//

Huy động sức mạnh cộng đồng bảo tồn di sản

Thứ ba - 21/12/2010 16:20

Việc huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Hội An có vai trò hết sức quan trọng hiện nay.

 

 

alt
Cộng đồng làng xã giữ gìn truyền thống cha ông.

Sau hơn 10 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, góp phần phát triển KT - XH tại địa phương. Trong đó, việc huy động sức mạnh của cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng. Ông Sử Chấn Quân, một người dân sống trên đường Trần Phú cho biết: “Theo tôi, đến nay, di sản Hội An đã được trân trọng giữ gìn, sự xuống cấp của các di tích cũng được ngăn chặn kịp thời. Hội An đã có cơ chế hỗ trợ trùng tu di tích rất tốt và công tác quản lý di sản ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt, nguồn thu cho ngân sách địa phương và đời sống của người dân cũng được cải thiện thông qua sự hưởng lợi từ khai thác di sản”.

Từ năm 1999 trở về trước, toàn thành phố chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ. Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây đã có 167 di tích được tu bổ, tôn tạo, trùng tu với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 155 di tích được hỗ trợ tu bổ và 1.895 lượt chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ. Điều đó cho thấy nhận thức của cộng đồng, ý thức bảo tồn di sản trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Thành quả đó xuất phát từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ, ủng bộ nhiều mặt của tỉnh, Trung ương cùng sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời của các tổ chức quốc tế cũng như bạn bè gần xa. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của cộng đồng dân cư Hội An, những chủ nhân trực tiếp của di sản. Trong khi di sản đang đối mặt với nhiều nguy cơ thì sự nỗ lực của cộng đồng dân cư phố Hội là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của những giá trị di sản”.

alt
Huy động sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn di sản. 

Thực tế, Di sản văn hóa thế giới Hội An đang phải “chống chịu” những nguy cơ do tác động của bão lụt, mối mọt và sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết. Những nguy cơ từ sự tác động của con người cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Nổi lên là tình trạng tu bổ, sửa chữa di tích không đúng nguyên tắc trùng tu, vi phạm quy chế; sử dụng di tích sai chức năng, trưng bày hàng hóa không phù hợp, thiếu mỹ thuật. Bên cạnh nguy cơ hỏa hoạn cao thì hoạt động buôn bán, áp lực dân số cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và sự xuống cấp của di tích. Hiện nay, sự phai nhạt, mất dần các tập quán, lối sống truyền thống, các không gian sinh hoạt gia đình, không gian linh thiêng trong các ngôi nhà cổ và sự thay đổi chủ sở hữu di tích nhà ở cũng đã tác động tiêu cực đến những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể của Hội An. Theo các nhà phân tích thì nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ và chạy theo lợi ích vật chất trước mắt của một bộ phận chủ di tích. Cũng không thể không nói đến sự thiếu đồng bộ và kiên quyết của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức trong việc xử lý, giải quyết các hiện tượng xâm hại di tích và các giá trị văn hóa truyền thống. Còn có nguyên nhân khác là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn. Thêm vào đó, sự phức tạp của một khu di sản có hơn 16 nghìn người đang sinh sống cũng đã làm nảy sinh nhiều nguy cơ đe dọa đến sự mất còn của di sản.

Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An khẳng định: “Vấn đề nổi lên hàng đầu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản Hội An nằm ở mối quan hệ giữa 3 vấn đề. Đó là mối quan hệ giữa việc bảo tồn kiến trúc đô thị cổ cùng với giữ gìn lối sống truyền thống và đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Đây là bài toán hóc búa và lời giải cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng dân cư Hội An”.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật