//

Độc đáo nghệ thuật hát sắc bùa Hội An

Thứ hai - 08/01/2024 20:37

Nghệ thuật hát sắc bùa Hội An đã được “sân khấu hóa, hiện đại hóa” hài hòa, phù hợp cùng nhịp sống cư dân với hoạt động kinh tế thương nghiệp, buôn bán xưa và nay là một thành phố du lịch, tuy nhiên sắc bùa Hội An vẫn giữ được các yếu tố gốc của loại hình văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam.

1. Nghệ thuật hát sắc bùa Việt Nam
Tục hát sắc bùa là một hình thức tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống mang nhiều nét đẹp văn hóa đến nay vẫn còn được lưu truyền, giữ gìn trong đời sống các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Hát sắc bùa vốn xuất phát từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân canh tác lúa nước. Sắc bùa có gốc gác từ dân tộc Mường ở Bắc bộ, trải qua dòng chảy văn hóa vô tận và dần lan rộng trên nhiều vùng miền lãnh thổ Việt Nam, hiện nay phổ biến ở cả miền Trung và miền Nam.
Tại miền Trung, các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… hát sắc bùa thường xuất hiện trong những ngày Tết âm lịch nhằm cầu mong một năm thịnh vượng, may mắn, xua đuổi những gì không hay…
Sắc có nghĩa là lệnh vua hoặc một tờ sắc lệnh được ban hành. Bùa là lá bùa dùng để trừ ma quỷ, chúc mừng năm mới. Sắc bùa nghĩa là sắc lệnh ban ra bằng giấy viết. Hát sắc bùa là hình thức vui chơi mang tính nghệ thuật, có ca, múa, nhạc như một loại hình sinh hoạt văn nghệ trong dân gian. Khi đội sắc bùa đến cổng nhà để chúc Tết, lúc chủ nhà ra mở cửa thì các thành viên đội sắc bùa xếp thành hai hàng, các nghệ nhân vỗ trống cơm, hát nhạc… rồi chúc xuân, cầu điều may mắn và sau đó tiến hành dán các lá bùa. Giai điệu được chúc xuân của các đội sắc bùa là “Mở cửa, mở cửa Khoen trên cài xỏ Ngõ dưới còn gài Chả phụ đứng ngoàiThần tài sát quỷ Thầy quỷ lại xao Ông ngồi giường cao Mở chặng đường nào Năm mới giàu sang Bình an vô sự…”
Sắc bùa xứ Quảng cũng như các tỉnh thành khác, là thể loại văn hóa dân gian mang tính cộng đồng rõ nét. Chính nhân dân lao động là những người đã nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Điều này thể hiện rõ nét trong bài viết của Giáo sư Lê Trí Viễn “Sắc bùa xứ Quảng”: “Đến cuối xóm, đoàn ngừng lại ở cửa nhà chị Hai Lan. Túp lều ở cạnh giếng làng và cây cổ thụ. Hai vợ chồng nghèo nhất làng. Sương nắng quanh năm mà nhà cứ thiếu kép thiếu đơn. Anh Hai bệnh nặng bỏ chị đã ba năm. Chị một mình tần tảo nuôi mẹ chồng già yếu. Thấy đoàn đã tới, chị lo quá, bước ra van xin “Con lạy bác Tám (ông bắt cái), các chú, các anh thương cho cảnh mẹ con em mà miễn cho”. Ông Tám ôn tồn: “Đoàn là của cả làng cả xóm, tổ tiên bao đời giao cho đoàn tất vị phú vong bần, coi ai cũng cành cũng lá của tổ tiên, ai cũng được đoàn cầu chúc cho năm mới. Hai mẹ con chẳng biết lễ lạt gì hết”...
DSC 3774
2. Nghệ thuật hát sắc bùa Hội An
Nghệ thuật hát sắc bùa Hội An đã được “sân khấu hóa, hiện đại hóa” hài hòa, phù hợp cùng nhịp sống cư dân với hoạt động kinh tế thương nghiệp, buôn bán xưa và nay là một thành phố du lịch, tuy nhiên sắc bùa Hội An vẫn giữ được các yếu tố gốc của loại hình văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam.
Số lượng các thành viên trong đội hát sắc bùa thường từ 21 người hoặc ít hơn và đạo cụ không thể thiếu là trống cơm. Ở Hội An người ta gọi là trống cái. Hai bên trống được buộc hai sợi dây, người hát chính mang trống ngay giữa bụng, dùng tay vỗ vào trống. Người mang trống cái được gọi là “Chúa xuân”, có nơi người ta còn gọi là “Ông Thọ”. Bên cạnh đó, sắc bùa còn có các loại nhạc cụ khác như sáo, phách tre, đàn cò… Tục hát sắc bùa nguyên thủy có diễn trò bắt quỷ, nay đã được giảm lược, chỉ còn hát chúc xuân cầu bình an, may mắn. Về trang phục đội sắc bùa Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung ngày xưa là áo dài đen, quần trắng, chân đi guốc mộc, đầu đội khăn đóng và thường là nam giới đảm nhận. Nay nghệ thuật sắc bùa Hội An đã có nhiều thay đổi, cải biến, lồng ghép nghệ thuật hiện đại, phù hợp với đời sống đương đại.
Sự đang dạng của các loại hình trang phục, nhạc cụ, cả nam và nữ cùng biểu diễn. Tiết tấu nhạc lý, âm nhạc cũng nhiều thay đổi, không chỉ dựa vào trống cái mà còn có các đạo cụ sinh tiền, sinh cái, sinh. Trong ca hát sắc bùa xứ Quảng còn kèm theo nhiều làn điệu đồng dao, lô tô, nói lối, kể, xướng… đan xen, kết hợp tạo nên âm điệu tươi vui, phong phú và rộn ràng sức sống.
Sắc bùa Hội An thường biểu diễn vào đêm giao thừa, khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong một năm nhằm cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Hiện nay, ca cảnh hát sắc bùa được Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An dàn dựng sáng tạo, phù hợp với từng không gian, hoàn cảnh các chương trình, lễ hội, sự kiện lớn mang tầm vóc địa phương, quốc gia và cả quốc tế. Những tiết mục này đã nhận được sự quan tâm, yêu thích của đông đảo khán giả bởi lối dàn dựng mới lạ, vui nhộn nhưng cũng giàu giá trị văn hóa, nghệ thuật. Chính những điều này đã mang nghệ thuật hát sắc bùa Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá rộng rãi về loại hình nghệ thuật dân gian này của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế.
 
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn