Ngày 2.2.2012, ngay sau Tết Nguyên đán ít ngày, hoạt động phố không có tiếng động cơ ở phố cổ Hội An đã tăng từ 5 lên 6 ngày (từ thứ hai đến thứ bảy) và 7 đêm trong tuần. Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ” được Hội An thực hiện thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 24.7.2004, nhưng ý tưởng về một đô thị cổ không có tiếng ồn của xe gắn máy đã được ấp ủ từ những năm 90 của thế kỷ trước - khi các cán bộ của Trung tâm VH-TT Hội An khảo sát tình hình phát triển của khu phố cổ để có kế hoạch phát triển phục vụ du lịch. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An nhớ lại: “Vào năm 1995, du lịch Hội An đã có những tín hiệu phát triển, đời sống của người dân dần khá lên, xe máy được mua sắm nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm Hội An bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan, và đã xảy ra vài vụ xe máy va quẹt du khách trong khu phố cổ. Từ đó, chúng tôi đã nghĩ đến ý tưởng dừng việc chạy xe máy trong khu phố cổ để đảm bảo an toàn cho du khách và giữ gìn vẻ đẹp tĩnh lặng của phố”.
Năm 2003, khi thăm dò ý kiến người dân trong khu phố cổ về việc xây dựng khu phố đi bộ, Trung tâm VH-TT Hội An đã gặp nhiều phản ứng của người dân vì việc không lưu thông xe gắn máy trong khu phố cổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt và thói quen hằng ngày của họ. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, chính quyền và các cơ quan ban ngành thành phố đã từng bước thực hiện để dự án thành công và Hội An có được những con đường không tiếng động cơ như hôm nay. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết: “Du khách đến Hội An vì nơi đây yên bình, có thể tìm được sự yên tĩnh. Nhờ đó Hội An mới đẹp, quyến rũ. Bên cạnh đó, tiếng ồn của động cơ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của những ngôi nhà, cũng chính là di tích, di sản thế giới. Cho nên, chúng tôi quyết tâm thực hiện phố đi bộ bằng việc kiên trì vận động, thuyết phục, tuyên truyền người dân đến việc ưu đãi về cơ chế kinh doanh. Dần dần, người dân đã có được thói quen không đi xe máy trong khu phố cổ”.
Năm 2004, khi 70% phiếu thăm dò của người dân đồng tình với việc xây dựng phố không có tiếng động cơ, thành phố đưa đường Bạch Đằng vào hoạt động thí điểm một tuần một ngày thứ bảy và mỗi tháng vào đêm 14 âm lịch. “Mưa dầm thấm lâu”, hoạt động phố không có tiếng động cơ đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân Hội An và tạo được sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Bởi vậy ngay sau thời gian hoạt động thí điểm không lâu, tất cả các tuyến đường trong khu phố cổ đều thực hiện “Phố chỉ dành cho người đi bộ và xe thô sơ”.
Vẹn cả đôi đường
Phố yên tĩnh hơn, an ninh trật tự trong phố đảm bảo hơn trước và đặc biệt, với hệ thống loa phát nhạc được bố trí khéo léo ở mỗi góc phố, Hội An đã thực sự trở nên ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.
Ngành chức năng Hội An ngẫu nhiên chọn ngày 2.7.2004 để thống kê lượt xe máy ra - vào khu phố cổ ở các khoảng thời gian: từ 8 giờ - 11giờ, 14giờ - 16 giờ và tối 18 giờ 30 - 21 giờ. Qua đó, đã có khoảng 25.378 lượt xe máy vào khu phố cổ, bình quân mỗi giờ có 3.172 lượt và 1 phút có 52,8 lượt xe máy vào khu phố cổ. Trong đó, nút ngã tư Phan Châu Trinh - Lê Lợi có mật độ xe máy ra vào cao nhất với 8.702 lượt/ngày. |
Năm nào cũng cùng chồng (ông Hanstein Wilhelm, quốc tịch Đức) đến Hội An du lịch, chị Phương Loan chia sẻ: “Hội An là nơi vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu tiên nên nơi này rất nhiều kỷ niệm. Trong 10 năm qua, năm nào chúng tôi cũng trở về Hội An và thích nhất là được dạo trong tiếng nhạc giao hưởng dìu dặt phát ra từ mỗi góc phố. Tôi rất thích khi thấy cậu con trai mới 2 tuổi của mình chạy nhảy tung tăng thoải mái ngay giữa phố mà không lo tai nạn”.
Trần Minh Thìn - cán bộ Công ty Thiết bị y tế Đà Nẵng cho biết: “Tôi rất thích Hội An. Mỗi lần bạn bè các miền đến Đà Nẵng, tôi đều đưa vào Hội An để được đi bộ và thỏa sức thả hồn cùng vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của phố cổ trong tiếng nhạc. Tôi hay nói với các bạn: Về Hội An để được… đi bộ”. Còn bà Hoàng Thị Hồng Thoại - nhà ở số 44 Trần Phú cho biết: “Nhờ thành phố tổ chức phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ, giờ đây, du khách có thể dạo chơi trong khu phố cổ với tâm lý thoải mái nên cửa hàng nhà tôi cũng như các cửa hiệu khác trên phố đều kinh doanh hiệu quả hơn trước”.
Để phố đi bộ hấp dẫn hơn, thời gian qua Hội An đã tăng thêm những điểm hòa tấu nhạc cụ dân tộc, những điểm biểu diễn ca nhạc cổ truyền và những điểm dạy hát dân ca hoạt động vào ban đêm. Nhờ việc thực hiện “Phố cổ không có tiếng động cơ”, Hội An đã thực sự trở thành một hình ảnh đẹp và ấn tượng trong lòng du khách.
Tác giả bài viết: KHIẾU THỊ HOÀI
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn