Trong chuỗi ngày Di sản Quảng Nam đang diễn ra, Hội An đã trở thành một nơi thu hút du khách, với khoảng 1 vạn khách tham quan trong và ngoài nước về đây mỗi ngày, tạo nên một không khí tưng bừng mà vẫn đằm thắm riêng có.
1. Làm sao không hấp dẫn, khi đêm đêm, hàng vạn chiếc đèn lồng đủ sắc màu, hình khối, chất liệu kích cỡ và kiểu dáng, gắn trên từng nhành cây, góc phố, trên những ngôi nhà, thành cầu… đã mang cho khu phố cổ Hội An vẻ đẹp lung linh, huyền diệu, dẫn dắt mọi người khám phá sự bí ẩn của mảnh đất mang vẻ đẹp đặc sắc này.
Những con phố cổ luôn rộn ràng bước chân du khách mà vẫn bình yên bởi không gian truyền thống không bị tiếng động cơ xe ồn ào náo nhiệt, ánh đèn điện chói chang, hay âm nhạc hiện đại phá vỡ. Dấu vết quá khứ mơ hồ cứ hiện lên qua từng vết nhăn của gạch, của sóng sông, của mắt ai nhìn thăm thẳm và của cả tiếng hò thao thiết, trong vắt trên những con đò dọc con sông Hoài thơ mộng, dưới ánh trăng rằm.
Không phải du khách nào cũng có dịp ngắm chùa Cầu vào đúng đêm rằm. Nằm gối đầu trên 2 con phố, chiếc cầu có mái, bằng gỗ, sơn son, với nhiều họa tiết tinh tế, chạm trổ rất công phu, uốn cong mềm mại, là biểu tượng của Hội An đã tồn tại hơn bốn thế kỷ và hiện có mặt trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay, một di tích liên quan đến truyền thuyết trấn yểm thủy quái, thủy tai, giữ gìn sự yên bình cho phố cổ.
Phía trong và bên ngoài cầu, vô vàn những chiếc đèn lồng màu sắc thay đổi liên tục, in bóng xuống dòng sông Hoài, vừa rực rỡ, vừa thâm trầm quyến rũ. Có đến đây, cảm nhận được vẻ đẹp lắng màu thời gian, lịch sử và kiến trúc trong Chùa Cầu, mới hiểu thêm nét thi vị của địa danh này mà câu ca xưa đã ghi lại: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai…”.
Vẻ đẹp văn hóa truyền thống là nét quyến rũ của phố cổ Hội An. |
Về Hội An trong dịp lễ hội này, du khách lại được đắm mình bao hình ảnh êm đềm của quá khứ, khám phá sự bí ẩn sâu xa nằm trong lòng di sản, như một cuộc trở về tìm lại mình. Điệu dân ca bài chòi sâu lắng, thì thầm như tiếng thở của người con gái, như đem cả hồn quê hương lắng vào từng con sóng vỗ ngập ánh trăng khuya.
Bên bờ sông Hoài, những bé gái hiền lành trong chiếc áo dài đặc trưng xứ Quảng, dịu dàng mời du khách mua những chiếc hoa đăng để thả trên sông, cầu may mắn. Âm giọng ngọt ngào như gió thoảng trong vẻ đẹp chân chất của các bé, khiến du khách thật khó lòng từ chối một món quà tinh thần như thế khi về phố Hội. Bởi thế, trên dòng sông Hoài, đêm đêm, không chỉ in bóng những chiếc đèn lồng, những bước chân du khách, còn bồng bềnh vô vàn hoa đăng hình bông sen 5 cánh đủ màu, lung linh, lấp lánh, mang theo cả niềm tin và khát vọng về sự bình yên gửi gắm…, để Hội An xa xưa giữa lịch sử ngàn năm vẫn thân thương, gần gũi, lung linh đáy nước.
Đến Hội An, du khách còn được ngắm chiếc chén của Khổng Tử, hiện còn được lưu giữ trong ngôi nhà cổ Tấn Ký với điều kỳ lạ mà cho đến nay, chưa có lời giải đáp chính xác: chén có hình Khổng Tử đang niệm Phật, dưới đáy có một lỗ nhỏ. Khi rót nước vào khoảng 80% thì nước không chảy ra, nhưng nếu đổ đầy thì nước sẽ chảy hết qua lỗ ở đáy.
2. Cùng với vẻ đẹp thơ mộng của các con phố cổ tràn ngập ánh trăng, vẻ thi vị của bao nét văn hóa truyền thống, Hội An còn hấp dẫn du khách ở tấm lòng người dân. Là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, nhưng ở đây không có hiện tượng chặt chém du khách. Các quán ăn, đồ lưu niệm, được coi là rẻ nhất trong các điểm du lịch cả nước. Người dân Hội An giữ chữ Tín, chứ không “nhìn mặt” để “hét” giá.
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với dịch vụ cho thuê xe đạp ở đây. Những người chủ sẵn sàng trao cho khách vài ba chiếc xe đạp mới tinh với giá thuê 20.000-25.000 đồng/ngày, sau khi chỉ hỏi ở khách sạn nào, phòng số bao nhiêu, mà không cần “đặt” bất cứ thứ giấy tờ gì. Dọc các con phố cổ, du khách còn bắt gặp các tấm biển treo trước cửa nhiều ngôi nhà: “Vệ sinh trong nhà, phục vụ miễn phí lễ hội”.
Một điều không kém phần đặc biệt ở Hội An, là tuyệt không thấy một hàng quán karaoke, hay hớt tóc, gội đầu thanh nữ nào. Mang sự lạ lùng này hỏi ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Nam, ông cho biết: Ở đây quy định thế, để tránh những phiền toái phức tạp phát sinh từ các dịch vụ này.
Cảm nhận khó quên ở Hội An là ý thức tự giác của người dân. Những ngày Di sản Quảng Nam đang diễn ra, lượng khách đổ về đông nghịt, đặc biệt là buổi tối, nhưng dịch vụ trông giữ xe máy ở đây đều thống nhất một giá 5.000 đồng/xe. Thượng tá Tô Dụng (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Nam) chỉ cho chúng tôi thấy các điểm trông giữ xe máy đều ghi bảng giá rõ ràng và cho biết: “Quy định đó được thực hiện triệt để ở đây và người dân đều tự giác”.
Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh không kém ấn tượng: 2 vị du khách đi xe đạp vượt đèn đỏ, lập tức đã gặp phải những cái nhìn ngạc nhiên của những người dân. Thậm chí, một bác còn đi đến bên cạnh và nhắc: “Tại sao các anh lại đi vượt đèn đỏ như thế nhỉ?” Với ý thức tự giác chấp hành pháp luật đến từng người dân như thế, chả trách, Hội An luôn bình yên và hầu như, rất hiếm thấy bóng Cảnh sát giao thông xuất hiện.
Với những nét văn hóa truyền thống được nâng niu gìn giữ, mảnh đất và con người Hội An luôn thân thiện mở rộng vòng tay chào đón bè bạn 4 phương, dành sự ngạc nhiên cho bất cứ ai đặt chân đến đây không chỉ là những địa danh, những di sản vô cùng quý báu, những phong cảnh thơ mộng, bình dị mà đầy sức cuốn hút, mà còn bởi những tình cảm đặc biệt chân thành của người dân
Tác giả bài viết: Thanh Hằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn