//

Cộng đồng sinh thái

Thứ hai - 12/09/2011 13:51

Dự án Phát triển cộng đồng sinh thái (Eco-com) đang được Công ty cổ phẩn Giải pháp đô thị - nông thôn (URS) triển khai tại Hội An bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Ý tưởng hay

Trên cơ sở xây dựng 2 khối phố An Bàng và An Tân thành mô hình điểm về đô thị - sinh thái, UBND phường Cẩm An (Hội An) khẳng định việc gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái là việc làm hết sức thiết thực. “Được biết mục tiêu hoạt động của URS là thành lập một “Quỹ môi trường Hội An” để kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước vì môi trường an toàn và trong lành của Hội An, chúng tôi đã liên kết với họ để hỗ trợ cho các cộng đồng dân cư địa phương thích ứng với những điều kiện sinh kế mới tiềm năng. Rõ ràng, vừa tạo thêm ngành nghề mới với điều kiện và môi trường làm việc thích hợp vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của địa phương là việc làm ý nghĩa đối với địa phương và cộng đồng dân cư”, ông Đinh Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An chia sẻ.

alt
Bảo vệ môi trường ở An Bàng và An Tân để phát triển du lịch cộng đồng là cần thiết.
Ảnh: Q.V

Với sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, URS là tổ chức trung gian kết nối và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, giám đốc dự án Eco-com, thu nhập chủ yếu của người dân 2 khối phố An Tân, An Bàng là từ khai thác thủy sản và theo nghề công nhân. Rất ít người dân nơi đây hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, ngoại trừ một số hộ kinh doanh ngoài bãi tắm. Vì vậy, định hướng thêm nghề nghiệp cho người dân địa phương, nhất là những nghề gắn với du lịch là một điều đặc biệt quan trọng cho sự thành công của dự án. “Không chỉ tạo không gian và môi trường thuận lợi để cộng đồng dân cư có thể gặp gỡ, chia sẻ về nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ dân nơi đây phát triển các ngành nghề cải thiện kinh tế, đồng thời cải thiện vệ sinh môi trường và cảnh quan thẩm mỹ” - bà Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết.

alt
Chị Phạm Thị Cư tin rằng trồng rau sạch sẽ là hướng mở cho địa phương trong thời gian đến.

Người dân hưởng lợi

Ưu tiên cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, dự án hướng đến việc phát triển các ngành nghề như trồng rau sạch, sản xuất hàng lưu niệm và các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng… Đến thời điểm này, sau gần một tháng triển khai, các mô hình trồng rau sạch trên địa bàn khối phố An Bàng đều thu được những kết quả khả quan. Sau khi  tham quan mô hình trồng rau sạch ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và nhận được sự hỗ trợ về giống rau, gia đình chị Phạm Thị Nở (tổ 6, An Bàng) canh tác rau trên 500 m2 diện tích vườn, đã qua 2 vụ thu hoạch. “Trước đây cũng như bây giờ, vùng đất An Bàng này phù hợp với nhiều loại rau sạch. Được hướng dẫn và trang bị đầy đủ kỹ thuật trồng rau sạch, mô hình của chúng tôi đã thu được kết quả như mong đợi. Vì triển khai vào thời gian đầu nên chúng tôi chưa dám canh tác rau trên diện tích lớn. Trong thời gian đến, gia đình chúng tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác với việc đầu tư thêm nhiều loại rau khác là rau hành, dưa leo, rau húng, khổ qua và cả đậu cô ve nữa” - chị Nở cho biết. Một người cùng trú tổ 6 khối An Bàng, chị Phạm Thị Cư, khoe: “Được đảm bảo cả đầu vào đầu ra cho sản phẩm rau sạch thông qua công ty Bee Green (trụ sở đóng tại TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi rất tin vào thành công của mô hình này. Đây có lẽ sẽ là hướng mở cho địa phương trong thời gian đến”.

“Thông qua nhiều kênh kết nối, hiện tại chúng tôi có kế hoạch sang Thái Lan và một số nước trong khu vực để liên kết thị trường tiêu thụ các sản phẩm đồ thủ công, vật phẩm lưu niệm nhằm mở rộng sản xuất cho người dân khối phố An Tân, An Bàng. Các kế hoạch đào tạo tiếng Anh cho học sinh và người dân, đặc biệt là thanh niên đang tìm việc làm cũng đã được chúng tôi chuẩn bị” 
(Giám đốc dự án Eco-com Nguyễn Thị Minh Hằng)

URS cho hay sẽ phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động làm vệ sinh môi trường theo định kỳ ở 2 khối phố, hỗ trợ cộng đồng xây dựng cam kết về bảo vệ môi trường, cách xử lý và giảm thiểu rác thải. Công ty cũng vận động thực hiện thói quen sử dụng bao bì truyền thống, hạn chế dùng túi nilon; thiết kế và bố trí thêm các thùng chứa rác; tổ chức sinh hoạt cộng đồng, trao đổi, thảo luận về các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện… Bà Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết thêm, cùng với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, các hoạt động cải thiện cảnh quan, tạo môi trường phát triển du lịch cộng đồng cũng hết sức cần thiết. “Trồng cây tạo bóng mát dọc theo các trục đường chính, tư vấn người dân chỉnh trang lại tường rào, nghiên cứu và tư vấn cách gom nước ngọt và sử dụng bền vững hệ thống xử lý nước thải gia đình, các hoạt động homestay phục vụ du lịch… cũng sẽ được chúng tôi quan tâm đúng mức thời gian đến”.

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 34 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.9 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật