Những đặc trưng riêng của mỗi vùng miền về loại hình văn hoá dân gian độc đáo này đã thể hiện rõ nét thông qua từng tiết mục biểu diễn. Và chương trình đã đưa nghệ thuật Bài chòi đến gần hơn với khán giả. Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được sự phát triển của phong trào hô hát bài chòi ở mỗi địa phương mà còn hiểu thêm sự thống nhất trong đa dạng của loại hình trình diễn bài chòi giữa các tỉnh miền Trung.
Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân lao động mỗi độ tết đến xuân về. Tuy gọi là bài nhưng không mang tính thắng thua, chỉ là một hình thức để giải trí bằng cách hô hát đối đáp của anh Hiệu chị Hiệu. Những làn điệu dân ca, những câu ca dao tục ngữ…được đưa vào trong từng lời hát mang tính ẩn dụ cao.
Nghệ thuật Bài chòi là môt loại hình diễn xướng dân gian đã có mặt tại mảnh đất miền Trung từ lâu. Đây vừa là loại hình nghệ thuật vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ của cha ông ta. Bài chòi xuất hiện ở nhiều nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng trung du, núi cao cho đến vùng biển.
Nghệ thuật Bài chòi miền Trung đã trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội An không phải là nơi xuất phát của bộ môn nghệ thuật này nhưng chính Hội An đã làm hồi sinh nghệ thuật Bài chòi, đưa loại hình văn hoá dân gian này đến gần hơn với công chúng. Bài chòi diễn ra hàng đêm (nếu thời tiết tốt) tại khu vực gần Vòng cung Chùa cầu, nhằm tạo ra sân chơi thú vị cho du khách khi về Hội An.
Đặc biệt, đây cũng chính là loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian để Hội An chọn làm tiêu chí xây dựng hồ sơ tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong tương lai…