//

Hai cụ già cuối cùng chung thủy với nghề đan võng ngô đồng

Thứ năm - 01/09/2011 07:59

Từng có thời thịnh hành ngang với nghề đi biển, nhưng giờ đây, nghề đan võng ngô đồng độc đáo ở Cù Lao Chàm (Hội An) chỉ còn lay lắt trong đôi tay hai mẹ con người đàn bà goá phụ.

Nghề đan võng cổ ngô đồng đã có hàng trăm năm nay ở xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm. Chiếc võng được xem như một biểu tượng đặc trưng của người dân nơi đây. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, nét văn hóa truyền thống này đang dần biến mất…

Theo những người già trên đảo Cù Lao Chàm, võng ngô đồng không phải là thứ võng thông thường, nó độc đáo ở chỗ được làm từ sợi của thân cây ngô đồng (một loài cây chỉ mọc ở trên những mỏm núi cao, hay vách đá cheo leo). Mặc cho nắng, gió, bão biển…, rễ cây vẫn bám chặt vào đá, thân cây luôn dẻo dai, vươn thẳng mình như thách thức với sự khắc nghiệt của đại dương. Ngô đồng còn là một loài cây đẹp và không kém phần lãng mạn. Khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi gió đảo đã trút đi hết những chiếc lá cuối cùng để lại trơ trọi cành, cũng là lúc cây đâm chồi, nở rực một màu hoa đỏ ngập tràn Cù Lao.

Ảnh: Minh Nhật.
Hai cụ già vẫn ngày ngày đan võng ngô đồng để gìn giữ nghề truyền thống của đảo. Ảnh: Minh Nhật.

Xa xưa, những cư dân đầu tiên của đảo đã phát hiện ra đặc tính ưu việt này của thân cây ngô đồng, nên đã sử dụng để đan gùi, võng, làm dây thừng... Người dân đảo Cù Lao thường bảo, nằm trên võng ngô đồng có cảm giác “hoà thuận” với thiên nhiên, vào mùa hè thấy mát, mùa đông thì ấm áp. Vì thế nên có một thời, chiếc võng hiển hiện khắp mọi nơi, từ những khung cửa của người vợ ngóng chồng, hoặc theo chân những người đàn ông ra biển.

Để làm ra một chiếc võng ngô đồng cũng lắm công phu, có khi phải mất cả mấy tháng ròng. Trước hết, muốn lấy được sợi của cây về, người Cù Lao phải trèo lên núi, chọn cây to chừng bắp chân người, không non hoặc già quá để đốn về. Sau đó dùng búa dập nát theo thớ của thân cây, rồi đem ngâm trong nước tù của ruộng chừng 7 ngày, cho lớp vỏ cứng mềm mục, nhả dần ra, lộ sợi xơ thì đem vớt lên. Tiếp tục dùng tay tước lớp vỏ mục cứng lấy lớp xơ màu trắng đục, đem giặt sạch bằng nước suối trong rồi đem ra phơi nắng cho thật khô, đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới, có độ óng là lúc xơ đã sẵn sàng để đan võng.

Quá trình đan võng cũng vô cùng tỉ mỉ và công phu, đòi hỏi người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Khi đan võng tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì không gỡ ra được nữa...

Trên đảo Cù Lao Chàm ngày nay chỉ còn 2 người đàn bà góa phụ lặng lẽ làm nên những chiếc võng cổ ngô đồng. Đó là cụ Nguyễn Thị Muôn (88 tuổi) và con gái bà là Mai Thị Rài (68 tuổi).

Chồng mất trong một lần đi biển, cụ Muôn ở vậy nuôi 4 đứa con, gánh những vất vả lo toan bằng nghề đan võng. Đã có lúc, võng là vật dụng mỗi ngày cụ trao đổi lấy gạo, lấy tôm cá với cư dân đảo. Sau 50 năm, các con cụ đã có gia đình riêng, 3 người đã ra ở riêng hoặc vào đất liền sinh sống. Riêng bà Rài, cô con gái thứ 2 của cụ lại một lần nữa bất hạnh như mẹ.

Hai người đàn goá phụ trở về nương tựa lẫn nhau. Hàng ngày từ sáng sớm, họ dắt nhau lên rừng, đỡ nhau qua từng vách núi để chặt và gùi cây ngô đồng về đan võng.

“Đan võng rất khó và không phải ai cũng làm được vì nó tốn rất nhiều thời gian, nếu người nào mà không có lòng kiên trì thì không thể làm được”, cụ Muôn tóc trắng như cước bình thản tâm sự, tay vẫn mải mốt chau chuốt từng mắt võng trước hiên nhà.

Đến giờ cụ không nhớ nổi mình đã đan bao nhiêu chiếc võng trong đời, nhưng có điều sản phẩm của cụ đã để lại ấn tượng rất tốt đối với du khách khi đến với đảo Cù Lao.

“Hôm trước có mấy người khách du lịch nước ngoài hỏi mua võng, họ thích lắm, nhưng tui chỉ còn một cái thế là họ đặt cho mẹ con tui đan 3 cái, hẹn lần sau đến lấy”, cụ Muôn kể.

Điều mẹ con cụ Muôn trăn trở không phải sự vất vả, cực nhọc khi làm võng, mà họ sợ một ngày nào đó cái nghề độc đáo này sẽ biến mất.

Mấy chục năm nay, chưa có cư dân nào trên đảo Cù Lao Chàm gắn bó với nghề đan võng cổ lâu như cụ Muôn. Dạo trước thi thoảng cũng có người theo đuổi nghề này nhưng chỉ chừng một năm rồi thôi, không ai đủ kiên nhẫn để chịu nổi cái công phu, tỉ mỉ và... ít hiệu quả như nghề đan võng (dù khách du lịch hiện trả giá đến 1 triệu đồng mỗi chiếc).

Toàn xã đảo Tân Hiệp hiện có trên 2.600 nhân khẩu, đa số là ngư dân, chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Theo một cán bộ UBND xã, lớp trẻ trên đảo không ai chịu theo cái nghề này vì nó quá công phu và đỏi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Trong khi đó, chỉ cần đi biển một mùa trăng là có thể đủ trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, làn gió phát triển du lịch đã len lỏi vào trong từng gia đình, từng ngóc ngách của người dân đảo. Phụ nữ có thêm nghề bán đồ lưu niệm hoặc kinh doanh hàng quán. Hầu hết đàn ông trai tráng đều đi biển, ít ai lên núi chặt ngô đồng về cho vợ đan võng. Chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề truyền thống này.

Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên xã cũng từng mở một vài lớp học nghề đan võng cổ, tuy nhiên số người theo học ngày càng thưa dần và không còn ai đủ kiên nhẫn theo học nghề. Theo nhận xét của nhiều khách du lịch Quảng Nam, nếu bảo tồn được nghề truyền thống này thì võng ngô đồng thực sự sẽ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc sắc nhất của xã đảo và là sản phẩm văn hóa, tinh thần độc đáo của tỉnh Quảng Nam.

Tác giả bài viết: Minh Nhật

Nguồn tin: VnEpress


 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật