//

Từ Cẩm Hải nhị cung đến Cổng chùa Bà Mụ

Thứ sáu - 02/02/2024 04:05

Một kiến trúc độc đáo lùi sau khoảng không gian thoáng đãng tại số 528 Hai Bà Trưng, phường Minh An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã làm nhiều du khách trong và ngoài nước ngỡ ngàng. Để di tích có cái tên chính thức “Cổng chùa Bà Mụ”, ngành chức năng và chính quyền Hội An đã tham khảo nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân gian trong gần 3 tháng mới quyết định gắn bảng danh vào ngày 25-3-2019.

images1726107 7a
Bia Di tích Cổng chùa Bà Mụ (ảnh trái) và chương trình biểu diễn Nghệ thuật Múa diễn ra hôm 4-9-2023 phía trước di tích này. Ảnh: V.T.L

Theo sách “Di tích danh thắng Hội An” xuất bản năm 2015 và cuốn “Di sản Hán - Nôm Hội An, tập 1” bản khắc trên bia đá di tích Cổng chùa Bà Mụ do cử nhân Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp biên soạn, Ngô Đức Chí phiên âm, Nguyễn Bội Liên dịch nghĩa thì di tích này được dân làng Minh Hương xây dựng vào năm Bính Dần 1626 tại vùng đất bằng phẳng, màu mỡ phù sa giáp ranh giữa hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà có tên gọi là Cẩm Hải nhị cung. Lúc bấy giờ di tích này chỉ làm bằng gỗ, móng xếp đá vôi, chạm khắc rất tinh xảo. Đây là một kiến trúc đặc sắc về tín ngưỡng tâm linh của người Minh Hương gắn với các truyền thuyết đậm tính nhân văn.

Chuyện kể rằng, ngày xưa ở vùng đất này có một phụ nữ giàu lòng nhân ái, thường hay giúp đỡ mọi người lúc khó khăn, hoạn nạn. Vào ngày nọ, bà đã ra tay cứu vớt một dân chài đánh cá trên sông bị sóng to, gió lớn nhấn chìm. Sau khi lấy lại sự sống cho ngư dân, bà đã quyên sinh.

Một câu chuyện khác cho rằng người phụ nữ đó có tên Lê Thị Ngọc Thanh, được Ngọc Hoàng Thượng Đế sai xuống giúp đỡ người trần gian, khi bà xong việc, nhà trời lấy bà về… Để tỏ lòng biết ơn bà, dân làng Minh Hương lập Cẩm Hải nhị cung thờ. Trải qua năm tháng và do biến cố của thời cuộc, Cẩm Hải nhị cung được dời về vị trí như hiện nay. Lần này Cẩm Hải nhị cung được xây bằng một phiên bản mới hoàn toàn, với cụm kiến trúc gồm cổng tam quan với bốn gian nhà bề thế đứng sau một khu đất khá rộng.

Cẩm Hải nhị cung được chia thành hai bên thờ tự riêng biệt, bên tả được gọi là Cẩm Hà cung, còn gọi Cẩm Hà môn, thờ Bảo Sanh Đại Đế và 36 vị tướng được phong thần, bên hữu là Hải Bình cung (Hải Bình môn) thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Không chỉ người dân làng Minh Hương mà nhiều người làng phụ cận thường xuyên lui tới Cẩm Hải nhị cung hương khói cho các vị thánh thần và 12 bà mụ nên lâu dần cái tên Cẩm Hải nhị cung ít được gọi nữa mà thay vào đó cái tên khác là chùa Bà Mụ.

Các năm 1848, 1922, chùa Bà Mụ được sửa chữa, trùng tu do thời gian tàn phá hư hỏng khá nặng nề. Tấm bia đá lập sau khi sửa chữa năm 1922 hiện nay đặt trong nhà bia trước sân chùa Quan Âm (Minh Hương Phật tự) ghi: “Cảnh hai cung càng thấy mỹ quan đủ thấy khí hùng tráng phong từ văn hóa trong làng. Khách bác cổ Âu, Á đến du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam. Lâu ngày phải sửa lại, thức giả đều nói bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước dựng nên, người sau phải noi dấu…”.

Do xuất hiện khá sớm ở Hội An cùng với lối kiến trúc đặc sắc, lạ lẫm, khác biệt với bất cứ công trình nào nên năm 1930, Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp đã quyết định đưa chùa Bà Mụ vào danh sách “cổ tích liệt hạng” cùng với hai công trình kiến trúc khác là chùa Cầu và Hội quán Triều Châu. Chùa Bà Mụ cứ thế lặng trầm, miên man theo dòng chảy bất tận của thời gian cùng với những nếp nhà, cổng ngõ phủ dày rêu xanh qua hàng trăm năm của phố cổ Hội An. Do sự tác động của thời gian và chiến tranh, năm 1965, bốn gian nhà lâu đời của chùa Bà Mụ bị đổ nát, chỉ còn cái cổng tam quan trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nên mỗi khi nhắc tới chốn tâm linh này đa phần người dân quanh vùng gọi là Tam quan chùa Bà Mụ, song các hoạt động tín ngưỡng bị gián đoạn bởi không còn nơi thờ tự.

Đây là một trong những di tích tiêu biểu, góp phần đưa phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới cần được lưu giữ, bảo tồn, năm 2016, chính quyền thành phố Hội An đã đầu tư gần 12 tỷ đồng để tôn tạo Tam quan chùa Bà Mụ. Ngoài việc trùng tu cổng tam quan theo đúng nguyên trạng xa xưa, khuôn viên di tích còn có nhiều hạng mục khác như hồ sen, cây xanh, thảm cỏ, lối dành cho người đi dạo tham quan, điện chiếu sáng, thoát nước.

Tháng 12-2018 hoàn thành việc trùng tu nhưng tên gọi di tích bắt đầu trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người, nhất là các nhà nghiên cứu di tích. Nhằm thống nhất trong các văn bản quản lý Nhà nước về tên gọi di tích, đồng thời trên cơ sở tài liệu có liên quan đã được các thành viên Chi hội khoa học lịch sử Hội An và Chi hội Văn nghệ dân gian Hội An thống nhất đề xuất, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đổi tên gọi di tích Tam quan chùa Bà Mụ thành di tích Cổng chùa Bà Mụ. Đây chỉ là việc tôn tạo, bảo tồn một phần của Cẩm Hải nhị cung, là cái cổng vào phía trước của Cẩm Hải nhị cung ngày xưa. Việc thờ phụng vong linh người phụ nữ theo truyền thuyết cũng như các vị thần thánh và 12 bà mụ không thể đặt tại cổng ra vào được nữa. Bây giờ, Cổng chùa Bà Mụ, trở thành một địa điểm trầm lắng, nơi hiện diện một kiến trúc cổ xưa và lưu giữ những tấm ảnh đẹp cho những ai muốn tìm về quá khứ.

baodanang


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn