//

Nơi hội tụ tinh hoa

Thứ bảy - 12/05/2012 07:55

Hội An đến đầu thế kỷ 20 còn là nơi hội tụ những nhà yêu nước, những trí thức lớn không chỉ quê ở Hội An mà còn ở khắp mọi nơi.

Năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng viết: “Hội An là thị trấn buôn bán hội tụ đông nhất tỉnh Quảng Nam. Tòa công sứ cũng đóng ở đấy. Không kể dân ở các phủ, huyện trong tỉnh mà dân buôn bán ở các tỉnh lân cận cũng thường qua lại rất đông”. Trước đó, theo tiến sĩ Đỗ Bang: “Đô thị Đàng Trong ra đời là hệ quả của chính sách tiến bộ của các chúa Nguyễn đón nhận đúng thời cơ thương mại quốc tế và di dân đô thị đang phát triển... Hội An trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của nước ta thu hút thương khách nhiều nước đến buôn bán và lưu trú...”.

Theo quy luật phát triển, vì vậy, Hội An cũng từng là nơi quy tụ nhiều tinh hoa trong nước.

Từ câu chuyện ở nhà lao Faifo

Tư liệu ghi nhận từ năm 1908 đã có những tù nhân trong vụ kháng sưu ở Quảng Nam bị giam giữ tại nhà lao Hội An. Nhà lao Hội An cũng là đầu mối quan trọng, từ đây các tù nhân tiếp tục bị đày đi các nhà tù lớn khác như Mang Cá, Côn Đảo, Lao Bảo... Từ khi được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1945, tại nhà lao Hội An, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Việt Nam đã giam giữ hàng ngàn người yêu nước tham gia các phong trào đấu tranh ở khắp Trung Kỳ như Phong trào chống sưu thuế tháng 3.1908, cuộc khởi nghĩa năm 1916 tại Huế do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo cho đến khi phong trào Việt Minh đứng lên cướp chính quyền năm 1945...

Nhiều trí thức, chí sĩ uy tín như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Châu Thượng Văn, Tiểu La Nguyễn Thành đã bị địch giam giữ tại đây từ năm 1908. Riêng Châu Thượng Văn đã tuyệt thực ở nhà lao Hội An hơn 20 ngày trước khi bị mất trên đường đưa đi nhà tù Lao Bảo. Đến năm 1947, nhà lao Hội An đã bị nhân dân và chính quyền cách mạng xóa bỏ.

Trong Phong trào Duy Tân và Đông Du, chí sĩ Châu Thượng Văn, tức Châu Thơ Đồng, là một thành viên trung kiên đóng góp công của khá lớn. Ông gốc người làng Minh Hương, nay là phường Minh An, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hội An trong một gia đình thương gia buôn bán lớn, có liên lạc với thương gia nước ngoài. Nhờ vậy, Châu Thượng Văn sớm đọc nhiều tân thư đưa từ Trung Quốc, Nhật Bản vào Hội An và sau đó chuyển những tài liệu này cho các đồng chí của mình như Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...

Sử sách ghi lại rằng, năm 1905, Châu Thượng Văn và Nguyễn Thành đã vận động và đóng góp đến 3.000 đồng đương thời để các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính đủ kinh phí sang Nhật.

 Con đường mang tên Châu Thượng Văn ở Hội An
Con đường mang tên Châu Thượng Văn ở Hội An - Ảnh: T.Đ.T

 Tượng đài Nguyễn Duy Hiệu của họa sĩ Đỗ Toàn
Tượng đài Nguyễn Duy Hiệu của họa sĩ Đỗ Toàn

Sau khi bị bắt vì vụ kháng thuế năm 1908 và bị giam tại nhà lao Hội An, ông chọn cách tuyệt thực dài ngày, không tiết lộ mọi thông tin về phong trào và các đồng chí.

Khi Châu Thượng Văn mất, chính cụ Huỳnh đã khóc bạn bằng câu đối: “Người đều sợ chết, ngươi chẳng tham sống nhơ, tám thước mày râu, thẹn với non sông lo bữa gạo/Ai đương việc khó, người đành làm việc dễ, một phần gánh việc, hãy đem tâm huyết tỏ đồng bào”.

Đến "anh hùng kỳ vĩ" của Nghĩa hội

Một người con khác của Hội An cũng đầy khí phách trước đó, là một trong những lãnh tụ của Phong trào Nghĩa hội, không chỉ làm cho thực dân ở Quảng Nam mà nhiều tỉnh Trung kỳ khiếp vía: cụ Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu. Ông là người con của làng Thanh Hà, nay là Cẩm Hà, TP.Hội An.

Khi phong trào thất bại vì quân phản bội Nguyễn Thân, để tránh thiệt hại cho tướng sĩ, sau khi phó tướng Phan Bá Phiến tự vẫn, Nguyễn Duy Hiệu chọn cách nhận mọi trách nhiệm về mình bằng cách nạp mình cho kẻ thù... Các tư liệu về tiểu sử của ông ghi lại: Chứng kiến xong cái chết của người đồng sự tâm phúc, ông trở về quê thăm viếng mẹ già rồi mặc áo dài đen, vấn khăn, ngồi xếp bằng trước bàn thờ trong miếu Quan Công ở làng Thanh Hà và sai người đi báo cho giặc đến bắt.

Trước khi chết Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu đã làm bài thơ tuyệt mệnh, mà sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch ra quốc ngữ:

Cần vương Nam Bắc 
kết tơ đồng,
Cứu giúp đường kia 
khổ chẳng thông.
Muôn thuở cương thường 
ai Ngụy Tháo?
Trăm năm tâm sự 
có Quan Công.
Non sông phần tự 
thơ trời định,
Cây cỏ buồn trông 
thấy đất cùng.
Nhắn bảo nỗi chìm ai đó tá?
Chớ đem thành bại 
luận anh hùng.

Khâm sứ Trung kỳ lúc đó là L.J.Baille, sau cái chết của Nguyễn Duy Hiệu, đã viết: “Con người này có một nghị lực phi thường, một anh hùng kỳ vĩ...”. Còn nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc đánh giá: “Sự hy sinh của Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã bảo toàn được lực lượng yêu nước thời bấy giờ tại các tỉnh miền Trung. Sự xuất hiện trở lại sau đó của các nhân vật đã từng tham gia Nghĩa hội như Tiểu La Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Châu Thượng Văn trong Phong trào Duy Tân, chống thuế Trung kỳ... đầu thế kỷ 20 là một minh chứng”.

Tất cả những chí sĩ, trí thức cách mạng được nhắc tới trên đây đều là những nhân cách lớn mãi còn lưu danh trong sử sách. Thành bại trên con đường đấu tranh cho độc lập và thịnh vượng của Tổ quốc Việt Nam, từ Phong trào Cần Vương, Đông Du hay Duy Tân đến Cách mạng Tháng Tám..., không chỉ đã tô đậm những trang sử oai hùng và đẫm máu, mà nó còn cho thấy những “tinh hoa” dân tộc được đề cập ở đây - dù sinh ra ở Hội An hay vì việc lớn mà quy tụ về đây - cũng đã góp phần tạo cho Hội An một lịch sử sinh động và bề dày văn hóa nhiều lớp nhiều tầng như chúng ta đã thấy... 

Tác giả bài viết: Trương Điện Thắng

Nguồn tin: nld.com.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật