Và cũng như cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, sự ra đi của cụ Bội Liên đã để lại một khoảng trống không ai thay thế được ở Hội An, bởi những kiến thức uyên thâm về quê hương, vốn học (cả tự học) và khí tiết mạnh mẽ của ông. Người con trai trưởng Nguyễn Bội Ngọc của ông năm nay cũng đã bước vào tuổi 79, mỗi lần khách quen cụ Liên đến thăm, ông sẵn sàng cho xem hàng chục cuốn bản thảo, sách báo cũ của thân sinh.
Một gia tài trước tác chưa công bố
Cụ Nguyễn Bội Liên sinh năm Tân Hợi (1911), tại làng cổ Hồng Triều, còn có tên là cảng Trà Nhiêu, nay thuộc xã Duy Nghĩa, bên kia sông Thu Bồn. Ông Ngọc nhớ lại: “Chức vị cao nhất của “ngài” (cách ông gọi cha mình - PV) là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Duy Nghĩa vào năm 1945, rồi nhận lời dạy Hán - Nôm vào năm 1974 tại Đại học Quảng Đà vì nể nang”. Sau năm 1975, cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân, cụ tham gia tổ nghiên cứu lịch sử địa phương của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, chuyên về mảng văn hóa cổ Hội An. Ngoài ra, suốt quá trình học tập từ Trường dòng Pellerin ở Huế... đến khi về với ông bà, ông Ngọc tổng kết, “ngài” say mê cầm kỳ thi họa, luôn giữ vững khí tiết, không lụy bất cứ ai! Nhưng đồng thời cũng cho thấy tư cách và trách nhiệm của một trí thức...”.
|
Người ta chỉ biết đến những công trình nghiên cứu văn hóa, dịch thuật từ Hán văn và Pháp văn tiêu biểu như: Ghe bầu xứ Quảng (biên khảo), Hải phố - tiền thân của Hội An, Gió trăng cố quận (tập thơ xưa về Hội An - NXB Đà Nẵng, 1996), Phố người Đường và việc buôn bán ở Hội An thế kỷ XVII - XVIII - Cheng Chin Ho - Trần Kinh Hòa - phần I quyển 3, các bài nghiên cứu về địa lý - lịch sử Hội An, hàng trăm câu liễn đối của các danh nhân, chí sĩ Quảng Nam, về hát bội, về hoạt động và sản phẩm các làng nghề truyền thống... đã được công bố của cụ Nguyễn Bội Liên. Nhưng ít ai biết, trong kho bản thảo của ông còn có mấy chục bản Liêu trai chí dị, Tam Quốc diễn nghĩa, Nam hoa kinh... sáng tác tuồng về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, các bản thảo về Lược sử cách mệnh Việt Nam (giai đoạn 80 năm mất nước) viết xong ngày 22.7.1948 khi dạy tại Trường Đoàn kết kháng chiến ở Thăng Bình, Quảng Nam tỉnh phú (dịch thơ của cụ Trần Đình Phong cùng Hồ Ngận), các công trình sưu tầm, biên khảo và dịch thuật như Quốc ngạn (4 quyển), Thực nghiệm lương phương (các phương thuốc cấp cứu của người xưa), sáng tác tuồng hát bội Sao khuê lấp lánh (về anh hùng Nguyễn Trãi), dịch hàng trăm bài thơ Đường, Tống, nhiều thơ thù tạc, nhiều câu đối hay...
Ông Nguyễn Bội Ngọc vẫn giữ kỹ các bản thảo trên, dù chất lượng giấy rất kém và mong có người thẩm định để công bố, trả được ơn sinh thành. Nhà thơ Phùng Tấn Đông cho rằng: “Từ những công trình chuyên sâu về Hội An, cụ Liên được nhiều người xem là nhà Hội An học”.
Tự học và đầy khí tiết
Từ nhỏ cụ Nguyễn Bội Liên theo học chữ nho với người anh con bác ruột, rồi học tiếng Pháp ở Hội An, vào Pellerin (Huế), sau nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh và nhà thơ Hàn Mặc Tử vài năm. Ông Nguyễn Bội Ngọc kể, vì quê nghèo, cả xã Duy Nghĩa chỉ có hai người ra học ở Huế lúc đó là ông Ngô Lạng và Nguyễn Bội Liên. Tham gia lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ, nghe cụ Phan Bội Châu đọc văn tế ở Huế xong, Nguyễn Bội Liên cùng nhiều học sinh lúc đó bị đuổi về quê và bắt đầu quá trình tự học như nhiều người Quảng Nam thế hệ ông mà nay ta còn nhớ như Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn, Hoàng Tụy hay Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Hoàng Châu Ký sau đó.
|
Trong quá trình tự học, cụ Nguyễn Bội Liên không ẩn mình trong tháp ngà mà chọn con đường dấn thân. Cụ mở Trường tư thục Phú Quốc ở gần khu thợ thuyền Nại Hiên (Đà Nẵng) cùng Võ Bá Huân. Bị Pháp đóng cửa vì nghi liên quan đến Việt Minh, cụ lại theo ghe bầu của người bác ruột vào nam, ra bắc và ngược Mê Kông sang tận Nam Vang để tìm hiểu nghề buôn, trải nghiệm con đường vượt biển mở cõi của cha ông (kết quả của công trình Ghe bầu xứ Quảng sau này). Bị bắt vào nhà lao Vĩnh Điện cho đến khi Cách mạng Tháng 8 thành công, cụ lại quay về quê làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Duy Nghĩa, dạy bổ túc văn hóa và “khai tâm” cho các lớp trẻ về con đường yêu nước.
Ông Nguyễn Bội Ngọc kể rằng thân sinh mình không bao giờ luồn cúi, chỉ làm những gì thấy có ích cho đời: “Ngô Đình Cẩn cùng học với “ngài” ở Huế, sau nhiều lần nhắn ra chơi nhưng ông khẳng khái từ chối, nói đứa nào đến thăm thì đến, tao chẳng đi đâu cả...”. Nhưng đó là nghe, còn khi đọc những di bút cụ Bội Liên để lại, tôi mới thấy và hiểu hết tâm hồn cụ.
Năm 1970, đến tuổi lục tuần, cụ viết bài Lục thập tự trào:
Canh Tuất năm này tớ sáu mươi
Làm không nên dáng, sống trơi đời
Thi ngâm lạc vận người bưng mũi
Đàn họa ngang cung chúng bĩu môi
Láo với đôi mươi, thằng trẻ nít
Gian thêm năm bảy, phút trò chơi
Thánh nhân nhĩ thuận mình ú ớ
Phải trái không phân, chỉ nước cười
Đầu năm 1974, sau chuyến đưa đứa cháu nội đích tôn theo đường dây ra bắc thất bại, Nguyễn Bội Liên đến nhà cụ Phạm Phú Hưu (nhà giáo, cháu nội đại thần Phạm Phú Thứ) ở bờ sông Hội An, lại nghe bên kia sông có loa tuyên truyền vọng sang, liền lấy hai câu thơ cổ ghép lại, trong đó câu sau lấy từ bài Bạc Tần Hoài nổi tiếng của Đỗ Mục để tặng cụ Hưu:
Cận thủy lâu đài tiên đắt nguyệt
Cách giang do xướng hậu đình hoa
(Trong bài của Đỗ Mục có hai câu: Thương nữ bất tri vong quốc hận/Cách giang do xướng hậu đình hoa).
Tác giả bài viết: Trương Điện Thắng
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn