//

Chuyện ông Thần giữ cửa ở Miền Trung

Thứ năm - 03/02/2011 15:00

Trong tín ngưỡng thờ thần của các dân tộc khu vực Châu Á, thần giữ cửa là vị thần thân thuộc với mọi gia đình và nhận lãnh vai trò phò trì cho gia chủ bình an. Miền Trung và đặc biệt đô thị cổ Hội An là vùng đất đặc biệt nhất trong cả nước với lần lượt bốn dân tộc Chăm, Việt, Nhật, Hoa cộng cư từ trước thế kỷ 10 đến nay. Qua đó, hình tượng của vị thần giữ cửa cũng được tiếp biến phù hợp với tập quán chung, hoặc giữ được “khuôn mặt” nguyên bản theo tín ngưỡng mỗi dân tộc, và tất cả đều “chung sống hòa bình”.

 

Trở thành biểu trưng hồn phố cổ

Mắt cửa Hội An
Mắt cửa Hội An

Nói đến Hội An, sau di tích chùa Cầu, thì đôi mắt cửa là vật kiến trúc được giới nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian và khách thập phương có mối quan tâm đặc biệt. Từ ngày kiến trúc sư người Ba Lan, tên thân mật gọi là Kazic, phát hiện ra giá trị độc đáo của đô thị cổ Hội An, cách đây hơn 20 năm, nhiều người đã nhận ra trong sự riêng có đó, đôi mắt bằng gỗ gắn trên mỗi khung cửa của các ngôi nhà cổ ẩn chứa một giá trị văn hóa chuyên biệt, đến nay hiếm tìm thấy ở trong và ngoài nước, trên tập quán tín ngưỡng dân tộc tương đồng. Vì lẽ này, nhiều người thi vị hóa, cho rằng đó là “hoá thân của tâm hồn người Hội An”; hay đó là biểu tượng tâm linh, có ảnh hưởng từ triết lý phương Đông, hoặc văn minh Ấn Độ giáo... hàm chứa nhãn quan thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ, hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ...

Trong tập quán tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, hiện tượng vẽ, gắn mắt cho vật kiến trúc; thờ phụng cây cối, vật dụng quen thuộc... trong đời sống khá phổ biến. Ví dụ thần cây đa đầu làng, ông bình vôi hoặc thần sống (hà bá), thần núi (sơn thần). Người dân tin rằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người. Các nhà khoa học gọi đó là thuyết “Vạn vật hữu linh”. Hiện tượng này còn nhận thấy qua đôi mắt được tô vẽ khá công phu trên đầu mũi chiếc ghe bầu - một phương tiện nghề vận tải trên biển hữu dụng của Quảng Nam trong quá khứ, và hiện nay khá phổ biến ở vùng sông nước Nam Bộ. Đây là loại thuyền lớn, có khả năng đi xa, dài ngày trên biển. Lịch sử còn ghi nhận, các đội lính Hoàng Sa còn dùng ghe bầu làm phương tiện chuyển quân hoặc vận tải hàng hóa, lương thực ra đóng đồn, canh phòng đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý. Thế nhưng đôi mắt trên ngôi nhà thì gần như hiện nay chỉ còn thấy ở Hội An, và cho đến nay xuất xứ, ý nghĩa của nó vẫn còn là một ẩn số.

Mắt cửa - quan môn

Mỗi độ xuân về, tết đến, người Hoa hay vẽ tranh các vị thần treo trong nhà. Thần giữ cửa, người Hoa gọi là quan môn là một trong những vị thần được vẽ và dán ở hai cửa ra vào. Mỗi triều đại vua Trung Quốc gọi tên thần giữ cửa mỗi khác, nhưng cơ bản dựa theo tích cổ đại (thời Hoàng Đế). Tích cũ Trung Hoa kể rằng trên núi Độ Sóc ở biển Đông, có một cây đào thần kỳ, thân và gốc lớn tới ba dặm; tại gốc đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên gọi Thần Đồ và Uất Lũy chuyên cai quản lũ quỷ dữ; con quỷ nào ác độc đều bị hai vị thần trói bằng thừng bện bằng cây sậy, đem cho hổ ăn. Do đó, Hoàng Đế đã sai người lấy gỗ đào tạc hình Thần Đồ, Uất Lũy và con hổ, lại gài cả thừng bằng sậy vào đó, rồi để bên cửa để trừ tà đuổi quỷ, gọi là quan môn. Với người Việt, hai ông thiện, ác thường thấy ở các đình chùa, miếu mạo cũng là những vị thần giữ cửa.

Môn Thần trên các đền tháp Chămpa
Môn Thần trên các đền tháp Chămpa

Tục này cũng phổ biến ở các vùng nông thôn hay các đình thờ, miếu mạo ở nước ta. Tại thôn Nghi Phụng, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa có một ngôi nhà cổ, lớp ngói âm dương, tuổi hơn 200 năm của ông Lê Khải. Gia thế ông là người Hoa vùng Phúc Kiến, đến đất Việt trong thời “phản Thanh, phục Minh”. Trong ngôi nhà này có đến 9 con mắt gỗ chạm trổ rất khéo đặt trên cửa. Hỏi thăm, ông bảo rằng, từ thời ông cha truyền lại ngôi nhà, cho rằng đó là những con mắt của tướng Uất Lũy của người Hoa. Sau này tình cờ ông Diệp Gia Tùng - chủ nhân bộ sưu tập gốm cổ bậc nhất ở Hội An cũng cho biết, mắt cửa Hội An còn gọi là quan môn. Thay cho bức tranh thần Uất Lũy, Thần Đồ, phải thay thế hằng năm, người thợ Kim Bồng sáng kiến gắn hai con mắt vào hai chốt gỗ giữ khung cửa. Và quan môn đã trở thành đôi mắt cửa là vậy. 

Ở miền Trung, trong tín ngưỡng Chămpa cũng có thần giữ cửa, gọi theo Phạn ngữ là Dvarapalla - môn thần, thường đặt đứng trước cửa các công trình kiến trúc tôn giáo. Nhưng độc đáo nhất có lẽ là hai tượng hộ pháp trước cổng chùa Nhạn Sơn, tỉnh Bình Định. Trong khi hầu hết thần giữ cửa của người Việt (hộ pháp) được làm bằng gỗ, hoặc đất nện, thì hai ông hộ pháp tại đây được tạc bằng đá sa thạch, mặc áo đại bào, đầu đội mũ đằng. Nhìn kỹ vẫn thấy tượng thần mặc sampot, tóc búi cao xung quanh là những sợi dây buộc chéo, trâm cài phía sau, đầu đội mũ có rìu xéo. Cách chùa Nhạn Sơn không xa là gò Tam Tháp, có nhóm kiến trúc tôn giáo Chăm. Các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm ở Bình Định cho rằng, năm tháng trôi qua, tháp Chăm sập đổ, tượng Dvarapalla bị vùi cho đến ngày những người dân Việt tìm thấy và đưa về chùa thờ phụng, biến thành hộ pháp của người Việt. Đây có lẽ là một hiện tượng tiếp nhận tự nhiên hiếm có trong tín ngưỡng thờ cúng giữa hai dân tộc Chăm-Việt.

* * *

Sự tương đồng về tập quán thờ thần cùng đặc tính dễ thích nghi, giỏi tiếp biến của người Việt, từ môn thần, quan môn đến hộ pháp trong tín ngưỡng của người Chăm, Hoa và Việt... đến cặp mắt trên cửa chính nhà thay cho hai vị thần giữ cửa không xa nhau là bao. Tuy vậy, là một biểu tượng của quan niệm vạn vật hữu linh hay chi tiết kiến trúc thì đôi mắt cửa từ lâu đã là một thực thể không thể tách rời khỏi đời sống văn hoá tâm linh của cư dân bản địa. Đây cũng chính là cách con người giao hoà với thiên nhiên, từ đó làm ra chiều sâu văn hóa của một dân tộc.

Nguồn tin: baophapluat.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật