|
Sau này, nhờ kỹ thuật số, ông Tế Thông đã ứng dụng và bảo vệ được nhiều ảnh quý từ phim cũ; trong đó có những tấm về cảnh ngập lụt năm 1964 mà ông từng bán cho các báo ở Sài Gòn hồi đó với giá 1 lượng vàng!
Ngày nay, các cơ quan nghiên cứu và nhiều nhà sưu tập còn giữ được hàng ngàn bức ảnh cũ, kể cả phim âm bản thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 của các hiệu ảnh Thiên Chơn Các thành lập từ năm 1912, Vĩnh Tân (1920) rồi sau đó là các hiệu ảnh Lệ Ảnh, Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Hứa Văn Bân, Trương Trừng...
Có lẽ Hội An là một trong số ít những đô thị còn giữ được nhiều hình ảnh cổ xưa về cả con người lẫn cảnh vật. Quá trình tiếp xúc với văn minh thế giới khá sớm, lại là một đô thị - thương cảng - tỉnh lỵ lớn nên cũng như nhiều lĩnh vực khác, Hội An quy tụ nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn nhiều tiệm ảnh danh tiếng.
Những bức ảnh về những cuộc đấu xảo trong thời kỳ Pháp thuộc, cảnh những công chức Việt - Pháp trước cổng tòa công sứ, nay là khách sạn Hội An, về cuộc tuần du của Bảo Đại đến Hội An, ảnh chân dung của hàng trăm người Hội An đương thời mặc áo dài, nón lá hay những bộ xường xám của các thiếu nữ Minh Hương; những cụ ông áo dài khăn đóng hoặc mặc âu phục tân thời; những con đường, bến sông, chùa chiền, cảnh họp chợ, cả những người nông dân cày bừa trên ruộng, những gánh hàng rong; những khu phố chìm trong lũ lụt và nhiều di tích đến nay đã không còn nữa…
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà có tuổi đến hơn 200 năm ở số 80 Nguyễn Thái Học, ông Tế Thông kể: “Năm 1920, cụ Vĩnh Tân, do mê bộ môn nghệ thuật này, đã mở cửa hiệu Tiêu Nhiên. Cũng như cái tên hiệu ảnh, ông chủ của nó đã ngao du khắp nơi săn tìm phong cảnh, ghi lại những sinh hoạt, nhân vật có tiếng tăm hoặc các lễ hội, đình chùa ở Hội An”.
|
Ông Tế Thông sinh năm 1933, theo cha đi chụp ảnh từ năm 12 tuổi và 5 năm sau chính thức cầm máy. Ngoài các tác phẩm nghệ thuật in thành card postal bán cho người Pháp, cha con ông Vĩnh Tân trong nhiều năm đã được tòa sứ và chính quyền đương thời mời chụp ảnh làm giấy thông hành cho hàng vạn người dân quê vùng Hội An. "Từ năm 1950 đến nay, có hơn 80% nữ sinh ở Hội An đã ngồi trước ống kính của tôi để chụp ảnh thẻ hoặc ảnh nghệ thuật. Một số ít những tấm ảnh chân dung thời đó mà tôi lưu giữ đã được các nhà sưu tầm người Đức đến Hội An xin về trưng bày và in thành sách tại Berlin năm 1999, cũng góp phần quảng bá cho đô thị cổ", ông Thái Tế Thông kể.
Hiện trên căn gác của nhà mình, ông Thái Tế Thông còn giữ lại những bức ảnh của Bảo Đại đến thăm Vĩnh Điện, La Qua, ngồi trên chiếc ghế salon gỗ do gia đình ông chở lên cho mượn, một tấm ảnh khác của Nam Phương hoàng hậu đang bồng con… Ông Thông cho biết: "Nhiều bức ảnh chân dung của các nhân vật nổi tiếng khác đã bị hư hại vì lụt lội hằng năm và cách bảo quản lạc hậu, tôi rất đau buồn. Tuy vậy những gì đã qua, đã mất tôi không nhắc lại, chỉ mong giữ được thật tốt những gì còn lại”.
Trong vài lần đi thăm thân nhân ở Mỹ, ông Thông đã mang theo nhiều phim lưu trữ để phóng lớn bằng kỹ thuật mới và chuẩn bị làm một bảo tàng nhỏ từ những gì mình có, nhất là hình ảnh tự nhiên, chất phác của hàng nghìn người dân quê thời trước mà ông may mắn giữ được.
|
Từ những hình ảnh quý từ ký ức, các nhà quản lý văn hóa - lịch sử ở Hội An cho biết họ đã dựa vào đó để thực hiện việc trùng tu các di tích cổ. Nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở TP.HCM, Hà Nội cũng đến Hội An nghiên cứu trang phục xưa của cư dân ở đây - như áo dài, xường xám… để sáng tác những mẫu thời trang mới… Còn nhớ, trong lần đầu triển lãm ảnh Hội An xưa nhân kỷ niệm 10 năm Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, một cụ già Hội An đã bất ngờ khi bắt gặp chính mình lúc chỉ đôi mươi trong một đám cưới cách đó hơn mấy chục năm. Nhiều người khác nhìn bức ảnh cảnh chợ Hội An đầu thế kỷ 20, ảnh những người đàn bà mặc áo “cổ kiềng” ngồi dệt vải từ năm 1930 và những mái lá đơn sơ bên bến sông Hoài mà rơm rớm nước mắt... “Cứ sợ cuộc sống mỗi ngày một xô bồ hơn, những tấm ảnh lưu lại các giá trị trước đây ông cha đã giữ gìn là mong các bạn trẻ có thể hiểu được ngày xưa cha ông đã tạo dựng nên vùng đất này trong gian khó thế nào, để họ tiếp sức gìn giữ, bảo vệ nó”, ông Thông tâm sự.
Vậy đó, một Hội An tồn tại sinh động từ ký ức đến hiện tại đã được giữ gìn từ những nỗ lực âm thầm của những nghệ sĩ. Họ xứng đáng để chúng ta kính trọng bởi những hình ảnh đó giúp ta mỗi lần đến Hội An nhìn ngắm lại và gột rửa lòng mình sau bao xe ngựa vật vã của cuộc mưu sinh, như một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Minh hương Diệp Ngộ Xuân viết về Hội An: Triêu tịch vãng lai danh lợi khách/Đình xa hạ mã nạp phong lương…
Ngôi nhà 80 Nguyễn Thái Học của nhà nhiếp ảnh Thái Tế Thông hiện là một kho tàng quý. Có nhiều ảnh là chân dung các bang trưởng, các cụ tổ người Hoa chụp từ thế kỷ 19. Nhiều bức ảnh gắn với lịch sử Hội An và cả nước như ảnh Bảo Đại kinh lý Hội An, Điện Bàn, Cách mạng Tháng 8 và nhân dân Hội An cướp chính quyền năm 1945, hàng trăm bức ảnh về Cửa Đại, sông Hoài những năm 1940 thời Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ đến diễn kịch và sáng tác... |
Tác giả bài viết: Trương Điện Thắng
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn