Dự án cầu Cửa Đại được khởi công ngày 30/8/ 2009, có chiều dài trên 18,3 km kể cả đường dẫn, được chia làm 5 gói thầu với nhiều hạng mục quan trọng, có tổng vốn đầu tư 2.479 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 50%, còn lại là vốn ngân sách địa phương đầu tư từ nguồn khai thác quỹ đất.
Riêng cầu chính dài 1.480m, rộng 25m, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép. Phần đường dẫn phía Hội An có thêm 3 cầu nhỏ để thoát lũ, tổng chiều dài 4.780 m, rộng 38m. Phần đường dẫn Duy Xuyên rộng 138m (có 100m làm dải cây xanh hai bên), tổng chiều dài 12.040m. Hai đầu cầu sẽ đặt hai biểu tượng di sản văn hoá thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn.
Cho đến thời điểm này, dự án đang từng bước “chạy đà”. Ông Nguyễn Hữu Đồng, Chỉ huy trưởng Công trình cầu Cửa Đại (Công ty CP XDCTGT 479) cho biết: Hiện tại, công trình bên phía xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên anh em công nhân đang triển khai san lấp mặt bằng, mố nhô, lắp trạm trộn, tập kết thiết bị, vật tư và xây lán trại cho công nhân...
Đặc biệt, đang chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để khoan cọc nhồi trụ 15 (dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2011 sẽ tiến hành). “Gói thầu 3.2 từ trụ 11 tới trụ 18 với tổng kinh phí trên 1.043 tỷ đồng trong thời gian 35 tháng. Trong đó, trụ 14 và trụ 15 do Công ty đảm nhiệm. Đây được đánh giá là 2 trụ khó nhất, lớn nhất và lại nằm giữa sông có nhịp hẫng chiều dài 150m, bề rộng mặt cầu 25,22m. Chúng tôi phải dùng công nghệ khoan cọc nhồi đường kính 2m có chiều dài hơn 80m...”, ông Đồng nói.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2011, TCT XDCTGT5 cũng đã đóng cọc móng đầu tiên của cầu Khe Thủy (thuộc gói thầu 3.4), một hạng mục công trình nằm trong dự án cầu Cửa Đại. Sau khi đóng thành công cọc móng đầu tiên, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành toàn bộ dự án và đưa công trình vào sử dụng cuối tháng 4 năm 2014.
Tuy nhiên, hiện tại dự án đang gặp phải khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng cả gói 3.2 và 3.3. Theo thống kê, phía bên Duy Xuyên mới GPMB từ tim dọc cầu ra khoảng 69m.
Ngoài ra, tập kết thiết bị rất khó khăn do đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp lại vướng nhiều trở ngại nên các xe lớn vào rất vất vả. “Hiện tại, hơn 70 công nhân và xe máy thiết bị đang triển khai san lấp mặt bằng và tập kết vật tư... với mục tiêu đáp ứng tiến độ đề ra”, ông Đồng tâm sự.
Nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển xuyên quốc gia của Chính phủ, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo nên hành lang giao thông liên vùng nối TP Đà Nẵng, khu đô thị cổ Hội An với vùng phía Đông tỉnh Quảng Nam và các vùng kinh tế trọng điểm khác; đồng thời là tuyến đường tránh lũ quan trọng, cứu hộ cứu nạn cho nhân dân trong vùng mùa mưa bão.
Nguồn tin: hoian.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn