//

Bình yên phố Hội

Thứ hai - 06/02/2012 20:43

Không thể tách rời sự gắn kết giữa phần vật thể và phi vật thể của phố Hội trong những trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của sự bình yên, thanh thản mà bè bạn và du khách thập phương công nhận.

alt
Thả lòng hòa mình với biển Cù Lao Chàm.

Không phải ngẫu nhiên mà độc giả tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh  - Wanderlust.co.uk/magazine - đã bầu chọn để Hội An xếp vào hàng thứ hai trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới trong năm 2011 với số phiếu đạt 96% (sau cố đô Luông Prabang – Lào đạt 96,89%). Tạp chí này cho biết, những thành phố hàng đầu được chọn lựa không phải là những nơi có ánh đèn rực rỡ, cuộc sống gấp gáp mà là những thành phố có cuộc sống nhẹ nhàng thoải mái, có thể tìm thấy sự thanh thản, trầm lặng…

Quả đúng như vậy, khu phố cổ với mật độ dân cư dày đặc thuộc hàng tầm cỡ (cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới), một “đại siêu thị” của hơn một triệu rưỡi du khách trong và ngoài nước hằng năm và là một “bảo tàng sống” rộn rịp, náo nhiệt với bao cảnh của muôn mặt đời thường như Hội An mà vẫn giữ được vẻ bình yên vốn có và riêng biệt là chuyện hiếm thấy. Một người bạn của tôi xa quê khoảng chừng 10 năm nay thừa nhận, anh có một nỗi nhớ khác thường với mọi người: nhớ phố vào những buổi sớm mai. Dù mùa nắng hay mùa mưa, trong cái tinh sương của phố anh luôn tìm thấy sự yên tĩnh đến lạ lùng, không có tiếng ồn ào xao động.

alt
Phút thư giãn trên đường phố cổ.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An khi trả lời với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước từng nhấn mạnh, Hội An phải giữ không gian tĩnh để phát triển. Nếu mất sự tĩnh lặng, Hội An sẽ “chết”. Bản thân Hội An phải là một cái gì đó vừa vừa, nhỏ nhỏ, yên yên, tĩnh tĩnh, không vội vàng, xô bồ. Du khách phải cảm nhận được mọi người xung quanh thân thiện thì họ mới trở lại Hội An. Ngẫm lại mới thấy, lâu nay dường như chúng ta hay nghĩ đến những điều lớn, những điều to tát để làm du lịch mà quên đi các điều nhỏ. Ví như khách nước ngoài đến Hội An gần đây hay tỏa về các vùng ngoại ô bằng tour xe đạp. Họ thích thú khi được ngắm nhìn các đồng lúa, rồi xem trâu cày, chụp ảnh cảnh đàn cò kiếm mồi bên “người bạn” trâu… Họ sẵn sàng trả tiền chỉ để được trải nghiệm sinh hoạt cùng những nông dân, ngư dân ở vùng quê di sản.

Có dịp chuyện trò với chàng trai điêu khắc trẻ Thụy Sĩ, tôi mới biết anh quyết định “cắm chốt” ở Hội An vì ở đây anh có được những cảm mến đằm thắm với mọi người xung quanh, có được sự thân thiện cởi mở của bà hàng xóm mời anh ăn đám giỗ. Hay một chuyên gia huấn luyện và tổ chức bơi lặn người Ý cũng quyết dừng lại ở đây vì biển đảo Cù Lao Chàm quá đẹp và ông rất thương mến người dân nơi này… Tôi cũng được một lần nghe nhà văn Nguyên Ngọc kể và đố rằng: Còn nơi nào có được cảnh như ở Hội An, đàn bà con gái Tây mà chẳng lạ nước lạ cái chi hết, chẳng sợ gì cả, băng đồng băng sá một mình đi chơi ban đêm mà yên tâm hơn cả chính quê mình?

Không gian trầm mặc, cổ kính của quần thể kiến trúc khu phố cổ là sự đồng vọng của thời gian với con người, là bóng soi của một thời quá vãng để tìm lại những gì ngày xưa đã mất, hay đó là chốn riêng tư ta tự vấn lòng mình về bao chuyện đã qua. Còn rời xa phố để đến với những khu vườn tươi mát lá hoa, đến với vùng sông biển lộng gió, ngát xanh là để thả lòng mình hòa với thiên nhiên, tìm những thú vui thêm yêu cuộc sống. Nhưng rõ ràng càng ngày người Hội An càng ngộ ra rằng, giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hội An nằm chủ yếu ở mối quan hệ thân thiện giữa những chủ nhân di sản với du khách “đến chơi nhà”. Đó là phần phi vật thể - phần “hồn”, phần “chất” làm nên vẻ đẹp độc đáo, riêng có của Hội An. 

Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật