Truyền thống
Trường Trần Quý Cáp ra đời năm 1952, với cơ ngơi ban đầu chỉ có dãy phòng học mượn tạm ngôi chùa người Hoa ở đường Cường Để (nay là chùa Hải Nam, đường Trần Phú). Từng thế hệ thầy trò kế tiếp luôn cố gắng vun đắp, tạo bề dày xứng đáng với ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước. Cùng với không gian văn hóa của một đô thị cổ, trường THPT Trần Quý Cáp đã góp thêm một dấu ấn ký ức qua nhiều thế hệ.
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự trao phần thưởng cho học sinh xuất sắc nhất của trường. Ảnh: P.GIANG |
Từ mái trường này, nhiều cựu học sinh nay đã thành đạt sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Trong đó, có nhiều tên tuổi lớn như giáo sư Trần Văn Thọ hiện đang giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Ông từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật như Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế (thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước), Viện Nghiên cứu tài chính và phát triển kinh tế (thuộc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC). Ông là một trong những người tích cực nhất trong các hoạt động nghiên cứu và đề xuất ý kiến về mặt chính sách tại Nhật Bản và Việt Nam. Sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, nhưng đối với mái trường xưa Trần Quý Cáp, ông vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ trường và các thế hệ học sinh sau này. Quỹ học bổng của giáo sư Trần Văn Thọ dành cho học sinh nghèo hiếu học nhiều năm qua góp phần giúp các em vượt qua khó khăn để theo đuổi ước mơ…
Phụ huynh học sinh tặng hoa cho các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. |
Nhà thơ Phùng Tấn Đông, cựu học sinh của trường, nhớ lại: “Tôi vào học lớp đệ thất (lớp 6) từ những năm 70 thế kỷ trước, ra trường năm 1979. Tôi tự hào là học sinh của trường. Nằm trong buổi giao thời nhưng phần lớn các thế hệ học sinh kết nối nhau bởi một lẽ tất nhiên vì đồng môn, huynh đệ trường Trần Quý Cáp Hội An - chung một truyền thống hiếu học, luôn biết ơn thầy cô và ai cũng được dạy cho một khao khát thành người hữu dụng cho đời. Tôi luôn nhận viết kịch bản các lễ hội kỷ niệm trường 50 năm, 60 năm với niềm xúc động của một buổi sớm ba mươi mấy năm trước tôi đi bộ một mình từ làng gốm Nam Diêu đến “kinh đô ánh sáng” để bắt đầu một hành trình mới, khó nhọc và kỳ thú, thầy cô và bạn bè, muôn vàn kỷ niệm. Tất thảy - nói có vẻ hơi chủ quan - làm nên phần số tôi, nghề nghiệp tôi. Có lẽ lòng ham học bền bỉ, thường trực mà mỗi người có được hôm nay là nhờ sự khai minh của nhà trường thời ta còn vị thành niên mà riêng tôi đó là trường Trần Quý Cáp. Một kỷ niệm nhỏ về tình bạn, năm 1981, một chiều tôi từ một cánh rừng ở biên giới Lạng Sơn (tôi đi bộ đội) đến lộ Một, đang đi bỗng nghe có ai gọi tên mình bằng giọng Hội An, dừng lại thì xe cũng vừa qua, trên ca-bin một cái đầu ngoái lại, tôi chỉ nghe rớt lại mấy tiếng “Trần Quý Cáp - Hội An”...
Chắp cánh ước mơ
Phát huy truyền thống, thầy và trò trường Trần Quý Cáp tiếp tục nỗ lực vượt bậc trong việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều năm liền, trường đào tạo được các đội học sinh giỏi khá mạnh, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng trong cả nước không ngừng tăng lên. Năm học 2010-2011, tỉ lệ học sinh khá giỏi toàn trường chiếm hơn 60%, 100% học sinh tốt nghiệp THPT, tỉ lệ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước xấp xỉ 62,27%. Trên bảng xếp hạng các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, nhiều năm liền trường giữ vững vị trí top 3 trường có thành tích cao nhất. Chỉ riêng trong 5 năm gần đây, toàn trường có 161 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Năm học 2010 - 2011, em Trần Ngọc Sơn đoạt giải Ba môn Toán cấp quốc gia, em Nguyễn Viết Ngọc đoạt giải Khuyến khích môn Vật lý cấp quốc gia.
Học sinh cũ đón học sinh mới vào lớp 10 trong lễ khai giảng. |
“Cùng với nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh, nhiều năm qua trường luôn nhận được sự quan tâm kịp thời, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo để ngày một phát triển, chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục. Những phương hướng, biện pháp để xây dựng trường thành trường chuẩn quốc gia bậc THPT, trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của tỉnh cũng đã được vạch ra cụ thể và tích cực thực hiện qua từng năm học” (Thầy Võ Văn Cư, Hiệu trưởng trường THPT Trần Quý Cáp) |
Để phục vụ tốt cho việc dạy và học, cơ sở vật chất của trường ngày càng được đầu tư xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện... Đồng thời, việc nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, trình độ chuyên môn của từng cán bộ giáo viên cũng rất được chú trọng. Hiện tại, nhà trường đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để hội nhập vào trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam, tiến tới xây dựng trường THPT Chuyên Trần Quý Cáp trong những năm đến.
Ngoài ra, công tác khuyến học cũng là một trong những thế mạnh của trường với sự quan tâm của rất nhiều cựu học sinh, cựu cán bộ giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Nhiều cựu học sinh đã đứng ra vận động xây dựng quỹ học bổng nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Ban liên lạc cựu học sinh tại các địa phương, các vùng miền, ở nước ngoài cũng thành lập nhiều quỹ học bổng như Quỹ học bổng Hoàng Trung, Quỹ học bổng giáo sư Trần Văn Thọ, Quỹ học bổng của cựu học sinh ở Hội An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Sáu mươi năm, nhìn lại chặng đường đã qua, các thế hệ cán bộ giáo viên, học sinh của trường THPT Trần Quý Cáp càng thêm tự hào với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Những nỗ lực đó vẫn đang được từng thế hệ học trò hôm nay tiếp nối, xứng đáng với với bề dày truyền thống và niềm vinh dự mang tên nhà chí sĩ yêu nước, người thầy mẫu mực Trần Quý Cáp.
Tác giả bài viết: Phương Giang
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn