//

Công tác PCCC trong quản lý bảo tồn Di Sản

Thứ sáu - 16/09/2011 10:13

Trên toàn địa bàn Thành phố hiện nay có 1.394 di tích phân bố đều khắp các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất là trong khu phố cổ với tổng số 1.142 di tích. Di tích trong khu phố cổ phân bổ với mật độ dày đặc, chất liệu được làm chủ yếu từ vật liệu bằng gỗ và các chất hữu cơ dễ cháy khác.

     Mỗi di tích đều gắn liền với sinh hoạt thường ngày của người dân như: nấu ăn, thờ cúng, buôn bán,… Cùng với sự phát triển của du lịch, số lượng khách tham quan đến với khu phố cổ ngày càng tăng, hoạt động buôn bán kinh doanh nhất là những mặt hàng dễ cháy ngày càng nhiều. Cùng với đó, hàng năm trung bình có đến hàng chục lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thu hút đông đảo du khách tham gia lễ bái. Đây là những yếu tố rất dễ gây cháy cho di tích nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Diễn tập công tác PCCC tại TP. Hội An
     Nhận thức hậu quả to lớn của nguy cơ này, nhiều năm qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hoá đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa hoả hoạn cho di tích, ưu tiên nhất trong khu vực phố cổ. Từ khi Luật phòng cháy chữa cháy ban hành, Trung tâm đã tạo điều kiện cho cán bộ tham gia học tập nội dung của luật cũng như các văn bản liên quan để phục vụ cho công tác chuyên môn. Trung tâm đã cử cán bộ tham gia 02 đợt tập huấn về sử dụng phương tiện phòng cháy chữa cháy, tham gia 02 đợt hội thao nghiệp vụ do công an Thành phố tổ chức. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức mặt mặt chủ di tích có lồng ghép nội dung cụ thể về  phòng cháy chữa cháy nhằm nâng cao nhận thức của chủ di tích trong quản lý, bảo vệ di tích do mình quản lý. Trung tâm còn thường xuyên phố hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh trật tự kinh doanh, trưng bày hàng hoá trong khu phố cổ. Trong các dịp lễ hội, công tác phòng cháy chữa cháy đều có kế hoạch cụ thể để ứng phó kịp thời khi có hoả hoạn xảy ra.
     Đặc biệt hiện nay, Trung tâm đang quản lý trực tiếp 07 điểm bảo tàng, di tích trong khu phố cổ. Tại các điểm này hàng ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan nên công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rất được Trung tâm quan tâm. Du khách đến tham quan đều được nhân viên nhắc nhở không hút thuốc lá bên trong. Tại mỗi điểm, hệ thống đèn điện thường xuyên được kiểm tra, nâng cấp. Trung tâm đã trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy cho các điểm đảm bảo số lượng và chất lượng với tổng số 35 bình chữa cháy, 07 bộ nội quy và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy. Hàng năm, các phương tiện này đều được rà soát, kiểm tra để bổ sung kịp thời. Trung tâm cũng đã thành lập 07 đội phòng cháy chữa cháy thường trực; phối hợp với công an phòng cháy chữa cháy lập phương án phòng cháy chữa cháy cho 06 điểm bảo tàng, di tích. Từ sự chuẩn bị đó, Trung tâm sẵng sàng đáp ứng yêu cầu xử lý khi có tình huống xảy ra. Thực tế qua 10 lần kiểm tra của công an phòng cháy chữa cháy các cấp, các điểm bảo tàng, di tích này luôn được đánh giá cao về khâu chuẩn bị.
     Trong quá trình tu bổ di tích, Trung tâm yêu đều cầu các đơn vị thi công phải trang bị phương tiện đầy đủ và luôn nâng cao ý thức để sẵng sàng chữa cháy và xem đây là một yêu cầu bắt buộc để tiến hành thi công công trình.
     Nhờ tích cực  triển khai nhiều biện pháp nên trong thời gian qua không có tình trạng hoả hoạn nào xảy ra ở các di tích. Tuy nhiên có thể nhận thấy đây vẫn đang là một nguy cơ không thể xem nhẹ. Phòng ngừa hoả hoạn không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan chức năng mà còn rất cần sự chung tay góp sức của mỗi người dân, của mỗi du khách.     Do đó trong thời gian đến, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa đến từng người dân thông qua nhiều hình thức phong phú, nội dung dễ hiểu, thiết thực để mỗi người dễ dàng nắm bắt thực hiện. Ngoài ra cơ quan chuyên môn về phòng cháy chữa cháy cũng cần giúp đỡ cho từng di tích, từng hộ kinh doanh trong khu phố cổ xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy phù hợp; Đưa nội dung phòng cháy chữa cháy thành yêu cầu bắt buộc và có hình thức chế tài đủ mạnh để xử lý nếu các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh không chấp hành; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, hội thi, hội thao để ngày càng có nhiều người nắm và sử dụng thành thạo các phương tiện như bình chữa cháy, các vật dụng sinh hoạt thường ngày có thể chữa cháy,… đồng thời kịp thời khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích để động viên.
     Hy vọng với sự chung tay của các cấp chính quyền và của toàn xã hội, nguy cơ hoả hoạn đối với khu phố cổ nói riêng, toàn Thành phố nói chung trong thời gian đến sẽ được kiểm soát và ngăn ngừa có hiệu quả.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cường

Nguồn tin: CAĐN


 

 Từ khóa: hội an, di sản, pccc, di tích
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật