Khung cảnh bình yên ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk.
Những ngôi nhà gỗ cổ kính, cảnh quan đậm nét văn hóa truyền thống giúp Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999. Điểm đến này cũng thường xuyên lọt danh sách "phải ghé thăm" tại châu Á, theo nhiều chuyên trang du lịch.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khu phố cổ với khoảng 120.000 dân này lại chứng kiến tình trạng du lịch quá tải khi đón hơn 4 triệu lượt khách mỗi năm, theo SCMP, trang báo tiếng Anh lâu đời nhất của Hong Kong.
Trong khi đó, Cù Lao Chàm lại chọn hướng đi ngược lại. Hòn đảo cách biển Cửa Đại 15 km quyết định chỉ đón khoảng 3.000 du khách mỗi ngày, đồng thời áp dụng loạt quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường nước, đất và không gian sống bản địa.
Được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 2009, Cù Lao Chàm được xác nhận có 277 loài san hô, 250 loài cá, động vật giáp xác và 97 loại động vật thân mềm đang phát triển mạnh mẽ.
SCMP gọi đây là "một kỳ tích bảo tồn", đạt được nhờ sự chung tay của chính quyền, nhà khoa học và người dân. Họ cùng nhau đẩy lùi ô nhiễm nhựa và nghiêm túc trong việc triển khai đánh bắt hải sản.
Nhà khoa học môi trường Lê Ngọc Thảo, Trưởng ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (MPA), chia sẻ: "Thật không dễ để thuyết phục ngư dân đồng ý không đánh bắt cá ở rạn san hô và bảo vệ môi trường biển bền vững. Chúng tôi nói rằng họ có thể đạt thu nhập tốt hơn nhiều bảo tồn một rạn san hô nguyên sơ, sau đó đưa khách du lịch đến lặn biển và chiêm ngưỡng".
Người dân ở Cù Lao Chàm gắn kết với nhau trong hoạt động bảo tồn. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk.Người dân ở Cù Lao Chàm gắn kết với nhau trong hoạt động bảo tồn. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk.
Công tác bảo tồn và tiếp cận du lịch bền vững tại Cù Lao Chàm mang lại kết quả đáng khen ngợi. Theo một hướng dẫn viên du lịch tên Cao Huyền, “các loài cá đã tăng lên” trên đảo.
Không chỉ nỗ lực tìm cách bảo tồn môi trường thiên nhiên, Cù Lao Chàm còn gìn giữ không gian yên bình, hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Trong những năm gần đây, nhiều du khách ngồi trên thuyền thúng truyền thống du ngoạn trên sông Thu Bồn. Một số chủ thuyền và hướng dẫn viên tour trang bị hệ thống âm thanh di động trên thuyền để gây sự chú ý, kiếm thêm thu nhập, song đã làm mất đi vẻ yên bình, tĩnh lặng vốn có của địa điểm.
Nhà khoa học Lê Ngọc Thảo cho biết họ đang nỗ lực để giảm tiếng ồn này. Dẫu vậy, khu vực này vẫn được xác định là “vùng đệm”, cho phép các hoạt động tiếp tục.
Tháng 11/2023, chính quyền tỉnh Quảng Nam ban lệnh cấm hát karaoke ở rừng dừa nước Bảy Mẫu và khu du lịch gần Hội An để hạn chế tiếng ồn.
lifestyle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn