Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An khẳng định, trong hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi Khu đô thị cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển của mình, coi văn hóa là yếu tố then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vừa qua, Hội An đã mạnh dạn lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để đăng ký gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO với mục tiêu vừa bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có, vừa thúc đẩy hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian của các thành phố trên thế giới, từ đó có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân Hội An trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè quốc tế", Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam có hai thành phố (Hội An và Đà Lạt) cùng lúc chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
"Hội An đã nỗ lực xây dựng hồ sơ trình UNESCO kể cho bạn bè thế giới câu chuyện một cách thuyết phục về một thành phố sáng tạo dựa trên di sản của cộng đồng, với sự tham gia của cộng đồng và vì cộng đồng.
Ở Hội An, không những có sự gìn giữ, trao truyền, phục hồi các nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, mà còn biến di sản thành tài sản, bằng tài năng, trí tuệ và tư duy rộng mở đã phát huy sự sáng tạo để tạo nên các giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", bà Nguyễn Phương Hòa đánh giá.
Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều quan trọng khi Hội An trở thành thành phố sáng tạo, chính quyền và cộng đồng dân cư của thành phố đã cùng đồng lòng đặt "văn hóa sáng tạo" vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng Hội An được thế giới biết đến là điểm đến có tầm vóc toàn cầu. Bên cạnh đặc điểm có một không hai về cảnh quan văn hóa và sinh thái, chính nguồn lực văn hóa truyền thống sống động thể hiện thông qua nghề thủ công và nghệ thuật dân gian đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Hội An trở thành điểm đến không thể nào quên đối với bất kỳ du khách nào.
"UNESCO vui mừng nhận thấy việc chuẩn bị hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong năm 2023 thực sự trở thành một quá trình huy động sự tham gia, quy tụ, phát huy sự sáng tạo, sức mạnh tổng hợp và hợp tác của tất cả các bên, từ các nhà quản lý, chuyên gia, đến cộng đồng sáng tạo và rất nhiều đối tác khác", bà Thanh Hường cho hay.
Danh hiệu thành phố sáng tạo mang đến những cơ hội lớn, nhưng đòi hỏi những cam kết trách nhiệm quan trọng, đại diện UNESCO đề nghị Hội An cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nguồn lực thủ công và nghệ thuật dân gian trở thành khung hành động có tính chiến lược giúp thành phố đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng của di sản này.
Nhật Anh
baochinhphu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn