Đây là chương trình sinh hoạt cộng đồng nằm trong khuôn khổ Dự án Phát triển Cộng đồng sinh thái ECO-COM do Công ty CP Giải pháp đô thị nông thôn thực hiện.
Nhiều cái chưa được còn “sờ sờ ra đó”.
Không chỉ thu hút người dân địa phương, khu bãi biển An Bàng (Hội An) trong vài năm trở lại đây, thu hút một lượng du khách lớn. Mỗi ngày, cao điểm những tháng nắng nóng, có hàng chục ngàn lượt khách đổ về bãi biển. Nhiều người nhận định đây là bãi biển đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, sạch sẽ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những cái “chưa được” trong cảnh quan và môi trường sinh thái ở đây, chính người dân địa phương thẳng thắn: “nhiều cái chưa được còn sờ sờ ra đó”.
nhiều điểm chưa được về cảnh quan và VSMT ven biển được người dân tổng hợp, trình bày tại Hội thảo
Ông Phạm Mỹ (55 tuổi), nguyên khối trưởng khối phố An Bàng (xã Cẩm An, Hội An) bức xúc: “Khách đi tắm biển ngày mô cũng đông, hàng quán mọc lên cũng nhiều để phục vụ du khách mà suốt từ phía cầu An Bàng vào tới bãi tắm lại thiếu các thùng rác hai bên đường. Nhiều nhà hàng lại thiếu thùng rác nhỏ dưới mỗi bàn ăn. Thêm vô đó, ý thức giữ vệ sinh chung chưa cao, rứa là mạnh ai nấy vứt rác. Chúng tôi có tổ chức tổng vệ sinh môi trường cũng làm không xuể”
Ông Nguyễn Văn Hiền, chủ nhà hàng Năm Giã, một trong các nhà hàng kinh doanh dọc ven biển An Bàng thừa nhận: “Đưa bãi tắm vào khai thác phục vụ du lịch đã mấy năm nay nhưng tại đây chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Các nhà hàng cứ xả thải nước dùng sinh hoạt bừa bãi không ngấm vô cồn cát thì cũng tràn ra biển. Cứ tình trạng này, về lâu dài khó mà giữ cho bãi biển luôn trong xanh như hiện nay”
Du lịch biển phát triển cũng bắt đầu kéo theo nhiều hệ lụy tại khu ven biển này như tình trạng hàng rong chèo kéo khách, biển quảng cáo các loại đặt để lộn xộn. Ngoài ra, nhiều người dân nhận thấy các bãi giữ xe cũng như hàng quán ở đây bố trí chưa trật tự. Khu ven biển còn thiếu tụ điểm để người dân địa phương giao lưu với du khách, thiếu chỗ chơi an toàn cho trẻ em trong khi nhu cầu thì rất lớn...
“Tự mình gỡ rối”
Bà Lê Thị Hướng, Giám đốc Công ty CP Giải pháp đô thị nông thôn chia sẻ: “Dự án của chúng tôi triển khai tại khu ven biển An Bàng (ECO-COM) với mong muốn xây dựng nơi đây thành khu đô thi sinh thái hài hòa giữ phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong bối cảnh An Bàng đang chuyển dịch thành một đô thị du lịch. Tuy nhiên, để được như vậy, ECO-Com chỉ có thể đóng góp với vai trò là đơn vị hỗ trợ. Nổ lực chính vẫn là từ ý thức của người dân và các hộ kinh doanh phục vụ du lịch tại đây. Cho nên, ngay từ khi triển khai Dự án, chúng tôi đã kết nối bà con trong một Hội thảo để mọi người tự nhận ra thực trạng và cùng tìm cách tháo gỡ để cải thiện cảnh quan và giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đây”.
mọi người cùng tham gia trò chơi tập thể ý nghĩa để nhận ra "ai gây rối thì là người gỡ rối hiệu quả nhất"
Ngay tại Hội thảo, sau khi cùng “vạch lá tìm sâu” những tồn tải ảnh hưởng cảnh quan và vệ sinh môi trường ven biển, người dân địa phương đã cùng các thành viên ECO-COM thống nhất cam kết tự ý thức bảo vệ môi trường, và trở thành tuyên truyền viên nang cao ý thức đó trong cộng đồng.
bà con địa phương lần đầu tiên ngồi lại cùng nhau bàn cách bảo vệ môi trường khu ven biển
Mọi người cũng đã bàn thực hiện những việc có thể làm ngay cùng bảo vệ thảm cỏ và rau muống xanh ven biển, cũng như trồng thêm cây xanh dọc lối vào bãi biển. Song song đó, sẽ bố trí thùng rác hợp lý dọc lối vào bãi tắm cũng như ở các hàng quán, giảm thiểu tình trạng “mạnh ai nấy vứt rác”. Hàng tuần, vận động thanh niên tình nguyện thu gom rác thải trên bãi biển.
Không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển, Hội thảo cũng tìm ra các giải pháp xây dựng hình thân thiện, tiện ích của khu đô thị ven biển An Bàng với việc huy động thiết lập các điểm sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa- thể thao, nói không với nạn hàng quán chèo kéo du khách; đồng thời thành lập đội cứu hộ, xây các quầy thuốc, đồ dùng tiện ích phục vụ người dân và du khách tắm biển...
Chị Phạm Thị Miên, chủ hộ ở lô số 7, khối phố An Bàng (Hội An, Quảng Nam) hồ hởi: “Lâu nay ai cũng thấy bãi tắm càng đông người càng phát sinh nhiều ảnh hưởng tới môi trường nhưng thấy như thấy rứa thôi chứ chưa khi mô ngồi lại bàn với nhau cách giữ gìn vệ sinh ngay nơi mình sinh sống, làm ăn như vầy. Nhiều việc định làm còn trước mắt, nhưng tôi tin là khi mọi người đồng lòng như vậy thì thực hiện tốt những gì chúng tôi đã thống nhất với nhau hôm nay, để An Bàng luôn là bãi biển đẹp”.