//

Câu chuyện từ vạch cai đỏ

Thứ sáu - 07/09/2012 09:55

Chuyện đã hơn 10 năm và chắc chắn nó sẽ không được tiếp nối nếu không mang lại hiệu quả gì dù có thời gian, người ta cho rằng đây là ý tưởng và việc làm rất “tiểu nông” của chính quyền Hội An.

Hội An - Câu chuyện từ vạch cai đỏ
 

 

 

Năm 1999, cùng với Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Từ đây, lượng du khách khắp hành tinh đổ về Hội An ngày một đông. Đây là niềm vui lớn đối với Hội An khi nhận ra mình đã trở thành điểm đến của du khách. Điều đặc biệt, ngay thời điểm khó khăn như những tháng đầu năm 2012, du khách các nước đến các điểm du lịch trong nước đều giảm thì Hội An vẫn tăng trên 10%. Điều này cho thấy Hội An có sức hấp dẫn kỳ diệu. Để làm nên điều kỳ diệu ấy Hội An đã dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo nên những sản phẩm du lịch mới mẻ trên nền tảng văn hóa bền vững.

 

Chỉ nhìn riêng ở góc độ văn hóa về giao thông ở Hội An thôi, chúng ta cũng thấy những điều rất riêng mà chỉ Hội An mới có.

 
Đi trên phố cổ Hội An nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy những đường lằn được kẻ sơn đỏ. Và chúng tôi cũng xin được gọi đây là những VẠCH CAI ĐỎ. Tuân thủ vạch cai này, người dân phố cổ Hội An biết phải để xe cộ, hàng hóa bên trong vạch cai còn bên ngoài vạch cai thì dành cho người đi bộ, đi xe, cùng các phương tiện giao thông khác. Qua thời gian, trên những tuyến phố ở Hội An, những vạch cai đỏ có đoạn mờ nhạt, có đoạn không còn. Chuyện đã hơn 10 năm và chắc chắn nó sẽ không được tiếp nối nếu không mang lại hiệu quả gì khi mà có thời gian người ta cho rằng đây là ý tưởng và việc làm rất “tiểu nông” của chính quyền Hội An.
 
 
Gắn bó gần cả đời người với mảnh đất Hội An, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, không ở đâu như Hội An bởi đi đâu về Hội An là như về nhà. Điều này không chỉ là câu chuyện của riêng ông hay của những người Hội An mà của chung du khách. Sự thân thiện của Hội An nằm ngay ở việc khách tham gia giao thông, đi lại trên phố. Đường thông, hè thoáng, lòng đường, vỉa hè đâu đâu cũng gọn gàng sạch đẹp. Nhiều tuyến phố, nhiều nhà dân hai bên đường đã không còn nhìn rõ cái vạch cai đỏ được kẻ cả chục năm trời nhưng hầu hết nhà dân nào cũng đều ước được từ nhà mình ra đường, cái vạch cai đỏ ấy đang nằm ở đâu. Về Hội An, nếu muốn thay đổi hình thức đi bộ, du khách có thể đi xích lô để ngắm phố phường với sự phục vụ tận tình chu đáo.
 
Từ vạch cai đỏ đến phố không có tiếng động cơ, phố đi bộ là cả một quá trình dài góp phần tạo cho Hội An có được những nét văn hóa đặc trưng. Bên cạnh những kỷ cương, quy định phải thực hiện thì chính nếp sống, ý thức của người dân, những chủ nhân của phố cổ đã tạo nên một văn hóa giao thông rất riêng mà không phải nơi nào cũng có. Với phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ, đêm phố cổ…, đến với Hội An du khách trong nước và quốc tế không chỉ hòa cùng nhịp sống chậm trong không gian phố cổ mà còn có rất nhiều ấn tượng về sự bình dị, mến khách của người dân nơi đây.         
 
           
Dự án phố đi bộ ở Hội An đã trình làng và chính thức đưa vào hoạt động từ mùa hè 2004. Ban đầu, việc thực hiện phố đi bộ chỉ hai ngày cuối tuần trong một tuần sau đó tăng dần lên cho đến sau Tết Nguyên đán 2012, hoạt động của phố không có tiếng động cơ là 6 ngày 7 đêm/tuần.
 
Điều cần nói, để thay đổi thói quen người dân, đặc biệt khi thực hiện khu “phố đi bộ”, không có tiếng động cơ, người dân không thể đưa xe máy về nhà của mình. Để giải quyết bài toán này hơn một năm trở lại đây, phường Minh An đã chọn địa điểm giữ xe cho người dân và cả du khách khi vào khu phố cổ. Địa chỉ số 01 Lê Lợi đã trở thành “mái nhà chung”, điểm giữ xe miễn phí cho nhân dân cả phường. Lạ rồi dần quen, giờ đây mọi người dân cảm thấy yên tâm hơn trước khi đi đâu về nhà thì ghé chỗ để xe. Không gian phố cổ như rộng thêm, nhà dân trong phố cổ cũng rộng thêm bởi không phải để xe trong nhà. Vào phố thì chủ và khách cùng thả bộ.
 
 
Một du khách người Đức chia sẻ: “Tôi từng đến Hội An khá sớm, rồi hàng năm tôi lại đến, nhưng mỗi lần đến tôi thấy Hội An lại thêm những điều hấp dẫn, đẹp và thân thiện. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc tổ chức khu phố dành cho người đi bộ, không tiếng động cơ. Đến Việt Nam, chúng tôi đi nhiều nơi và lo nhất là giao thông nhưng về Hội An thì hoàn toàn yên tâm. Trên thế giới tôi biết chỉ có Hội An làm được điều này".
 
Có thể nói văn hóa giao thông ở Hội An thật sự đã góp vào cái chung rộng lớn của văn hóa giao tiếp con người Hội An. Nhờ đó, thời gian qua, dù tai nạn giao thông là một vấn đề nóng bỏng tính thời sự thì với Hội An điều này đã trở nên xa lạ. 

 

Tác giả bài viết: Văn Trường - Xuân Lộc - Quốc Hải - Viết Tuyên

Nguồn tin: Trung tâm VH-TT thành phố Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật