Hoa đã xúc tiến trở lại việc giao thương với thế giới bằng đường biển. Nhờ vậy mà lượng gốm sứ Trung Hoa xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ, tái chiếm thị phần đã mất trước đây. Thuyền buôn nước ngoài quay lại với nguồn gốm sứ mậu dịch Trung Quốc. Đến đây thì các thương cảng của Đại Việt, trong đó có Hội An, lại trở thành các trạm dừng chân cho các con tàu buôn nước ngoài, kể cả thương thuyền Nhật Bản. Và Đại Việt cũng trở thành một nước nhập khẩu đồ sứ Trung Quốc qua các thương cảng trên. Ngoài đồ sứ Trung Hoa, Đại Việt cũng nhập khẩu đồ sứ của Nhật Bản. Các cuộc khai quật trong những năm gần đây ở Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn... phát hiện rất nhiều đồ gốm Hizen của Nhật Bản đã minh chứng cho điều này.

Những phát hiện khảo cổ học về các con tàu chở đầy gốm sứ bị đắm ở vùng biển Việt Nam vào những năm 1990 như: tàu đắm ở Hòn Cau (khai quật năm 1990 - 1992), tàu đắm ở Hòn Dầm (khai quật năm 1991), tàu đắm ở Bà Rịa - Vũng Tàu (khai quật năm 1992), tàu đắm ở Hòn Bà (khai quật năm 1992), tàu đắm Cà Mau (khai quật năm 1998 - 1999)..., và nhất là việc phát hiện và khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, ngay trước cửa ngõ Hội An, với hơn 240.000 hiện vật gốm Việt Nam thời Lê - Mạc, càng làm sáng tỏ hơn vấn đề con đường gốm sứ trên vùng biển tây nam Thái Bình Dương. Trong đó, Hội An là một thương cảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên con đường gốm sứ này.

Nhà nghiên cứu người Nhật, GS. Shigeru Ikuta nhận định: Hội An cùng các cảng thị ở miền Trung Việt Nam đã đóng vai trò trung gian kép giữa vùng ven biển Đông Nam Á và Trung Hoa, cũng như giữa Nhật Bản và Trung Hoa trên con đường gốm sứ xuyên Thái Bình Dương trong kỷ nguyên đại thương mại của thế giới vào các thế kỷ XVI - XVII.

Với thực tiễn phát triển như thế, Hội An đã từ một vùng đất yên tĩnh trở thành thương cảng giữ vai trò mắt xích trung chuyển hàng hóa trọng yếu của các thương nhân Nhật Bản với mạng lưới hải thương trong khu vực châu Á và thế giới bên ngoài.

Cùng với các cảng thị ở Đại Việt như: Phố Hiến, Thanh Hà, Nước Mặn..., Hội An tham gia một cách tích cực vào việc hình thành mạng lưới thương mại hàng hải huyền thoại ở Thái Bình Dương, là một phần của các con đường gốm sứ, con đường gia vị và nhất là con đường tơ lụa lừng danh một thời. Nhưng quan trọng hơn cả là Hội An và các cảng thị ở miền Trung Việt Nam đã đóng vai trò đầu cầu quan trọng trong mối giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam từ hàng trăm năm trước.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Nguồn tin: baoquangnam.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn