Du khách gần xa đến Hội An không chỉ ấn tượng với những ngôi nhà mái ngói rêu phong hàng trăm tuổi, với phố lồng đèn rực rỡ hay các giếng nước cổ… mà còn khó quên hình ảnh những chiếc xích lô. Mỗi chiếc xích lô ở phố cổ Hội An đều được đặt cho một con số để tiện quản lý và cũng để cho du khách dễ nhớ khi sử dụng phương tiện này.
Gia đình xích lô
Nghiệp đoàn Xích lô Hội An được thành lập vào năm 2000 với 102 thành viên nhưng có đến 104 số. Sở dĩ có thêm 2 số là vì không có xe 13 và 66. “Những con số đó có thể mang lại điều không may mắn nên chúng tôi không dùng” - một bác xích lô đứng tuổi giải thích.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hội An trầm lắng hơn để chuẩn bị chuyển mình sang một TP hiện đại. Du khách đến Hội An ngày càng nhiều để thưởng ngoạn các khu phố cổ với nét đẹp yên bình, rêu phong. Từ những bà nội trợ đi chợ, các cô bán hàng rong, rau quả..., người đạp xích lô ở phố cổ bắt đầu tiếp xúc với du khách nước ngoài, từ người Nhật, Trung Quốc đến cả Âu - Mỹ.
Theo ông On, những người hành nghề xích lô cũng từ đó mà tăng dần. Họ chủ yếu là người gốc Hội An, hiểu biết được văn hóa và truyền thống của phố cổ. Giờ đây, khi đã có đến 102 người thì cũng là lúc Nghiệp đoàn Xích lô Hội An tạm khóa sổ, không kết nạp thêm thành viên mới vào gia đình này nữa.
Trong một danh bạ điện thoại của một bác xích lô mà chúng tôi vô tình xem được, tên mỗi người bạn đồng nghiệp được lưu bằng những con số. Thậm chí, nhiều khi họ nhớ mặt nhưng tên thì quên bẵng, chỉ gọi nhau bằng số.
Đông đảo thành viên như thế nhưng gia đình xích lô ở phố cổ lại có cách phân chia thời gian hành nghề một cách khoa học. Họ chia nhau làm 5 đội nhỏ để đứng ở 5 bến lớn trong TP. “Mỗi đội đều phân chia lượt đi theo phương thức tiếp nối. Cứ đến lượt ai người ấy đi xoay vòng để tránh tranh cãi mất lòng nhau” - ông Phan Phước Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Hội An, cho biết.
Mỗi tháng một lần, nghiệp đoàn lại tổ chức họp với đầy đủ anh em thành viên để rút kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm và nêu ra các ưu điểm của nhau. “Ở cuộc họp đó, chúng tôi thẳng thắn đưa ra những ưu - khuyết của đồng nghiệp, những điều khiến du khách phiền lòng và cũng bàn nhau cách phục vụ du khách tốt hơn” – ông Tùng cho hay.
Thật thà, chân chất
“Người đạp xích lô ở Hội An không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn rất rành về lịch sử của phố cổ” - một du khách nước ngoài nhận xét. Hầu hết người hành nghề xích lô ở Hội An đều nói được tiếng Anh vì đã từng trải qua những lớp học ngoại ngữ. Lúc đầu, họ cũng chỉ sử dụng tiếng “bồi” như những người dân khác ở phố cổ. Dần dà, thấy được sự quan trọng trong việc giao tiếp với du khách, Nghiệp đoàn Xích lô Hội An đã tổ chức những lớp học tiếng Anh và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho các thành viên.
“Không chỉ đưa đón du khách, chúng tôi còn giới thiệu cho họ biết những điểm cần đến của Hội An và cho du khách biết ở đó có gì thú vị” - bác xích lô Trần Văn Toàn khoe. Là dân địa phương, khi du khách hỏi đến văn hóa hay địa danh ở phố cổ, các bác xích lô đều có thể trả lời vanh vách.
Trong gia đình xích lô ở Hội An, ông Trương Hùng nổi danh vì giỏi tiếng Anh. Ông Hùng học hết THPT nên cũng có chút vốn liếng tiếng Anh kha khá. Từ kiến thức nền đó, ông đã theo đuổi các khóa học tiếng Anh tại TP Hội An và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” trong nghiệp đoàn. Gặp du khách Âu - Mỹ nào nói tiếng Anh với những câu chữ khó hiểu, ai cũng “chạy làng” thì lại vời ông Hùng đến để phiên dịch giúp. Thời gian rảnh rỗi, ông Hùng lại tụ họp đồng nghiệp đến quán cà phê ven đường để chỉ dẫn thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho họ.
Ngoài giao tiếp được bằng tiếng Anh, những người hành nghề xích lô ở Hội An còn học hỏi thêm cách ứng xử. Với họ, mỗi du khách đến từ những vùng miền khác nhau trên thế giới đều cần có một cách ứng xử riêng mà dân xích lô phải ghi nhớ. “Với những phụ nữ phương Tây, điều họ không thích là khi mình hỏi tuổi tác. Có thể mình hỏi thăm về gia đình, về người thân nhưng tuổi thì không nên” - một bác xích lô nêu ví dụ.
Từ các kinh nghiệm phục vụ du khách, những người đạp xích lô ở phố cổ chia sẻ cho nhau để hoàn thiện hơn. “Chúng tôi là những người góp phần làm nên bộ mặt của TP du lịch nên cần phải học hỏi nhiều thứ để ngày càng nâng cao vị thế của Hội An, đưa được những nét văn hóa tốt đẹp của phố cổ đến với bạn bè trong nước và thế giới” - ông Tùng thổ lộ.
Cũng chính vì sự chân thành, cởi mở của những người hành nghề xích lô ở Hội An mà nhiều du khách nước ngoài khi trở lại TP này đã tìm cách gặp mặt cho bằng được người quen. Ông Trần Văn Toàn rút trong chiếc bóp ra một tờ giấy đã ố vàng cho chúng tôi xem. Đó là địa chỉ của một vị nữ du khách người Pháp cùng với số điện thoại của bà. Hơn 10 năm trước, khi đến Hội An, du khách này đã đi vòng quanh phố cổ bằng chiếc xích lô của ông Toàn. Trong những ngày lưu trú tại phố cổ, bà đều gọi ông Toàn đưa đón.
“Bẵng đi vài năm sau đó, bà ấy quay lại Hội An và tìm bằng được người đạp xích lô đã đưa đón mình ngày nào. Lần này, bà ấy đưa cả gia đình chúng tôi đi dạo Hội An, đến những nhà hàng sang trọng để ăn uống và chụp ảnh lưu niệm” - ông Toàn xúc động. Vị nữ du khách này tâm sự lần đầu tiên, bà được đến một TP yên bình và hiếu khách như Hội An và một trong những hình ảnh bà ấn tượng nhất là chiếc xích lô cũng như người hành nghề này. “Hơn 5 năm nay, bà ấy chưa trở lại Hội An, tôi nghĩ chắc là do tuổi cao” - ông Toàn cho biết.
Nhọc nhằn mà vui!
Mùa nắng nóng, những người chạy xích lô ở Hội An phải vã mồ hôi để đưa du khách đi một vòng phố cổ. Công việc nhọc nhằn nhưng có nhiều bác đã ngoài 60 tuổi vẫn không bỏ nghề. Với mái tóc đã bạc gần hết, khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn và sạm đen dưới ánh nắng, họ vẫn lặng lẽ hành nghề ở phố cổ với niềm say mê, gắn bó.
Chúng tôi gặp ông Huỳnh Thành, 68 tuổi, khi ông đang ngồi đợi khách ở bến xích lô gần khách sạn Hội An. Ông Thành gắn với chiếc xích lô từ năm 38 tuổi. Trước đó, ông làm nghề chạy xe ôm, sau mới chuyển sang xích lô. “Chậm rãi nhưng thanh thản lắm, cô à” - ông Thành bộc bạch. Tuổi đã khá cao nhưng ông cho biết ngày nào không ra bến xích lô là ông cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Có lẽ, thói quen hơn 30 năm nay đã làm cho ông cảm thấy khó rời công việc này.
“Sức khỏe của tôi vẫn còn có thể đạp xích lô từ 2 đến 3 năm nữa. Mặc dù con cháu thuyết phục tôi ở nhà để dưỡng già nhưng tôi vẫn chưa đồng ý. Chừng nào vẫn còn đủ sức để đạp chiếc xích lô này chở những vị khách đi tham quan Hội An thì tôi vẫn còn làm” - ông Thành quả quyết. Ông Bùi Hà, 71 tuổi, người lớn tuổi nhất trong gia đình xích lô Hội An, cũng vẫn ngày ngày đạp xích lô quanh phố cổ. “Chỉ khi nào đôi chân tôi cảm thấy mỏi, không đạp nổi một vòng xe thì tôi ngừng chạy xích lô” - ông khẳng định.
Gia đình xích lô Hội An còn có những người có đến 3 đời trong một nhà làm nghề này. Ông Nguyễn Tư đạp xích lô gần 30 năm nay, có con trai là Nguyễn Văn Khôi cũng nối nghiệp cha và ông nội. Cha của ông Tư từng làm nghề đạp xích lô từ thời Pháp thuộc… Tất thảy những thành viên của gia đình xích lô đều nguyện gắn bó với phương tiện thô sơ này để đón và đưa du khách đến khắp ngõ ngách của phố cổ. “Một nghề dẫu nhọc nhằn nhưng nhiều niềm vui!” - ông Hà thổ lộ.
Miễn phí những ca cấp cứu Một quy định của Nghiệp đoàn Xích lô Hội An là với những ca bệnh, chở cấp cứu vào bệnh viện thì người chạy xích lô đều chở miễn phí. Ở Hội An, nhiều tuyến phố không cho xe máy vào nên những trường hợp cấp cứu thường được đưa bằng xích lô. Trong tình huống đó, người chạy xích lô chẳng những không lấy tiền mà còn cõng người bệnh vào tận bệnh viện. “Có nhiều ca khi chở đến nơi thì bệnh nhân đã tử vong nên chúng tôi còn phải đưa họ trở về nhà” - ông Toàn cho biết. Lúc rảnh rỗi, các bác xích lô tranh thủ đọc báo |
Tác giả bài viết: BÍCH VÂN
Nguồn tin: emdep.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn