//

Nếp sống phố di sản

Thứ tư - 16/09/2020 16:36

Sự phát triển của TP.Hội An nói chung, ở di sản phố cổ - đô thị trung tâm nói riêng xuất phát từ việc những chủ nhân trong lòng di sản biết khơi dậy, nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống để làm giàu ngay trên di sản quê hương, tạo nên thương hiệu uy tín đối với du khách gần xa, trở thành địa danh được bạn bè năm châu yêu thích.

NEPSONGPHO159201

Phố cổ Hội An được bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á 2019”

Những năm qua, công tác quản lý đô thị, quản lý khu di sản phố cổ được tăng cường, giữ vững nguyên tắc không để di tích bị xâm hại, bị biến dạng. Những không gian thiêng gắn với từng di tích, những liễn đối, hoành phi được trân trọng giữ gìn. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, lễ lệ truyền thống... diễn ra thường xuyên đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Những chợ ẩm thực đặc sản Hội An – Quảng Nam trên phố, “chợ đêm Nguyễn Hoàng” thực sự thu hút, níu kéo chân du khách. Đặc biệt tập quán, lối sống, nếp ứng xử của người dân đã rút ngắn khoảng cách, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ của hàng triệu người ở muôn phương khi đến với phố cổ, với Hội An... 

Là “bảo tàng sống”, di sản phố cổ không chỉ có diện mạo mà còn có “hồn cốt” riêng, làm nên “vẻ đẹp không trùng lặp” với các di sản khác trong cũng như ngoài nước. Không chỉ “chung sống” hài hòa với di tích để vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai, người dân Hội An còn phải “tự đấu tranh” với chính mình trước những tiện ích, lợi nhuận mới của nhu cầu cuộc sống để giữ gìn nét đẹp của “phố xưa nhà cổ”; phải đồng thuận sẻ chia để tạo thêm và nâng lên những giá trị đặc sắc độc đáo của văn hóa phố . Việc bày bán kinh doanh, việc lưu thông đi lại, việc thắp sáng đèn lồng, việc ăn vận, đồng hành diễn xướng cùng cả cộng đồng những dịp hội hè, lễ tết… là những hoạt động riêng có mà chỉ có người dân nơi đây chứ không nơi nào khác có thể làm được trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, thời gian gần đây trật tự kinh doanh buôn bán, mỹ quan đô thị có lúc có nơi bị buông lơi gây phiền hà cho du khách, sự phát triển các dịch vụ có dấu hiệu quá tải dẫn đến lấn át những công năng truyền thống của khu phố cổ và từng di tích cấu thành nên khu di sản. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của 2 đợt dịch bệnh Covid-19 nên các ngành kinh tế của thành phố bị đình trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ đó đã xuất hiện tình trạng tự phát kinh doanh buôn bán, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để mưu sinh, trang trải cuộc sống thường ngày. Ông Lê Chơi – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An nói: “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh vẫn còn tái diễn ở một số tuyến đường gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cảnh quan chung của thành phố. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế”

Trong giá trị di sản văn hóa Hội An không chỉ có những bờ hồi, bờ nóc, những vẻ đẹp kiến trúc không trùng lắp mà còn có cả nét đẹp cái nghĩa, cái tình, lòng hiếu khách, sự cố kết giềng mối, cung cách, thái độ ứng xử của người Hội An. Thế mà tình trạng một bộ phận người dân có biểu hiện buôn bán chụp giựt, chặt chém, lấn chiếm vỉa hè, trưng bày hàng hóa kinh doanh không đúng nơi quy định, xả rác bừa bãi ra đường phố, khu vực công cộng… đã làm mất đi vẻ đẹp của nếp sống phố di sản Hội An được tạo dưng từ bao đời nay.

NEPSONGPHO159202

Tăng cường đảm bảo trật tự kinh doanh đô thị để giữ vững thương hiệu du lịch văn hóa của Hội An

Cần trần trọng giữ gìn nếp sống văn hóa tốt đẹp của người dân đang sống trong lòng di sản để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An; đồng thời giữ gìn nếp sống “nhân tình thuần hậu” của đất và người Hội An. Việc thực hiện nếp sống văn hoá của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không kể dân tộc, tôn giáo, thành phần, độ tuổi cần được chú trọng tăng cường thường xuyên; sự hoà nhập, tiếp thu và thích nghi về lối sống, phong tục của những người dân từ nơi khác đến sinh sống, kinh doanh tại phố cổ phải chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần tạo môi trường văn minh thân thiện với du khách... Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh xác định, cần huy động tối đa các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa, con người với phát triển kinh tế xã hội. “Phát huy các giá trị đạo đức văn hóa của các tôn giáo, đồng bào các dân tộc, người nước ngoài sinh sống tại Hội An. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, củng cố và phát triển các mô hình văn hóa. Tạo bước chuyển biến căn bản về chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn kết với các chương trình phát triển nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, ông Ánh nói.

Bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa khu phố cổ, trong đó có vẻ đẹp cảnh quan kiến trúc phố, có nếp sống, cách sống, nếp ứng xử của con người trong phố là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, bảo đảm để Hội An luôn xứng đáng với danh tiếng là điểm du lịch văn hóa có thương hiệu của quốc gia, “điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á năm 2019” và sự phát triển bền vững của ngành kinh tế du lịch Hội An trong tương lai.

 Đỗ Huấn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn