Không chỉ có R. Joanne, nhiều du khách đến Hội An đã mê mẩn, dù đôi khi họ chỉ hiểu mơ hồ về các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và các loại hình nghệ thuật dân gian được biểu diễn định kỳ hằng đêm tại các điểm biểu diễn nghệ thuật và ngay trên phố cổ.
Chúng tôi chủ trương một khách cũng phục vụ. Duy trì để nhà biểu diễn “đỏ đèn” hằng đêm, vừa để phục vụ khách, vừa để giữ ngọn lửa nghề nhiệt huyết cho anh em. (Ông Trần Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An) |
Ở Hội An, những chương trình nghệ thuật không “đóng khung” trong những khán phòng biểu diễn sang trọng mà được hòa vào cuộc sống đương đại, hoặc trình diễn ngay trong không gian tái hiện lại đêm phố cổ Hội An những năm đầu thế kỷ XX. Không trông chờ vào ngân sách, cũng không phải là những sô diễn đầu tư quá hoành tráng, thế nhưng, không đêm nào nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở Hội An vắng khách.
Đội nghệ thuật cổ truyền Hội An trực thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An (VH-TT), vốn là một đơn vị sự nghiệp có thu của UBND TP Hội An. Từ nhiều năm nay, chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ của đội đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của nhiều du khách đến Hội An, góp phần tạo nên một sản phẩm văn hóa-du lịch đặc sắc, quảng bá văn hóa Hội An nói chung, Quảng Nam nói riêng đến du khách quốc tế.
Với hơn 150 diễn viên, nhạc công và cộng tác viên của Đội thông tin lưu động, Đội nghệ thuật quần chúng và Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, Trung tâm VH-TT Hội An đã tập hợp được lực lượng anh chị em gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là đối với nghệ thuật cổ truyền.
Mỗi góc phố ở Hội An đều có thể là một sân khấu
Thực tế cho thấy, Hội An là “đất lành” cho nghệ thuật cổ truyền khi đã thu hút đông đảo nhạc công, diễn viên đến từ mọi miền đất nước. Ngoài những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, hằng ngày, đoàn còn biểu diễn phục vụ du khách đến 2-3 suất với hàng trăm tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như hô hát bài chòi, các tiết mục dân ca Quảng Nam, dân ca Trung Trung Bộ và các làn điệu dân ca quốc tế của 12 nước có mối quan hệ bang giao với Hội An trong quá khứ và hiện có lượng khách đến tham quan Hội An đông được trình diễn bởi dàn nhạc dân tộc Việt Nam.
Câu chuyện về sự “bắt tay” của văn hóa-du lịch để tạo nên những sản phẩm văn hóa-du lịch luôn là câu chuyện thời sự và đau đáu của các nhà quản lý ở Hội An. Ông Võ Phùng- Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An nhớ lại: Ngay từ năm 1990, hai ngành Văn hóa và Du lịch ở Hội An đã ý thức rất rõ về việc đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực văn hóa để biểu diễn dân ca, nghệ thuật cổ truyền và xây dựng những chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc để thành những sản phẩm du lịch giữ chân du khách khi đến Hội An. Cũng theo ông Phùng, “nhạc trưởng” để thúc đẩy sự liên kết này chặt chẽ, mạnh mẽ và thuận lợi hơn nữa không ai khác chính là ngành Văn hóa, cùng với sự chung tay của cả cộng đồng.
Với giá vé mỗi lần xem biểu diễn nghệ thuật là 70.000 đồng/khách, nhiều người ngạc nhiên là quá rẻ. Nhưng theo Trung tâm VH-TT Hội An thì giá vé như thế là phù hợp. Bản thân chính quyền Hội An đang “khuyến mãi” cho sản phẩm văn hóa-du lịch.
Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền phục vụ du khách ở Hội An
Khuyến mãi ở đây không có nghĩa là bù lỗ, là đem ngân sách nhà nước vào bù đắp mà là xác định “hòa vốn” cũng đã là lãi. Lợi nhuận lớn nhất ở đây chính là cả cộng đồng cùng hưởng lợi khi những sản phẩm văn hóa-du lịch này đã giúp níu chân du khách, làm phong phú thêm các chương trình tham quan, khám phá tìm hiểu văn hóa địa phương, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách tại Hội An. Từ đó, không chỉ Nhà nước, ngành quản lý, mà cả doanh nghiệp, cộng đồng cùng bắt tay chăm chút, đầu tư cho các sản phẩm văn hóa để làm giàu thêm sản phẩm du lịch.
Chính vì thế, bên cạnh chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền được tổ chức biểu diễn bán vé hằng đêm tại số nhà 75 Nguyễn Thái Học thì Hội An cũng lồng ghép rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch trong chương trình đêm phố cổ.
Ở Hội An, mỗi góc phố là một sân khấu trình diễn. Và điều đó khiến cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các bạn thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Ở đây, văn hóa và du lịch đã hòa quyện với nhau. (Ông John Haward- chủ một hãng lữ hành ở Hà Lan) |
Những chương trình này hoàn toàn miễn phí và do các diễn viên quần chúng biểu diễn, mời chào du khách cùng tham gia trình diễn. Chính quyền và cơ quan quản lý sẽ trực tiếp điều phối, cân đối thu chi từ nguồn thu của việc bán vé tham quan phố cổ.
Đây là những chương trình văn hóa-nghệ thuật dân gian được xây dựng nhằm phục vụ cho thương hiệu sản phẩm du lịch “Đêm phố cổ” của Hội An. Du khách có thể tham gia chuyến du ngoạn trên ghe bầu dọc sông Hoài và nghe hát dân ca xứ Quảng, hoặc tham gia chơi và học cách hô bài chòi do Trung tâm VH-TT Hội An tổ chức.
Ông John Haward, chủ một hãng lữ hành ở Hà Lan trong một lần đi khảo sát tại Hội An đã nhận xét: “Các chương trình biểu diễn nghệ thuật (có bán vé lẫn miễn phí) của Hội An rất hay. Cái hay và độc đáo của các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Hội An chính là ở sự giản dị. Ở Hội An, mỗi góc phố là một sân khấu trình diễn.
Và điều đó khiến cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các bạn thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Ở đây, văn hóa và du lịch đã hòa quyện với nhau để cùng hướng đến mục tiêu quảng bá, thu hút du khách”.
Bên cạnh việc hỗ trợ, định hướng đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật phong phú, những năm gần đây, chính quyền Hội An đã quan tâm và đầu tư đúng mức cho việc giáo dục và đào tạo văn hóa, nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ để xây dựng đội ngũ kế cận. Nhà nước và ngành văn hóa đã mở nhiều lớp dạy dân ca, bài chòi, nghệ thuật múa,…cho các bạn trẻ có năng khiếu, đồng thời cũng đưa chương trình dạy dân ca vào trường học và mở các lớp tập hát dân ca ngay trên phố cổ Hội An. Chính những lớp học dân ca này lại cũng thành một điểm thu hút du khách và ngày càng có nhiều bạn trẻ nước ngoài cũng tìm đến thử tập hát dân ca như người dân Hội An.
Tác giả bài viết: Khánh Chi
Nguồn tin: tintuc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn