//

Giữ hồn Hội An

Thứ năm - 08/09/2011 08:50

Chính quyền Hội An đang vận động để có nguồn vốn mua lại những ngôi nhà cổ, sau đó sẽ cho chính chủ nhân ngôi nhà thuê lại và ở trong ngôi nhà ấy nhằm giữ lại “hồn người”, “hồn phố”

Vợ chồng ông La Vĩnh Diệu hiện đang ở ngôi nhà 16 Nguyễn Thái Học nhưng ngôi nhà này không đứng tên ông. Ông sống ở đây, buôn bán và làm bổn phận trông coi nhà thờ tổ tiên. Ngôi nhà có tuổi đời hơn 150 năm nên nhiều phần đã xuống cấp. Thi thoảng, bà con, họ hàng gửi tiền về nhưng chỉ đủ để tu sửa khu nhà thờ.
Trả tiền để được ở trong ngôi nhà mình
Vài năm trước, ngôi nhà của ông Trần Sung ở số 98 Bạch Đằng được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí tu bổ, tức là ông Sung phải bỏ ra 40% của số tiền vài tỉ đồng để ngôi nhà có thể vững chãi như hiện nay.
Nhưng sau đó, các anh chị em của ông đã đòi ông chia nhà. Ông Sung đã phải trả tiền cho hết thảy 4 anh chị em ruột để có thể sở hữu ngôi nhà đó. Nhưng số tiền để làm việc đó lớn tới nỗi cho đến nay, ông là trường hợp hiếm hoi có thể trả tiền cho các đồng sở hữu để trở thành chủ nhân duy nhất trong ngôi nhà của mình.
Ông La Vĩnh Diệu bên ngôi nhà cổ tại Hội An
Cư dân phố cổ Hội An hầu như ai cũng biết bà Tiêu và bà Chanh. Là người miền Bắc, hai bà đã đến Hội An lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước. Họ là chủ của 2 quán cà phê vang bóng một thời của Hội An và thực sự trở thành người Hội An, sống theo nếp sống, nếp sinh hoạt của người Hội An.
Những người như ông Diệu, ông Sung, bà Tiêu, bà Chanh… cùng con cháu của họ và nhiều người Hội An xưa đã gìn giữ nếp nhà với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống của Hội An, một trong những lý do để Tổ chức UNESCO vinh danh đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới, cũng là phần hồn “riêng có” để khách du lịch đã đến Hội An đều muốn quay trở lại. Nhưng những người Hội An như họ đang dần thưa vắng và thay vào đó là những chủ nhân mới đến từ các vùng miền khác, thậm chí từ quốc gia khác, kinh doanh, thu lợi nhuận trong một thời gian ngắn và ra đi.
Những chủ nhân mới - doanh nhân mới
Theo thống kê của bà Utsumi Sawako, giáo sư Trường đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), trong số 475 ngôi nhà nằm trên mặt tiền của 4 con đường có lưu lượng khách du lịch nhiều nhất khu phố cổ là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi có tới 453 ngôi nhà đang được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu. Trong đó, số cửa hiệu để kinh doanh phục vụ du lịch là 409 căn nhà (chiếm hơn 90%). Đặc biệt, 96% trong số nhà cho thuê được dùng để kinh doanh du lịch. Hầu như không thấy nhà nào cho thuê để kinh doanh phục vụ cuộc sống của người dân sở tại.
Một ngôi nhà cổ nay đã là quán bar
Một ngôi nhà gắn bó máu thịt khác hẳn một ngôi nhà chỉ thuần túy dùng để kinh doanh. Hãy thử vào một shop vải lớn đã đổi chủ sở hữu trong khu phố cổ, bạn sẽ không thấy vị trí bàn thờ tổ tiên, không thấy bếp, không thấy giếng trời… đâu nữa. Những vị trí linh thiêng như bàn thờ đã bị dời đi vì chủ nhân mới không ở đây nên không thờ cúng ông bà. Họ cũng không nấu nướng ngày 3 bữa nên chẳng cần tới bếp. Cuộc sống với những người chủ mới đã thực dụng tới mức họ biến nhà bếp với bàn thờ ông Táo thành kho chứa hàng và tận dụng diện tích đến nỗi che luôn khoảng không gian “giếng trời” – vốn được coi là kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hội An.
Cân bằng bảo tồn và phát triển
Với những thay đổi đó, Hội An đang đứng trước nguy cơ đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển và nguy cơ đánh mất mình từ bên trong. Đã có những “báo động” nhỏ trong ứng xử của người Hội An. Chính quyền Hội An đã nhìn thấy và ý thức được sự thay đổi của phố cổ và đang có những nỗ lực để cân bằng việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An: “Hội An đang và sẽ xây dựng cho được ý thức tự thân của người Hội An – người Hội An theo nghĩa rộng, có thể là người sinh ra và lớn lên ở Hội An, có thể là người nơi khác về Hội An sinh sống - để họ hiểu rằng Hội An được như ngày hôm nay là kết quả gìn giữ của nhiều thế hệ người Hội An và họ phải có trách nhiệm kế thừa sự giữ gìn đó. Nếu phá vỡ những nề nếp, trở nên xô bồ, chụp giật thì du khách sẽ không tới nữa và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính họ.”
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: “Để bảo tồn được nguyên trạng di tích trong khu phố cổ, tránh việc những chủ nhân mới thay đổi kiến trúc của ngôi nhà. tới đây, TP sẽ có những quy định cụ thể để  ít nhất 359 ngôi nhà thuộc loại di tích đặc biệt, di tích loại 1 và loại 2, dẫu chủ di tích hay người thuê sử dụng để kinh doanh, buôn bán cũng đều phải giữ lại những phần kiến trúc thuộc về công năng, phong thủy hay tín ngưỡng của ngôi nhà”.
Chính quyền Hội An đang vận động để có nguồn vốn mua lại những ngôi nhà cổ, sau đó sẽ cho chính chủ nhân ngôi nhà thuê lại và ở trong ngôi nhà ấy nhằm giữ lại được “hồn phố”, “hồn người” Hội An. Theo ông Nguyễn Sự, chỉ những người đã từng gắn bó cả đời, thậm chí nhiều đời với khu phố cổ Hội An này mới là những người có thể giữ gìn ngôi nhà và khu phố một cách tốt nhất.
Khác biệt của “sự lặp lại”
Có người cho rằng đô thị cổ Hội An từ xưa đã là mảnh đất hội tụ những thương nhân người Nhật, người Hoa và sau này là những người Bắc di dân từng tới đây sinh sống. Cho nên ngày nay, việc những người từ địa phương khác, thậm chí người nước ngoài, tới Hội An mở cửa hiệu là “sự lặp lại của lịch sử” và là điều không đáng quan ngại. Nhưng những điều tra cụ thể lại cho thấy tính chất của sự lặp lại ấy rất khác nhau. Xưa, người từ nơi khác đến Hội An mở cửa hàng cửa hiệu và sinh sống ngay trong ngôi nhà của mình. Họ đã dần dần trở thành người Hội An, sống theo nếp sinh hoạt văn hóa của người Hội An và ngôi nhà Hội An trước hết vẫn là ngôi nhà để người ta ở trong đó, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái… Còn ngày nay, những ngôi nhà đã thay đổi chủ và chủ nhân của những ngôi nhà chỉ đến đó để kinh doanh, phục vụ khách du lịch.
 

Tác giả bài viết: KHIẾU THỊ HOÀI

Nguồn tin: emdep.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật