Bước chân gõ guốc trên mặt phố và tiếng nói cười du khách, lẫn giữa tiếng thoi đưa lách cách tạo âm thanh vui tai vang trong căn nhà cổ trên phố cũ Nguyễn Thái Học. Không gian trước của Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An dành riêng cho một góc tằm tang quê cũ. Gái làng lụa hờ hững xe chỉ, luồn kim trên chiếc phản gỗ góc phòng. Xa quay trên vách. Nền gạch bày sản phẩm tơ tằm như ví, túi xách, khăn quàng, cà vạt cùng các vật dụng trình diễn các công đoạn của nghề dâu tằm… Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho hay chưa thể đưa ra số liệu cụ thể nhưng khẳng định rằng kể từ khi có thêm “sản phẩm tằm tang”, lượng khách đến bảo tàng này ngày càng đông hơn.
Du khách tham quan Bảo tàng Hội An. Ảnh: H.X.H |
“Du lịch bảo tàng” ở Hội An đã manh nha từ 20 năm trước. Kể từ đầu những năm 1990, các bảo tàng chuyên đề đã được thành lập, mở cửa đón khách. Những cái tên như nhà trưng bày lịch sử - văn hóa, nhà trưng bày truyền thống cách mạng, bảo tàng gốm sứ mậu dịch, bảo tàng gốm sứ Sa Huỳnh hay bảo tàng văn hóa dân gian… nhiều năm nay đã trở thành một bản đồ du lịch thu nhỏ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhiều hiện vật quý (chưa hề tìm thấy trong các bảo tàng) đang được trưng bày tại các bảo tàng ở phố, cùng với bộ sưu tập hiện vật lịch sử, văn hóa, tranh ảnh thời kỳ kháng chiến, hiện vật thời tiền sơ sử được cư dân địa phương tìm thấy sau các đợt cải tạo ruộng đồng hoặc khai quật ở biển Cù lao Chàm… đã hấp dẫn du khách ngược tìm quá vãng về vùng đất “hội nhân, hội thủy, hội văn” này. Đã không ít người đặt câu hỏi: Cái gì được xem là quý giá nhất ở các bảo tàng này? Tuy nhiên, với những bảo tàng chưa bao giờ khép cửa ở Hội An, thì câu trả lời của người quản lý vẫn là tất cả hiện vật trưng bày đều quý giá, tất cả đều có linh hồn và mang đậm dấu ấn của thời gian.
Những hình ảnh tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Hội An. |
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho rằng loại hình bảo tàng chuyên đề, bảo tàng mi-ni là hướng phát triển đúng đắn, và Hội An không chỉ tiếp tục nâng chất mà còn sẽ “mở” thêm các sản phẩm du lịch bảo tàng để phục vụ nhân dân, du khách. Ông Trung đưa ra dẫn chứng cụ thể từ “Bảo tàng danh nhân” nơi nhà cổ Đức An, hiện lưu giữ và giới thiệu hình ảnh hoạt động của nhà lão thành cách mạng Cao Hồng Lãnh (tức Phan Thêm), chỉ mới mở cửa từ tháng 5.2010 đã thu hút hơn 6.200 lượt khách, trong đó có hơn 5.000 lượt khách quốc tế. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý: có hơn 7 triệu lượt khách, trong đó hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, đến tham quan các bảo tàng chuyên đề.
Hiện vật trưng bày trong bảo tàng bao giờ cũng làm nên sự khác biệt giữa các không gian văn hóa trong quá khứ, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách. Ngoài một bảo tàng “Nghề thuốc đông y cổ truyền ở Hội An” (đang được xúc tiến thành lập tại nhà số 46 đường Nguyễn Thái Học, tập hợp bước đầu khoảng 400 bài thuốc và nhiều dụng cụ quý hiếm do ông Jean Cousso người Pháp - Chủ tịch Hội những người bạn hữu Huế gửi tặng), Hội An dự tính lập thêm bảo tàng chuyên đề về thuyền buôn phố Hội hay bảo tàng nhiếp ảnh. Vùng đất đa văn hóa này vốn từng là cảng thị phồn vinh, tấp nập tàu thuyền, cũng là nơi phát triển sớm loại hình nhiếp ảnh. Tất cả sẽ hình thành sản phẩm “du lịch bảo tàng” đặc trưng trên đất di sản, tại sao không?
Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn