//

Bản tình ca từ gỗ

Thứ hai - 27/12/2010 21:52

Bất chợt bắt gặp những con dấu nghệ thuật trong một lần loanh quanh phố Hội, và người chạm khắc gọi chúng là những “bản tình ca” từ gỗ.

 

alt
Hà Phú chạm khắc đường nét trên con dấu.

Phố rêu

Hành trình của ba chàng trai Hà thành tại Quảng Nam chỉ mới diễn ra hơn 365 ngày. Nhưng câu chuyện nghệ thuật thì cứ liên tục trong tâm trí họ. Gỗ sẽ không có hồn nếu con người cứ mãi tư lự bên “hàng rào nghệ thuật”… Hà Phú biến gỗ thành những con dấu tròn vuông mang trong mình nhiều hình ảnh đơn độc. Nguyễn Cường và Nguyễn Hữu Nghiêm lại kể cho người xem qua từng miếng ghép lớn nhỏ về phố cổ. Họ gọi những tác phẩm của mình bằng cái tên chung: Phố rêu. Không gian “Phố rêu” cũng nhỏ gọn như chính hành trang họ mang đến với Hội An - vài mảng gỗ mứt, mấy con dao khắc tự chế…

Những tác phẩm tranh khắc gỗ với hình ảnh tưởng gân guốc và vững chãi nhưng hóa ra lại rất mong manh. Một người mẹ với quang gánh dọc dài trên phố, hình ảnh có vẻ đơn giản nhưng càng xem càng thấy ở đó những nỗi ưu tư. Nét chạm khắc không tinh, nhưng ở nghệ thuật sự thô ráp và khéo léo cũng cần thiết như nhau. Người xem đôi lúc bắt gặp mình thấp thoáng trong tranh gỗ của họ. Những mảng ghép sáng tối không có nhiều. Chỉ đơn giản, họ muốn người xem thưởng lãm nghệ thuật ở mức độ đơn giản nhất. Nói như một du khách người Bỉ, Briony: “Tranh khắc gỗ dành cho những người dễ tính”. 

alt
Không gian Phố rêu.

Dường như đã có chủ đích, họ xếp tranh ở một góc khác của không gian đã chọn. Rồi trưng bày ra đó những “con dấu” hiện đại tìm về bằng đường nét cổ xưa. Tự thân “mộc bản” đã làm nên một loại hình nghệ thuật riêng và đặc trưng Đông Á. Phong thư, bút tích của khách văn chương hay thông điệp của người Nho học thời xưa đều có một ký hiệu riêng. Con dấu ra đời từ đấy và tồn tại đến bây giờ. Và những con dấu của “Phố rêu” vẫn cứ là cõi riêng trong dòng chảy bất tận của cuộc sống…

Đưa tranh vào con dấu

Người tinh tế nhận ra cả một thế giới bản ngã ẩn trong lòng những “con dấu nghệ thuật”. Những nét phức hợp cổ kim nếu cứ nhập nhòa và quy khu vào rường kèo nhà cổ thì trong con dấu của Hà Phú lại nhẹ nhàng đến chênh vênh. Ashumiko, một cô gái người Nhật cho biết: “Trung Quốc và Nhật Bản là nơi khởi nguồn của những con dấu gỗ. Đến Việt Nam, tôi bắt gặp con dấu gỗ ở Hà Nội. Dừng chân Hội An, tôi lại lần nữa bắt gặp nghệ thuật này. Dường như cái đẹp phụ thuộc khá nhiều vào không gian chứa nó. Phải nằm trong những ngôi nhà cổ, trên một con đường cổ, nép mình một cách trầm mặc… thì con dấu mới toát lên giá trị của nó”. 

alt
Con dấu nghệ thuật.

“Sáng tạo là cuộc dấn thân nhọc nhằn”, Hà Phú tâm sự. Vậy nên chàng trai xuất thân từ “dân” xây dựng này mới bỏ Hà Nội, về với Hội An, mang theo mình những đam mê có phần gai góc. Văn hóa, kiểu dáng, kích cỡ, nét chữ trên từng con dấu đều là một “chốn” để sáng tác và tạo nên nghệ thuật. Ở đó đòi hỏi người chạm khắc phải thật sự tận tâm và mê mải. “Trong suốt một tiếng đồng hồ, phải làm sao để đưa hết ý tưởng vào một khoảng không chừng mấy cen-ti-mét. Khó nhất của việc khắc dấu là làm sao để những chi tiết nhỏ nhất cũng trở nên tinh xảo” - Hà Phú tiết lộ. 

“Ngày xưa, ấn chương có 2 hình thức thể hiện là chu văn và bạch văn. Chu văn là nét chữ màu đỏ (khắc nét nổi), bạch văn là nét chữ màu trắng (nét khắc chìm). Ngoài nét chữ thể hiện thư pháp thì mũi dao khắc phải thể hiện những khe nông sâu, mạnh nhẹ, rạn nứt khác nhau... Cũng trên tinh thần đó, mình nghĩ đến việc đưa tranh vào con dấu. Những ngày đầu là hình thù của các loài thú, sau đó là những hình ảnh đơn tính. Lâu ngày, khi tay đã nhuần nhuyễn, mình đưa “hội họa” vào con dấu” - Hà Phú kể về những ngày đầu.

Ngày nay, chơi con dấu không còn dành riêng cho một giới nào nữa. Người viết thư pháp khắc dấu thể hiện danh tính, tư tưởng hay trường phái của mình. Họa sĩ cũng vậy. Có những người thích con dấu như một vật lưu niệm, khắc lên những tâm nguyện của mình, hay chỉ để thưởng thức như một loại hình nghệ thuật… Bởi những con dấu nghệ thuật, xét cho cùng là sự bùng vỡ của cảm xúc được thể hiện bởi hình thái tinh vi và trong trẻo nhất.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: n/a
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật