//

Khổ luyện đằng sau sân khấu múa rối nước Hội An

Thứ bảy - 28/11/2015 15:08

Khi bức màn sân khấu vén lên, những diễn viên múa rối nước bước ra chào khán giả, những tràng pháo tay lại vang lên đầy xúc động. Đằng sau những vở diễn sống động, thú vị, là tài năng, là đam mê, là sự hy sinh vì nghiệp diễn của những nghệ sĩ đang đứng ngâm mình trong nước.

Ngâm mình trong nước lạnh học múa rối

Chương trình Múa rối nước ở Nhà hát Hội An phục vụ người dân và du khách vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần vừa ra mắt hồi cuối tháng 9/2015. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An hôm ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật này chia sẻ kỳ vọng chương trình góp thêm một “nốt nhạc” trong “bản hòa tấu” trong đời sống văn hóa cộng đồng ở thành phố di sản thế giới, góp thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hội An. Qua gần hai tháng ra mắt, ngày càng nhiều khán giả đến với sân khấu Múa rối nước Hội An, đặc biệt là du khách nước ngoài

Sau những vở diễn sống động, thú vị, khoảnh khắc khiến nhiều khán giả xúc động nhất phải kể đến lúc bức màn sân khấu vén lên, những diễn viên múa rối nước bước ra chào khán giả. Gần 20 diễn viên hầu hết là nguồn nhân lực sẵn có của Hội An, nhiều người trước đó chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình là diễn viên múa rối nước. Thế nhưng họ đã chinh phục khán giả bằng tài năng và sự đam mê, thậm chí có người còn nhìn thấy ở họ là sự hy sinh, khổ luyện cho từng vở diễn.

kho luyen dang sau san khau mua roi nuoc hoi an (3)
Khoảnh khắc cácnghệ sĩmúa rối nước ra chào sau buổi diễn khiến khán giả xúc động

Diễn viên La Thảo Uyên vẫn còn nhớ những ngày tháng 12/2014, khi các nghệ sĩ múa rối nước ở Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) vào Hội An truyền nghề cho các anh chị em nghệ sĩ ở đây. “Chúng tôi chưa từng biết đến con rối trước đó, không thể tưởng tượng là con rối lại nặng đến như vậy, lúc ban đầu, giữ vững được con rối đã khó huống chi là “nhập vai” điều khiển con rối. Khóa tập huấn lại rơi vào mùa đông, chúng tôi phải ngâm mình trong nước lạnh suốt ngày miệt mài tập. Tôi nhớ những hôm đầu người tôi cứ run lập cập. Có nhiều anh chị em bị nứt cả tay chân vì ngâm mình trong nước lạnh hàng giờ liền. Phải hơn hai tháng trời tập ngày tập đêm để luyện những kỹ nghệ căn bản. Chúng tôi phải quên đi cái lạnh, tập lại và tập lại cho đến khi người và rối là một. Sau đó, lại sáng tạo và tập luyện các vở diễn riêng có ở Hội An ra mắt công chúng” - Thảo Uyên kể lại.

kho luyen dang sau san khau mua roi nuoc hoi an (2)
Để có những vở diễn chinh phục khán giả, các nghệ sĩ đã ngâm mình trong nước lạnh khổ luyện miệt mài

Điều dễ dàng cho các anh chị em nghệ sĩ ở Hội An khi làm quen và tập luyện biểu diễn múa rối nước là khả năng cảm thụ âm nhạc nghệ thuật và chất sáng tạo, “phiêu” của nghệ sĩ. Hầu hết các diễn viên đều là những “hạt nhân” văn nghệ lâu năm ở nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, góp mặt trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa của thành phố Di sản Hội An.

Truyền thuyết con cù, điệu múa Apsara… được tái hiện trên sân khấu múa rối nước

Diễn viên Nguyễn Huỳnh Thị Thanh Hảo, bắt đầu nghiệp biểu diễn từ năm 2006 ở Hội An chia sẻ: “Khi đã làm chủ được con rối, khả năng cảm thụ âm nhạc rất quan trọng để người diễn nhập vai, người với rối là một, từng động tác phải ăn khớp với từng tiết tấu nhạc, hiệu ứng trên sân khấu. Điều khiển rối sau bức màn sân khấu, chúng tôi phải học cảm nhận ánh sáng để làm chủ sân khấu phía trước. Âm nhạc đã thấm trong máu mình nên đó thực sự là một lợi thế. Tôi đặc biệt thích những vở diễn được sáng tạo trên nền nhạc dân ca xứ Quảng. Những bài dân ca mình đã thuộc nằm lòng, nay lại cất cánh cho những sáng tạo cho các vở diễn múa rối nước. Mới lạ đó, nhưng vẫn thân quen”.

kho luyen dang sau san khau mua roi nuoc hoi an (1)
Nhiều vở diễn có nhạc nền là dân ca xứ Quảng riêng có ở sân khấu múa rối nước Hội An

Nghệ thuật biểu diễn múa rối nước vốn sinh ra từ chiếc nôi nghệ thuật truyền thống ở các tỉnh phía bắc “giao duyên” với dân ca xứ Quảng, giống như những con rối nước được các nghệ sĩ Hội An “hóa thân” làm nên những vở diễn chỉ riêng có ở sân khấu múa rối nước Hội An. Bên cạnh những vở diễn truyền thống hấp dẫn khán giả ở các sân khấu múa rối nước lâu năm như bơi bắt cá, múa tứ linh…, những vở diễn như truyền thuyết con cù (gắn liền với truyền thuyết về Chùa Cầu - biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An, múa Apsara (điệu múa của người Chăm vốn gắn liền với lịch sử văn hóa xứ Quảng)… tạo nên sự thú vị, hấp dẫn cho chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở Nhà hát Hội An.

kho luyen dang sau san khau mua roi nuoc hoi an
Các vở diễn sáng tạo như truyền thuyết Con Cù cũng được dàn dựng để tạo nét riêng cho chương trình múa rối nước Hội An

Anh Trần Văn Tuấn - một trường hợp đặc biệt được chọn vào đội nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước ở Hội An mặc dù trước đây anh chưa từng tham gia biểu diễn nghệ thuật. Anh Tuấn tâm sự: “Khi thành lập đội múa rối nước, biết được tôi vốn có đam mê với âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật từ lâu nhưng chưa có điều kiện theo đuổi đam mê của mình, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - thể thao đã khuyến khích, tạo điều kiện cho tôi thử sức với múa rối nước. Những ngày đầu quả thật rất vất vả. Có những phân đoạn như một phân đoạn trong vở “Cáo bắt vịt” có 30 giây thôi nhưng phải mất hơn 1 tuần để tập thành thục. Nhưng rồi “cái sự mê” nó lớn hơn. Điều khiến tôi tâm đắc nhất chính là những vở diễn đặc trưng văn hóa Hội An, rối biểu diễn trên nền nhạc dân ca xứ Quảng…Và hơn hết, tiếng vỗ tay của khán giả khiến cho không chỉ riêng tôi, mà anh em trong đội quên hết những vất vả, khó nhọc đằng sau sân khấu”

Khánh Hiền

Nguồn tin: Báo Dân Trí


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật