Thế nhưng, ở Hội An (Quảng Nam), vẫn còn một gia đình cố gìn giữ nghề truyền thống này với mong ước được đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ.
Căn nhà nhỏ trên đường Lý Thái Tổ của anh Võ Trọng Vũ (33 tuổi) ngổn ngang những đầu lân, mặt nạ ông địa cười. Cái đã hoàn chỉnh, cái vẫn còn dở dang. Khoảng sân chật hẹp trước nhà được tận dụng để phơi sản phẩm. Lối đi nhỏ xíu trong nhà cũng trở thành “kho” chất đầy mặt nạ. Anh Vũ cho biết anh theo nghề này đã 15 năm. Bắt đầu từ việc học nghề ở một người làm lân nổi tiếng của Hội An. Nhưng thầy anh bây giờ cũng đã nghỉ không làm. Những bạn học nghề thời ấy giờ cũng dần bỏ nghề. Chỉ còn mỗi mình anh bám vào nghề này.
Mỗi con lân, mặt nạ đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Chính vì thế, mỗi sản phẩm đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Theo anh Vũ, quan trọng nhất là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết của con lân, mặt nạ. Thần thái của con lân nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, Lân hung dữ, Lân hiền lành,… đều thể hiện qua ánh mắt của lân. Còn điểm nhấn của mặt nạ chính là nụ cười rộng rãi, phóng khoáng. Mỗi ngày trung bình anh làm được khoảng 5-6 con lân các loại và chừng 12 mặt nạ ông địa. Giá bán sỉ đầu lân nhỏ thì 30.000-70.000 đồng/cái, trung thì 200.000-300.000 đồng/cái, loại lớn thì từ 700.000-1.000.000 đồng/cái. Mặt nạ ông địa có giá từ 10.000-12.000 đồng/cái. Mỗi một mùa làm lân bán được chừng 600-700 đầu lân và khoảng 1.000 mặt nạ ông địa các loại. “Nhưng gặp mùa Trung thu mà bị mưa, bão thì xem như lỗ nặng”, anh Vũ tâm sự. Thế nhưng, gia đình anh vẫn bền bỉ giữ nghề này chỉ với suy nghĩ khá giản đơn: Dù lời lãi không cao, nhưng nghề này giúp cho trẻ em có thêm món đồ chơi Trung thu, đó cũng là niềm vui.
Anh Vũ cho biết, lân, mặt nạ truyền thống thì phải đi kèm với các loại lồng đèn vải đặc trưng của Hội An. Đã là trò chơi dân gian thì phải tuân theo những qui ước đặc trưng từ xưa. Múa lân còn là một thứ lễ nghi mang tính tôn giáo, các lễ hội múa lân là dịp để tế lễ, cầu xin sự ấm no, an lành của người dân địa phương. Người làm đầu lân vì thế không chỉ bán để kiếm tiền mà còn phải biết hướng dẫn người mua về màu sắc, mẫu mã, lựa chọn các thứ đi kèm như mặt nạ, trống,...
Những năm trước, vào mùa Trung thu, các khách hàng từ nhiều nơi thường tìm đến từ rất sớm để đặt làm các đầu lân đủ kích cỡ. Vào mùa cao điểm gần tết Trung thu, gia đình cả 4 người phải tranh thủ làm ngày làm đêm để kịp giao hàng cho khách và ký gửi tại nhiều điểm bán đồ chơi trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, một vài năm lại đây nghề làm đầu lân trở nên khó khăn vì đơn đặt hàng ngày càng ít dần.
Ở Hội An trước đây có khoảng 5 người làm đầu lân chuyên nghiệp bỏ hàng cho các đại lý bán đồ chơi. Bây giờ chỉ còn 2 người làm là anh Vũ và một người khác ở phường Cẩm Hà. Chủ yếu là làm loại đầu lân nhỏ bán cho trẻ con với giá 30.000 đồng/1 đầu. Còn loại lân lớn thì chỉ làm theo đơn đặt hàng. Hết Trung thu là “thất nghiệp”, phải tìm việc khác làm để sinh sống. Bởi thế những người làm đầu lân như anh Vũ cũng là những người mê chơi lân, đến mùa là phải làm để đỡ “nhớ nghề” chứ không tính đến chuyện lời lãi.
Tác giả bài viết: Khánh Chi
Nguồn tin: daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn