//

Đình làng Cẩm Phô, 52 Nguyễn Thị Minh Khai

Thứ tư - 18/05/2022 12:32

Đình Cẩm Phô có lịch sử hình thành lâu đời, vào thế kỉ XV. Đây chính là di tích đình làng hình thành sớm nhất tại Hội An do cư dân làng Cẩm Phô xây dựng nên. Hội An là vùng đất thương nghiệp nhưng người dân vẫn giữ nét văn hóa truyền thống thờ tự Thành hoàng làng và sinh hoạt chính trị tại đình làng.

Đến nay đình Cẩm Phô được bảo tồn gần như nguyên vẹn về tính lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc mỹ quan. Ngoài ra đình Cẩm Phô còn phản ánh rõ nét tài hoa nghệ thuật của những nghệ nhân Kim Bồng xưa trên mảnh đất thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng trong Việt Nam.
 010ba26309c8c89691d9
Từ thế kỉ 19 trở về trước, làng Cẩm Phô rộng lớn đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương nghiệp của thương cảng Hội An. Đình tọa lạc số 52 Nguyễn Thị Minh Khai. Năm 1818, Gia Long thứ 17 đình được trùng tu lớn và có hình dáng khang trang như bây giờ. Tiền hiền của làng gồm các tộc lớn Huỳnh,Trần, Lê, Nguyễn. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1897) trùng tu hoàn thiện thêm nhà Đông và nhà Tây. Từ đây, đình Cẩm Phô có tên chữ là CẨM PHÔ HƯƠNG HIỀN.
 
Đình có kiến trúc hoàn chỉnh, tiêu biểu với không gian cây đa, giếng nước, sân đình và bố trí mặt bằng gồm bái đình ở giữa, phương đình phía trước kết hợp với nhà đông, tây hai bên. Đình xây về hướng đông nam, theo hình chữ đinh.
Từ ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào đình có tam quan lớn xây bằng gạch, trên đỉnh hai trụ biểu gắn chìm tạo hình hai búp sen nở và hai quả cầu lớn. Bên dưới ghi: Cẩm Phô Hương Hiền. Tiền đình được xây dựng theo kiểu 4 mái, mỗi đầu kèo đều có chạm hình “lồng đèn”, ở giữa có bức hoành “Hương Hiền tự”.
Nối tiếp tiền đình là chính điện gồm 5 gian, mỗi gian được ngăn cách bởi những hàng cột và hệ tường cao giáp nóc, đồng thời tạo thành 3 lối đi hình bán nguyệt. Ba gian giữa có bàn hương án chạm trổ chi tiết. Hai bên tiền đình là nhà đông, nhà tây dựng theo kiểu nhà ba gian. Bờ nóc chạm hình chim phượng chầu mặt nguyệt, mái lợp ngói âm dương.
Tháng 3/1994, các nhà khảo cổ học thuộc trường Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An đào thám sát di chỉ trước sân đình với diện tích 6m 2. Tại đây, dưới độ sâu 1,3m đã tìm thấy dấu vết của một rãnh nước cổ. Trong lòng rãnh nước tìm thấy nhiều gốm sứ Nhật Bản (Hizen), Trung Quốc và gốm sành Việt Nam thế kỷ 16,17. Những tài liệu thu được qua 3 cuộc đào thám sát ở đình Cẩm Phô khẳng định khu vực này đã có cư dân cư trú từ cuối thế kỷ 16 và trở nên đông đúc hơn vào thế kỷ 17, tương ứng với thời kỳ hưng thịnh đầu tiên của Đô Thị - Thương cảng cổ Hội An.
Đình Cẩm Phô có chức năng thờ cúng Thành hoàng làng, các vị thần sông nước, Tiền hiền Hậu hiền trong vai trò trung tâm tín ngưỡng. Tiếp theo giữ vai trò trung tâm hành chính và sau cùng là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân làng. Hàng năm làng tổ chức hai kỳ lễ lớn vào sau Tết Nguyên Đán và tháng tám, thường gọi Lệ Xuân kỳ Thu tế. Dân làng tụ hội đông đủ để dự cúng tế làm lễ rước Long Chu, Xô Cộ, coi hát bội và tổ chức các trò chơi dân gian.
Hiện nay di tích đình làng Cẩm Phô là một trong số những điểm tham quan tiêu biểu trong hệ thống những điểm di tích nằm trong ô vé. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc mỹ thuật tuyệt vời sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu đam mê tìm hiểu của du khách trong lộ trình tham quan.
 
Hoàng Hoa tổng hợp
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn