Cuộc thi dành cho các đoàn hợp xướng không chuyên của VN và nước ngoài và được coi là 1 trong số 12 cuộc thi quốc tế do Interkultur tổ chức trong năm 2011. Nhạc trưởng Phạm Hồng Hải, Phó giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN, đồng thời là Giám đốc nghệ thuật VICC 1 cho biết:
Nhạc trưởng Phạm Hồng Hải với ông Thomas, Giám đốc dự án VICC 1 tại Hội An lần này. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
- Tính đến thời điểm này đã có 36 đoàn đến từ 8 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 1.000 người đăng ký tham dự, gồm: VN, Indonesia, Philippines, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Sri Lanka, Malaysia và Estonia. Trong đó, Indonesia hiện đang là quốc gia có số đoàn tham dự đông nhất, lên tới 12 đoàn; đứng thứ hai là Philippines với 10 đoàn.
VN có 5 đoàn là: Hợp xướng trẻ em Sol Art; Tốp ca nữ Câu lạc bộ Người yêu thiên nhiên của Cung Văn hóa Hữu nghị; Hợp xướng trẻ em Hà Nội mới; Hợp xướng của Trung tâm Văn hóa UNESCO Hà Nội và Đoàn hợp xướng tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, có thể VN sẽ còn có thêm 2 đoàn nữa ở Hà Nội và TP.HCM tham dự.
* Phải chăng thế mạnh của VN là hợp xướng trẻ em, cho nên có tới 2 đoàn trẻ em tham dự, thưa anh?
- Thực ra vấn đề không phải thế, mà tất cả các đoàn tham dự cuộc thi này đều phải đóng tiền chứ không được sự hỗ trợ nào của Nhà nước hay Interkultur. Phải đóng lệ phí thi cho BKG, phải đóng tiền để BTC sắp xếp chỗ ăn, ở và các đoàn còn phải tự túc về vấn đề đi lại. Đoàn nào rủng rỉnh thì đi máy bay, kém hơn thì đi tàu, ô tô...
Cuộc thi được tổ chức ở VN cho nên lệ phí thi chỉ 200 USD/đoàn cho 1 môn thi (lệ phí khi thi tại các nước khác là 350 euro), thi 2 môn phải đóng 400 USD,... Đoàn lớn đoàn nhỏ lệ phí đều như thế. VN có nhiều đoàn hợp xướng, nhưng hầu hết đều không có kinh phí cho việc ăn ở khách sạn, máy bay đi lại. VN năm nay có 2 đoàn thiếu nhi (vì bố mẹ thường sẵn sàng chi tiền cho con cái), 2 đoàn khác là của các bác cao tuổi...
* Trước đây anh có nói rằng trình độ hợp xướng VN kém xa thế giới, vì VN không có truyền thống hát hợp xướng. Với cuộc thi này, chắc hẳn chúng ta sẽ học hỏi được những điều VN đang thiếu?
- Mình có thể học được nhiều điều từ cuộc thi này, nhưng không phải như cách mà các ngành chuyên môn khác hay nói là “tham gia để học hỏi”. Ví dụ như bên thể thao, bóng đá hay điền kinh..., mình ra nước ngoài không chỉ thi đấu mà còn học hỏi kinh nghiệm, để sau này còn thi đấu tiếp. Còn với hợp xướng, hơn nữa lại là hợp xướng không chuyên, những người hát hợp xướng cũng không làm nghề này, mà chỉ vui thì hát, mà họ cũng không cần phải học hỏi thật nhiều điều này điều kia. Họ chỉ là những người muốn tham gia vui vẻ và giao lưu là chính. Các hợp xướng không chuyên, hát với nhau đã thấy vui rồi, được hát với những người nước ngoài, bạn bè khác càng vui hơn. Có cơ hội để thi đấu quốc tế ngay tại nước mình, không phải đi xa lại càng vui hơn nữa!
Nhưng các đơn vị chuyên nghiệp như chúng tôi và BTC ở tỉnh Quảng Nam sẽ học được “công nghệ tổ chức” của bạn.
* Vậy đạt giải Nhất ở cuộc thi này, có tiền thưởng không, thưa anh?
- Có thể BTC sẽ có giải thưởng đặc biệt cho đoàn có thành tích... đặc biệt (nếu có). Còn dự kiến sẽ có 6 loại giải thưởng: Huy chương các loại Vàng, Bạc Đồng; giải Đoàn vô địch của từng môn thi... Tất nhiên, các giải thưởng này không bao gồm tiền, không có tí tiền thưởng nào cả. BTC chỉ hỗ trợ phần công tác tổ chức, chứ không hỗ trợ ăn, nghỉ hay vé tàu xe cho đoàn nào. Để khuyến khích các đoàn VN, tỉnh Quảng Nam có đóng hộ tiền lệ phí cho một số đoàn đăng ký ban đầu. Liên hoan này khác hẳn các liên hoan khác mà VN tổ chức. Các liên hoan khác như Liên hoan Xiếc quốc tế, hay phim, sân khấu..., Nhà nước mà cụ thể là Bộ VH,TT&DL phải bỏ tiền ra mời, phải lo chỗ ăn, nghỉ, vé máy bay... còn tại liên hoan và thi hợp xướng quốc tế này, các đoàn phải đóng tiền, thậm chí nếu đến VN rồi mà không đóng lệ phí thì còn không được vào thi!
* Được biết, ban đầu BTC công bố 30 đoàn quốc tế tham dự. Nhưng bây giờ, con số đã lên tới 36. Làm thế nào BTC thu hút được nhiều đoàn tham dự, trong khi họ phải tự túc hết cả...
- Đây là do thương hiệu của Interkultur. Hiệp hội Liên minh Văn hóa này chuyên tổ chức các sự kiện như thế này. Khi họ bàn bạc với tỉnh Quảng Nam, phía ta đề nghị họ phải đảm bảo có 1.000 ca sĩ đến tham sự. Họ tự tin nói ngay rằng, các cuộc thi của họ từ trước đến nay chưa bao giờ có cuộc thi nào dưới 1000 người tham gia. Truyền thống và mạng lưới của Interkultur rộng khắp thế giới. Những đoàn hợp xướng của VN mới tinh tham dự lần này sẽ trở thành thành viên của Interkultur và sẽ được cùng với hơn 30.000 đoàn khác trên thế giới thường xuyên nhận được các thông báo qua mail, điện thoại... mỗi khi Interkultur tổ chức một sự kiện hay chương trình nào đó trên khắp thế giới.
Ngoài ra có thể còn có một lý do khác là VN hiện còn là một địa chỉ chưa có tên trên “bản đồ hợp xướng” thế giới, nên có nhiều đoàn muốn đến kết hợp du lịch chăng?
* Những đoàn có thứ hạng cao chắc hẳn được biết đến nhiều và có nhiều lời mời biểu diễn?
- Tất nhiên. Ví dụ ở cuộc thi và liên hoan này, một số đoàn có điểm cao từ trước đó sẽ được mời biểu diễn trong lễ khai mạc, họ cũng được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới...
* Xin cảm ơn anh!
Hiền Thương
Các hoạt động chính của VICC 1 gồm: - Lễ diễu hành đường phố của hơn 1.000 nghệ sĩ hát hợp xướng tại khu phố cổ Hội An (chiều 16/3). - Lễ khai mạc liên hoan tại Sân khấu nổi, bên Quảng trường sông Hoài (tối 16/3). - Các đoàn hợp xướng sẽ tranh tài ở 13 môn thi tại Hội trường Hội An, Sân khấu nổi bên Quảng trường sông Hoài (từ ngày 17- 19/3). Riêng tối 15/3 và 18/3, các đoàn biểu diễn tại 8 địa điểm của TP Hội An. - Lễ bế mạc liên hoan sẽ được tổ chức tối 19/3 tại Sân khấu nổi, bên Quảng trường sông Hoài. |
Nguồn tin: tintuc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn