//

Nơi chốn tử tế

Thứ ba - 29/11/2011 07:42

Tháng 9/2011, một lần nữa - lần thứ bảy liên tiếp, Hội An được tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel Asia bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á, với nhiều tiêu chí đỉnh cao về bảo vệ di sản văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa đó vào đời sống hiện đại, tạo ra các giá trị mới.

Hội An có lẽ là nơi đưa ra sáng kiến sống chậm, sống tinh tế từng khoảnh khắc sớm nhất ở Việt Nam.

Trên con phố san sát cửa hàng bán đồ lưu niệm địa phương, dù mua sắm nhưng du khách không ai có thể hối hả khi con đường đó đầy ắp âm thanh du dương của những bản hòa tấu nhạc cổ điển phát ra từ những chiếc loa gắn trên tường các ngôi nhà cổ, và phía trên cao, giàn hoa leo nhô ra từ mái hiên nhà mời mọc.

Trong nhiều cửa hàng, tiệm may đồ, các gallery tranh, các nhà cổ - nơi tham quan, khách được mời uống trà xanh, ngồi ngắm mái nhà rêu phong, các cô gái địa phương mặc áo dài lặng lẽ qua lại.
Đó chính là không gian phục dựng từ cảnh mua bán của các thương nhân Phúc Kiến đến tìm đối tác ở Hội An. Họ có phong thái nhàn nhã, cao đạo, tinh tế với cái thú vừa hưởng trà đạo trong các hiên nhà cổ và sân vườn, vừa nhỏ nhẹ trao đổi giá cả và chất lượng hàng hóa.

Ở trung tâm phố cổ, đôi lúc khách giật mình khi đi ngang qua căn nhà tràn ngập đồ cổ bày trong tủ kính - tủ không khóa, hai cánh cửa lớn bằng gỗ của ngôi nhà cổ cũng không khóa nốt, nhiều khi không thấy chủ nhân đâu. Khách thắc mắc, lo lắng! Ông Diệp Gia Sùng, một chủ kho báu đồ cổ bảo: “Ngày trước các cụ vẫn mở toang cửa như thế. Nhà tôi chưa mất món đồ nào”. Ông cứ mở cửa để khách thích ngắm thì vào xem miễn phí, không nhất thiết phải mua bán gì. Ở Hội An, chẳng riêng cửa hàng đồ cổ của họ Diệp, bạn có thể vào cửa hàng áo quần, tranh, đồ gốm hay đồ bạc, phải ới ba bốn tiếng mới thấy chủ hàng từ nhà sau chạy lên. Ngoài đường, du khách bốn phương qua lại, trong nhà, chủ cửa hàng vẫn ung dung hưởng cuộc sống yên lành...Bây giờ, người đến Hội An kinh doanh không còn là những thương nhân Phúc Kiến, họ đến từ nhiều phương trời khác. Đó có thể là ông họa sĩ người Úc, vừa bán tác phẩm điêu khắc bằng đá, vừa kiêm luôn cà phê.Ông ấy cũng mở toang cửa cho khách vào ra, còn ông ngồi trong phòng và đọc sách. Nhiều ông chủ nhà hàng người Nhật, Pháp, Anh đến đây cũng đi cà phê sáng với hàng xóm, hòa vào lối sống kiểu gia đình như người Hội An gốc, tạo ra một phong thái kinh doanh rất đặc biệt.

Khách vào nhà hàng sang trọng hay ngồi trên ghế tre ở chợ ẩm thực vỉa hè đều cảm thấy ấm áp. Khách nếm đĩa thức ăn có cảm giác như làm riêng cho mình, nóng sốt, vị ngon lạ, hương vị gia đình.

Và người dọn bàn ân cần nói chuyện với họ về thời tiết, bày cho khách cách ăn món lạ mà người phố Hội rất tự hào chỉ họ mới nấu được - món cao lầu. Nếu khách cao hứng chạy vào tận bếp để hỏi này nọ, thì chủ cũng rất sẵn lòng bớt chút thời gian chỉ vẽ cách nấu một món ăn đặc biệt nào đó. Không có gì làm cho người phố cổ tự hào hơn khi bảo với bạn bè khắp bốn phương rằng, cứ tận hưởng các món ngon đi, cứ mua sắm đi, ở đây chẳng có ai “chém chặt” đâu. Một người khách của Hội An đã phải thốt lên: “Thật là một nơi chốn tử tế!”. Một tổng giám đốc resort bốn sao kể, có người khách Pháp phàn nàn họ bị xe ôm lấy giá quá đắt khi đi từ phố cổ ra biển Cửa Đại. Ông đã dùng cả buổi chiều tìm cho ra anh chàng xe ôm “lỡ tay” “chém” tiền vị khách đang trú ngụ trong khu resort. Dĩ nhiên là anh xe ôm có một bài học nhớ đời, và nạn “chặt chém” từ đó dứt hẳn. Ông tổng giám đốc kia người An Giang, mới nhậm chức một năm ở Hội An, nhưng đã thấm khá nhanh trách nhiệm của một công dân phố cổ bảo vệ du khách.

Nếu đến Hội An thì đừng quá vội vã. Bởi ở đây không chỉ có những mái nhà cổ lô xô trong hoàng hôn, hay những ánh đèn lồng lung linh
điểm xuyết cho bức tranh di sản kiến trúc. Khách du lịch đến Hội An thoạt đầu là để khám phá khu phố cổ. Rồi càng đến nhiều thì người ta lại càng thích, không chỉ là kiến trúc của phố Hội.

Hãy nhẩn nha từng chút một để thấm vào lòng, từ nếp sống đến cách hành xử của người dân Hội An. Khách du lịch đến Hội An có cảm giác như được trở về nhà của họ. Hội An đã “giữ được mình” trong công cuộc làm ăn. Chính nề nếp văn hóa cổ truyền, cộng với trình độ tư vấn rất uy tín của người Nhật, người Pháp, và quan trọng nhất là các biện pháp của chính quyền thành phố, đã giữ được bản chất văn hóa Hội An trong mỗi con người. Ở đây, thương hiệu được xây dựng bằng sức mạnh thật. Khách đến Hội An được hưởng một đêm phố cổ thật, một phiên chợ ẩm thực quê thật, một buổi trà đạo thật... Không biến mình thành sân khấu, không diễn, đó là văn hóa kinh doanh du lịch của người Hội An!

Tác giả bài viết: BÍCH HỒNG

Nguồn tin: Theo Người Tiêu Dùng


 

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật