1. Theo Ban tổ chức “Những ngày giao lưu văn hóa Nhật - Việt lần thứ IX”, ngoài các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được khẳng định giá trị tại các cuộc giao lưu năm trước, năm nay có thêm nhiều hoạt động phong phú như sáng tác và trưng bày thư pháp Haiku, biểu diễn nhóm nhạc DJ Samurai, hòa nhạc từ thiện, trình diễn nghề truyền thống Hội An, chụp ảnh lưu niệm với trang phục và áo Yukata, Kimono, đóng con tem kỷ niệm về Hội An…
Không cần đợi đến lễ khai mạc sẽ diễn ra đêm 20.8 với những nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc, nhiều xúc cảm nơi công viên vườn tượng An Hội, trước đó từ 8 giờ sáng nhiều nhà cổ đã mở cửa đón khách. Trẻ nhỏ tham gia vào các trò chơi dân gian, thi vẽ biểu tượng Hội An-Nhật Bản và lớp hướng dẫn nghệ thuật xếp giấy Origami… nơi các góc công viên ở phố. Các cô gái có thể vui cùng việc vận những trang phục Nhật chụp ảnh lưu niệm, hay thả mình dọc hai phố Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng đến Châu Thượng Văn, vòng cung chùa Cầu… để ngắm phố cũ trên nền triển lãm ảnh nghệ thuật. Bên trong các căn nhà cổ, khách cũng có thể tham gia vào những cuộc vui ẩm thực và xem trình diễn nghệ thuật thư pháp Haiku; ngắm nhìn phụ nữ Nhật biểu diễn nghệ thuật Trà đạo, hay bước vào thế giới âm nhạc tại buổi hòa nhạc nơi nhà cổ Tam Tam… Sẽ có cuộc trình diễn của nghệ nhân làng nghề truyền thống đan lát, lồng đèn xứ Quảng nữa.
2. Mỗi năm một lần giao lưu vào tháng 8. Không gian hội hè không chỉ để mang đến một nhịp cầu kết nối dòng sông văn hoá, hòa bình của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản mà còn là cầu nối để đưa du khách Nhật đến với Quảng Nam. Bốn khu phố Nhật do những kiều dân Phù Tang tha hương xây dựng trên đất Đông Nam Á hơn 400 năm trước, giờ chỉ còn tồn tại phố cổ Hội An. Lai Viễn kiều bắc qua một nhánh sông Hoài và hàng chục ngôi mộ của các thương gia Nhật nằm rải rác trên các cánh đồng Trường Lệ, Cẩm Châu... vẫn được người dân địa phương chăm sóc, hương khói. Mối bang giao hai nước được tiếp nối bằng những tình nguyện viên Nhật Bản từng sang Hội An để hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ, trực tiếp giám sát trùng tu một số di tích, bảo tồn nguyên trạng phố cổ từ những thập niên 80 của thế kỷ trước…
Tuy nhiên, chỉ ngần ấy sẽ vẫn chưa đủ để hấp dẫn du khách Nhật. Câu chuyện về cam kết xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với thị hiếu người Nhật… đã thêm một lần nữa đặt ra tại hội thảo xúc tiến khách Nhật ngay giữa ngày giao lưu văn hóa. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, dịch vụ ngoài lưu trú còn kém, không thể đáp ứng nhu cầu của khách Nhật, tỷ trọng khách Nhật chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượt khách đến khu vực này. Mỗi một đợt xúc tiến hay giao lưu văn hóa sẽ là động lực, cơ hội để các cơ quan chủ quản và các cơ sở kinh doanh lữ hành, khách sạn chọn lựa cho mình một lối đi để hút khách Nhật. Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cần phải có một cuộc khảo sát, phân tích mục đích đi du lịch nước ngoài của du khách Nhật; cần có thêm nhiều quán ăn kiểu Nhật, các dịch vụ tiện ích cho từng giới…
Sự thành công trong việc thu hút khách Nhật hay thế giới sẽ là cuộc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, hợp thành một thể chế thống nhất để tạo ra sản phẩm du lịch thỏa mãn khách hàng. “Sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến tới thị trường Nhật Bản, đặt văn phòng 3 tỉnh tại Nhật, nhanh chóng mở lớp đào tạo tiếng Nhật cho 120 tiểu thương, buôn bán nhỏ và đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật. Nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm du lịch - dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách Nhật được xác định là một trong những thị trường trọng điểm, đầy tiềm năng. Hướng tới con số hàng ngàn lượt du khách Nhật mỗi năm là mục tiêu quan trọng của Quảng Nam”, ông Đinh Hài khẳng định.
Tác giả bài viết: NAM KHA
Nguồn tin: www.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn