BÀ con ở thôn Bãi Ông kể rằng, từ xưa người dân trên đảo sống rất khổ cực, hạt lúa củ khoai cũng khan hiếm, phải lấy hạt gắm giã ra nấu thay cơm, rồi nhờ mấy con cá biển, rau rừng mà tồn tại. Vì thế mà nhiều người thuộc nằm lòng câu thơ: Cù Lao cơm gắm, mắm cà/ Trầu rừng, cau núi em đà thấy chưa? Cũng nhờ rau rừng mà người dân nơi đây chống chọi được với cái đói trong mưa bão và bao mùa nắng hạn. Từ đảo hoang xưa đến đảo xanh bây giờ, rau rừng luôn gắn bó với người dân trên đảo. Rau rừng Cù Lao Chàm trở thành đặc sản từ mấy năm gần đây chỉ đơn giản là nó thơm ngon, bổ dưỡng cho cơ thể. Nhưng ở đảo này có một “thương hiệu” khác: lá rừng.
Du khách mua lá rừng trước khi rời đảo. |
Rừng núi Cù Lao Chàm có khá nhiều chủng loại cây nên từ lâu người dân đã lấy cây lá rừng để nấu nước uống thay chè như “lá mùng năm”. Ra thăm đảo, khách nếm hương vị nước lá đậm đà khó quên, giúp ăn ngon ngủ được, giá lại rẻ (10 – 15 nghìn đồng/bịch) nên rất thích. Dần dần, nước lá ở Cù Lao Chàm được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản của đảo.
Vừa hái rau rừng, vừa chặt cây lá về làm thức uống, vợ chồng ông Lê Học và bà Nguyễn Thị Chụp (60 tuổi, ở thôn Cấm) khoe rằng lá uống thay chè thơm mát, bổ dưỡng không kém rau rừng. Lá uống gồm nhiều loại như dứa, bầu đường, từ bi, bầu đề núi, é, sanh núi, ngũ gia bì, nhàu, thụt dọt, ổi tàu, da lông, nhãn núi… Có loại phải lấy cả thân, rễ, lá nhưng nhiều loại chỉ lấy mỗi lá. Tất cả các loại được băm nhỏ, phơi khô, rồi trộn đều các thứ vào, cho vào bao ny lông bán cho du khách. Đơn giản vậy, nên ai ra đảo ngày hè nóng bức đều được dùng thứ nước lá này.
Cù Lao Chàm. Ảnh tư liệu. |
Giữ được “thương hiệu” đặc sản rau rừng và nước lá của đảo thật không dễ. Ông Học cho biết, tuổi cao sức yếu nên không đến được những vùng núi cao cây lá rất phong phú, chỉ hái dưới những triền đồi. Du khách ưa chuộng nên nhiều người đi hái rau rừng các triền đồi ngày càng khan hiếm; nắng nóng cây nứt lá không kịp, chỉ vào mùa mưa rau rừng mới xanh tươi dễ kiếm, mà mùa mưa thì du khách rất ít… Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp phấn khởi: “Rau rừng và lá uống thay chè nay đã trở thành đặc sản của đảo nhờ sự cần cù của người dân. Tôi rất mừng, nhất là những người đã hết tuổi lao động có thêm việc làm để cải thiện đời sống. Nhưng tôi vẫn mong bà con làm sao giữ được “thương hiệu” của 2 đặc sản này nhưng phải bảo vệ rừng, không phụ những gì mà đảo xanh ban tặng”.
Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (Phó Trưởng ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm), chính thổ nhưỡng, khí hậu ở đảo là điều kiện tốt cho các loại cây thuốc quý phát triển, và chuyện người dân địa phương dùng lá cây này nấu nước uống rất có lợi cho sức khỏe. Bác sĩ Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng khám Đa khoa Quân dân y kết hợp trên đảo chia sẻ: “Tôi công tác ở đây hơn 20 năm, nhưng chưa thấy người dân nào bị bệnh nan y hay cảm sốt. Phụ nữ cũng hiếm có ca sinh khó, không rõ do uống nước lá rừng mà ngăn ngừa được bệnh tật hay không?”.
SẢN PHẨM DU LỊCH Từ xa xưa, Cù Lao Chàm trở thành điểm đến của các thuyền buôn nước ngoài dừng chân trú ngụ, nghỉ ngơi, tiếp nước ngọt và củi. Trong số đó, nhiều thương nhân buôn bán thuốc bắc, thuốc nam ghé đảo và phát hiện nhiều cây rừng là thuốc nam quý hiếm, liền mang về làm thuốc chữa bệnh. Những người chặt lá thuê cho họ cũng thử lấy về dùng, rồi lan truyền. Mỗi năm, Cù Lao Chàm đón trên chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến với đảo, vậy nhưng ngành du lịch chưa tìm ra một loại quà lưu niệm riêng. Mãi đến khi Cù Lao Chàm xây dựng chương trình homestay, nhiều khách nước ngoài trú ngụ đã thưởng thức nước lá rừng thích thú liền tìm hiểu xuất xứ, rồi mua về làm quà. Chị Trần Thị Liên, chủ homestay ở thôn Bãi Hương, một người chuyên sản xuất lá rừng cho hay, nhiều đoàn khách nước ngoài ưa thích loại lá rừng này, khi rời đảo vẫn thường xuyên liên lạc nhờ cung cấp “hàng”. Trong các tour ra đảo, Vitour là một trong số đưa khách đến với cù lao lớn nhất. Sau nhiều đoàn khách đến với Cù Lao Chàm, ngoài sự thích thú của phong cảnh tự nhiên, con người, hay văn hóa xứ đảo, lá rừng là “thương hiệu” được ưa thích. Theo họ, lá có mùi vị đặc trưng, là sản phẩm phù hợp với tên gọi Khu dự trữ sinh quyển thế giới nơi đây. Câu lạc bộ homestay trên đảo đang xây dựng kế hoạch trình cơ quan chức năng đăng ký thương hiệu “lá Lao” cho sản phẩm này. Hiện trên đảo có khoảng 30 người làm nghề pha chế lá rừng để bán, mùa nắng có người bán trên 2 tạ lá khô mỗi ngày cho du khách. |
Tác giả bài viết: THANH TƯỜNG - MINH HẢI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn