//

Huyền thoại Năm Thêm - Cao Hồng Lãnh

Thứ năm - 10/05/2012 16:59

Lúc sinh thời, Giáo sư Huỳnh Lý từng nói: “Những người Hội An có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay, ngoài anh em nhà Tự Lực Văn Đoàn thì phải kể đến ông Phan Thêm - Cao Hồng Lãnh”.

Ông không chỉ lập ra gánh hát bội, lập đội bóng đá Orore mà còn là người đầu tiên nói chuyện với phi công Mỹ William Shaw ở chiến khu Việt Bắc nhảy dù xuống gần Cao Bằng do động cơ máy bay hỏng, tìm luật sư bào chữa cho Cụ Hồ trong “vụ án Hương Cảng” và tham gia ra lời kêu gọi Nam kỳ khởi nghĩa cùng với Giáo sư Trần Văn Giàu tại Hội nghị Cây Mai ngày 23.9.1945. 

Cãi nhau với công sứ Pháp

Phan Thêm - Cao Hồng Lãnh tên thật là Phan Hải Thâm, sinh năm 1906 tại Hội An. Từ nhỏ ông đã học chữ Nho tại nhà, rồi tiểu học ở Trường Hội An, sau đó ra Huế học Trường Pellerin. Năm 1924 ông thi đỗ thành chung. Tháng 10.1927, ông đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hội An và làm bí thư chi bộ. Năm 1928, ông vào Sài Gòn cùng với Lê Quang Sung đi tàu biển sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị. Năm 1930, ông được phái về nước hoạt động với bí danh Cao Hồng Lãnh.

Ông mất ngày 26.7.2008 tại Hà Nội, thọ 102 tuổi và có đến 82 năm tuổi Đảng. Ở quê hương Hội An, ngôi nhà lưu niệm Phan Thêm - Cao Hồng Lãnh được chính quyền thành phố thành lập tại số 129 Trần Phú, hiện là điểm di tích tham quan thu hút rất đông du khách. Đây chính là nơi ông tổ chức cuộc họp đầu tiên để thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hội An vào tháng 10.1927 như đã nói ở trên.

Ông Cao Hồng Lãnh (đứng giữa mang cà vạt, hàng sau) cùng các đại biểu Quốc hội năm 1960 - Ảnh: T.Đ.T chụp lại tại nhà lưu niệm
Ông Cao Hồng Lãnh (đứng giữa mang cà vạt, hàng sau) cùng các đại biểu Quốc hội năm 1960 - Ảnh: T.Đ.T chụp lại tại nhà lưu niệm

Ngoài ra, đây còn là ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Hội An, có cửa hiệu buôn sách báo, thuốc Bắc do cha mẹ ông lập ra. Nhiều trí thức Hội An và cả Huế, Đà Nẵng thời ấy thường đến đây để mua các loại sách báo tiến bộ. Ông Phan Ngọc Trâm, người cháu cách 2 đời của cụ Phan Thêm hiện là chủ ngôi nhà cho biết, gia đình ông đã có 6 đời sinh sống trong ngôi nhà cổ 180 năm tuổi này. Cụ Thêm là đời thứ 4.

Đến tuổi trưởng thành, Phan Hải Thâm cùng một số thanh niên địa phương đã tổ chức đòi xóa bỏ các hủ tục, chống hào cường, quan lại hà hiếp người dân. Nhờ đó ông được suy tôn làm thủ lĩnh của thanh niên địa phương. Cụ Hồ Cường năm nay 94 tuổi, từng vô địch điền kinh Đông Dương, kể một giai thoại: hồi năm 1927-1928, ông Năm Thêm (tên gọi thân mật ở Hội An của Phan Hải Thâm) lập ra hội Rạng Đông ở Hội An với một đội bóng đá và gánh hát để qua đó tuyên truyền cách mạng. Riêng đội bóng Orore - Rạng Đông đá rất hay, vang danh khắp Trung kỳ và đội bóng đá này trở thành mũi nhọn tuyên truyền cách mạng ở Hội An. Thực dân Pháp bắt, tra hỏi nhưng Năm Thêm cãi phăng mọi lời cáo buộc. Chúng đành chịu vì không chứng cứ và thua lý lẽ rõ ràng sắc bén của Năm Thêm.

Cao như ngọn Hồng Lĩnh

Để chuẩn bị cho việc thành lập một chính đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn một số thanh niên ưu tú trong nước đi học các lớp bồi dưỡng chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc). Năm Thêm là một trong số đó.

 

 
 

“Tôi và anh Lãnh từng hoạt động cùng nhau ở Trung Quốc, ở Chiến khu Việt Bắc... sau này lại là những người bạn tốt của nhau. Kỷ niệm giữa hai chúng tôi nhiều lắm, khó mà kể hết được. Điều tôi thích nhất ở anh Lãnh là đức tính kiên định: kiên định đi theo con đường cách mạng, đi theo Bác Hồ để giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào”.

(Phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân lễ mừng thượng thọ 100 tuổi của cụ Cao Hồng Lãnh)

 
 
 

 

Lúc về hưu và sống ở ngoại ô Hà Nội, ông Thêm kể rằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó mang tên là Tống Văn Sơ, đã đặt tên cho ông là Cao Hồng Lĩnh. Ông giải thích: “Bác Hồ và các đồng chí thấy tôi là người cao ráo nhất, lại có ý chí phấn đấu nên đặt cho họ Cao, còn Hồng Lĩnh là do cụ Hồ Ngọc Lãm đặt cho bởi nó gần với nghĩa khí núi Hồng Lĩnh quê Nghệ Tĩnh của cụ và cũng để đối với tên Hải Thâm của tôi trước đó. Sau này, khi vào vận động Nam bộ kháng chiến, anh Trần Văn Giàu và anh em trong đó lại chuyển tên Lĩnh thành Lãnh theo cách nói của người trong đó cho dễ gọi”. Tên Cao Hồng Lãnh vì vậy theo ông mãi, và sau này các con ông đều mang họ Cao như các anh chị Cao Tú Phong, Cao Minh Hà…

Sang Quảng Châu rồi Hồng Kông, Cao Hồng Lãnh không chỉ học tập mà còn đưa đón những thanh niên ưu tú trong nước sang và các hoạt động hậu cần khác. Cho đến những năm 1937-1938, Cao Hồng Lãnh được giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức cơ sở cách mạng ở địa bàn Cao - Bắc - Lạng… Ông cũng đã tổ chức kênh tiếp viện bí mật từ Hồng Kông về Sài Gòn và nhiều nơi khác từ năm 1948. Rồi sang Bangkok, Thái Lan khôi phục Ban Tiếp vận Nam bộ… Từ năm 1953 đến 1960, ông giữ chức Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), Vụ trưởng Vụ Lãnh sự, Bộ Ngoại giao…Chính vì thế trong các cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... thường nhắc đến tên ông như một phần không thể thiếu trong các giai đoạn cách mạng. Qua các hồi ký kể trên, cho thấy Cao Hồng Lãnh còn là người quản lý, chăm lo “cơm áo, gạo tiền” cho đại bản doanh tạm thời của đồng chí Vương (tức Bác Hồ) tại Côn Minh, là đầu mối liên lạc với các vị lãnh đạo trong nước và tổ chức đưa đồng chí Vương về nước vào mùa xuân 1941…

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cụ Hoàng Tuấn Sơn, vẫn nhớ ông Cao Hồng Lãnh (tháng 11.1944) còn được gọi là ông Cao Cẳng, ở Pác Bó gọi là ông Hoàng Khít, có nói chuyện với “món quà từ trên trời rơi xuống” là phi công Mỹ tên Shaw, nhảy dù xuống vùng chiến khu vì động cơ hỏng. Chính ông Cao Hồng Lãnh cùng ông Bằng Giang (sau này là trung tướng, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc) đưa Shaw lên Pác Bó.

Cụ Lãnh từng liên lạc với luật sư Loseby trong “vụ án Hương Cảng” năm 1931 (theo tài liệu lưu trữ tại nhà lưu niệm). Đến năm 1960, gia đình luật sư này đến Hà Nội thăm Bác Hồ và cụ Lãnh lúc đó là Trưởng ban Đối ngoại T.Ư cũng đã được giao nhiệm vụ “thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, gặp riêng bà Loseby, trao cho bà một hộp nữ trang và bảo đây là chút quà nhỏ Hồ Chủ tịch tặng gia đình làm kỷ niệm” (theo lời kể của bà Nguyễn Thị Cúc, thông dịch viên lúc đó - Báo Tiền Phong ra ngày 14.5.2005).

Năm 2006, lúc mừng cụ Năm Thêm - Cao Hồng Lãnh tròn 100 tuổi, nhiều người Hội An đã xưng tụng ông là cây đại thụ bách niên, một con người huyền thoại, là tấm gương tuyệt vời về đạo đức cách mạng, về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm rạng danh quê hương phố Hội.

Tác giả bài viết: Trương Điện Thắng

Nguồn tin: nld.com.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật