//

Món ăn lạ nhất ở Hội An

Thứ sáu - 27/05/2022 06:27

Hội An là vùng đất vốn nổi tiếng với nền ẩm thực đa sắc màu. Có những món ăn đã trở thành thương hiệu, mà khi nhắc đến nó người ta biết ngay là ở Hội An. Và có những món ăn đã đi sâu vào tiềm thức của con người, để đi đâu họ cũng nhắc về và nhớ da diết những hương vị thân quen. Cũng như có những món đặc sản đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc ra đời và vẫn đang tìm câu trả lời thấu đáo.

Vốn là vùng đất đa dạng về văn hóa bởi lịch sử Hội An từng là thương cảng sầm uất, nơi hội tụ của các thuyền buôn thương lái trên thế giới từ Đông sang Tây. Khi con người từ những nơi khác đến, tất nhiên họ sẽ mang theo văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất khác về với Hội An và sự giao lưu, học hỏi và tiếp biến về văn hóa là điều hiển nhiên xảy ra.
 
 
Và văn hóa ẩm thực Hội An cũng không tránh khỏi những điều đó. Nền ẩm thực Hội An từ lâu đã có tiếng trong và ngoài nước. Những món ăn như cao lầu, mì Quảng, bánh bao bánh vạc, hoành thánh, xí mà, bánh đập, hến xào…luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi thưởng thức.
 
Cao lầu là một trong những món ăn “lạ” nhất của ẩm thực phố cổ. Cho đến nay nguồn gốc ra đời món ăn này vẫn còn là những giả thuyết bỏ ngỏ. Cao lầu có phải du nhập từ người Hoa hay người Nhật? Các nhà nghiên cứu đều thống nhất món cao lầu khác hẳn so với những món ăn truyền thống của Nhật Bản hay Trung Hoa. Nên giả thuyết cao lầu bắt nguồn từ Trung Hoa hay Nhật Bản là hoàn toàn không đúng. Tựu trung, cao lầu là món ăn chỉ có ở Hội An, ra đời ngay trên mảnh đất với nền giao thương phát triển ở thế kỉ XVII, XVIII. Món cao lầu ra đời là sự kết tinh của tinh hoa ẩm thực Á- Âu, Đông- Tây, Việt- Chăm- Hoa- Nhật…tuy nhiên, vẫn trên nền văn hóa ẩm thực gốc Việt mà tạo nên.
 
z3445616248135 eed1b8e50d367bd5dd5216a36b6b8fa7
Cách thưởng thức món cao lầu rất lạ và cái tên gọi cao lầu cũng lạ hoắc. Vì sao lại tên cao lầu? Có phải ăn ở trên lầu cao hay không? Đến nay vẫn có nhiều cách lý giải khác nhau, chưa đi đến sự thống nhất. Sợi cao lầu rất đặc biệt, giòn giòn dai dai cưng cứng, khi ăn kèm theo rau sống, giá và thịt heo xá xíu. Ngay cách chế biến, nguyên liệu đã đậm tính Việt, rau vẫn là nguyên liệu không thể thiếu.
 
 Tuy nhiên, sợi cao lầu chính là điều tạo nên sự khác biệt cho món ăn này. Sợi cao lầu vẫn làm từ bột gạo nhưng cần phải có tro từ cây lá lấy từ đảo Cù Lao Chàm và nước giếng Bá Lễ của người Chăm tại Hội An mới tạo nên hương vị đặc trưng nhất. Phải chăng đây chính là linh hồn của phố, là món đặc sản vốn mang những dấu ấn lịch sử. Cao lầu phải được ăn kèm với rau sống Trà Quế (hương Việt), phải lấy nước giếng của người Chăm và nước tro đốt từ cây lá đảo Cù Lao Chàm…Đó là sự kết hợp văn hóa sâu xa theo chiều dài lịch sử tạo nên tinh hoa ẩm thực Hội.
 
Có thể nói đến nay, cao lầu đã trở thành món ăn đặc trưng nhất của Hội An và của cả Việt Nam. Sợi mì cao lầu chỉ được sản xuất tại địa phương mà không một nơi nào sản xuất được, trong quá trình làm nên những sợi mì cao lầu có những bí quyết gia truyền. Nên những ai muốn thưởng thức món này ngon nhất phải đến với Hội An- nơi có sợi cao lầu tươi ngon, rau sống Trà Quế thơm nứt, thịt heo quê, lấy nguồn nước phố Hội…Tất cả những điều ấy tạo nên hương vị đặc biệt cho tô cao lầu.
 
Còn nếu ở xa bạn muốn thưởng thức món ăn LẠ này, thường người ta sẽ mua cao lầu khô từ Hội An đem về. Có những người xa quê, người thân sẽ gởi sợi cao lầu khô vào Sài Gòn hay ra Hà Nội để thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ. Tất nhiên, chỉ là giải pháp tạm thay thế chứ không thể ngon bằng ăn ngay tại phố Hội. Chắc chắn là vậy!
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn