Từ phố cổ Hội An, ngược dòng Thu Bồn bằng thuyền du lịch khoảng 3km về phía Tây, đến bến thuyền làng gốm Thanh Hà, du
khách sẽ gặp ngay ngôi nhà ngói ba gian trước bến thuyền. Đó là ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Được - nghệ nhân 87 tuổi, với 75 năm chuốt gốm, là thợ gốm có thâm niên cao nhất làng, một nghệ nhân có công lớn giữ lửa làng gốm truyền thống Thanh Hà.
Gặp chúng tôi, bà say sưa kể về làng nghề với giọng đầy tự hào: “500 năm về trước, ông cha từ Thanh Hóa, Nghệ An vào Nam đã chọn Thanh Hà làm nơi lập làng, gây nghiệp gốm. Đồ gốm, sành Thanh Hà đã được bán tại chợ Hội An và nhiều chợ trong tỉnh chợ Hội An. Cách đây 60 - 70 năm về trước ở làng đã có ghe bàu và lái buôn chở gốm đi bán ở các tỉnh duyên hải miền Trung”.
Bà Được sinh ra trong gia đình có cha mẹ là thợ gốm khéo tay của làng, tộc Nguyễn Văn của bà cũng có nhiều thợ giỏi được nhà Nguyễn tuyển vào làm ở tượng cục Long Thọ - Huế. Trong môi trường ấy, bà Được đã nhanh chóng học được kỹ thuật chuốt gốm từ gia đình, láng giềng, đến 15 tuổi bà đã là thợ chuốt. Với bàn tay tài hoa của mình
, bà luôn là thợ lành nghề trong hơn 75 năm làm gốm. Trong đời thợ gốm, bà Được luôn bám nghề kể cả trong lúc khó khăn nhất như khi làng gốm tản cư kháng chiến ở Kỳ Hưng - Tam Kỳ trong những năm 1947 - 1954 hay lúc thị trường tiêu thụ gốm, sành bị bế tắc trong những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, chỉ có bảy bàn xoay hoạt động trong cảnh sản xuất tiêu điều của làng nghề.Dầu đã cao tuổi nhưng khi nhìn bà chuốt gốm, tôi thấy đôi tay bà vẫn còn mềm dẻo, lanh lợi lắm, chỉ trong 60 giây đã chuốt xong một cái nồi loại trung. Bà nói: để có sản phẩm tốt phải chọn đất sét vàng, dẻo, không có tạp chất. Tùy mỗi lúc mà dùng lực chuốt khác nhau, lúc mới tạo chiều cao cho phôi, bàn xoay phải được đẩy mạnh, thợ chuốt dồn nhiều lực vào hai tay mới tạo được vóc dáng của phôi. Nhưng tạo vành miệng, hông thì tốc độ quay bàn xoay vừa phải, hai tay chỉ áp nhẹ mới tạo được phôi tròn trịa, không bị cong, vênh. Và có thể nói bà là một trong 2 người giữ được bí quyết và có thể trực tiếp truyền dạy chuốt gốm loại lớn ở Thanh Hà hiện nay.Không chỉ thế, bà cũng kể vanh vách hàng chục tên gọi sản phẩm gốm truyền thống của làng mà bà đã từng tạo hình, trong số đó có những sản phẩm chỉ còn trong ký ức mà thôi. Theo lời bà kể, tôi đã thống kê được ít nhất 25 loại hình gốm, sành là hũ, cối, chậu, nồi, trả, nồi hương, chân đèn... Bà cũng nói thêm “Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, hàng tháng bà có thể làm ra 1000 - 1500 sản phẩm hủ, nồi, cối, trả”, với lượng sản phẩm này có thể bà Được là người làm gốm có năng suất cao nhất của làng. Trong đó, hũ bảy, sáu, năm là lớn nhất, yêu cầu kỹ thuật tạo tác cao thì chỉ có những thợ gốm giàu kinh nghiệm như bà Được mới chuốt được và hiện chỉ có 2 người nắm giữ được kỹ thuật chế tác và trực tiếp chuốt thành công hũ Bảy được làm từ bảy con đất. Ngoài ra, bà còn nhớ rõ ràng kỹ thuật nung sành và cách nhận biết trạng thái sản phẩm gốm, sành trong khi nung theo kinh nghiệm dân gian từ bao đời của các thợ gốm tiền bối truyền lại. Như vậy, bà Được còn là người lưu giữ nhiều ký ức dân gian, những giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề.Là mẹ Liệt sĩ, hoàn cảnh neo đơn nhưng với tâm huyết dành cho nghề gốm, bà Được đã, đang tự đảm bảo được đời sống bằng hoạt động trình diễn nghề tại Làng gốm Thanh Hà, tại Công ty TNHH DLDV Thắng Lợi, Nhà Biểu diễn Nghệ thuật Cổ truyền Hội An. Ngoài ra, bà đã dồn hết tâm huyết truyền kỹ thuật chuốt gốm cho cháu nội gái Nguyễn Thị Vân 42 tuổi, cháu nội dâu Phạm Thị Thúy 33 tuổi từ cách đây 8 năm và hai chị đã trở thành hai thợ gốm trẻ nhất làng. Đặc biệt, bà cũng đã quan tâm truyền nghề cho hai cháu cố của mình ở độ tuổi 5 tuổi và 10 tuổi trổ chuốt gốm khiến cho nhiều du khách tham quan phải trầm trồ ngợi khen. Như vậy, bà là người duy nhất trong làng gốm Thanh Hà đã truyền nghề chuốt gốm được cho cháu nội, cháu cố của mình và góp phần thắp lên ngọn lửa mạnh mẽ lâu dài cho sự trường tồn của làng gốm Thanh Hà.
Bên cạnh truyền nghề chuốt gốm bà Được đã cùng cháu nội của mình tạo ra một loại hình sản phẩm mới riêng có của làng gốm đó là tạo dáng sản phẩm trên bàn xoay bằng bàn tay chuốt của bà Được và được trang trí khắc họa, đắp nổi, sơn màu thành nhiều đồ án văn hóa của cháu nội của bà là anh Nguyễn Văn Sơn. Những sản phẩm này đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật bình gốm in hình dáng nhà cổ Hội An, hủ gốm có miệng hình cổ áo, khắc họa hoa văn ô trám, đắp nổi hình rồng cuộn, đèn gốm áp tường, chân tiện... Giá trị của sản phẩm từ đó cũng được nâng cao lên từ vài trăm ngàn sản phẩm loại nhỏ và vài triệu đồng sản phẩm loại lớn. Những sản phẩm này đã được tiêu thụ và tham gia trưng bày tại nhiều hội chợ nghề truyền thống ở Quảng Nam
, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... Từ sự hướng dẫn của bà Được cơ sở chế tác gốm của anh Sơn đã trở thành một trong những cơ sở đi đầu trong sáng tạo kiểu dáng sản phẩm, đạt thu nhập cao ở làng gốm, đảm bảo tốt đời sống gia đình.Rời nhà bà Được trở lại phố Hội, trong tôi ấm lên một niềm tin về sự tồn tại lâu dài của nghề gốm bởi làng gốm Thanh Hà đã có người giữ lửa và truyền lửa nhiệt thành cho sự phát triển của nghề gốm như Bà Được