Khu phố cổ Hội An gồm 4 con đường chính là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi và Bạch Ðằng chủ yếu bày bán các đồ dệt may và thủ công mỹ nghệ. Ban ngày, Hội An cổ kính với những dãy nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia, mái ngói phủ rêu xanh mướt và những cột gỗ quý vẫn sáng bóng lên như thể 300 năm mới chỉ là hôm qua. Ðây từng là nơi mà người Chăm, người Kinh, người Nhật, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha… cùng chung sống và buôn bán. Vì thế, nét giao thoa văn hoá quả là độc nhất vô nhị.
Đèn lồng Hội An đặc biệt và thơ mộng
Men say phố Hội đêm rằm
Đặc trưng nhất của người Hoa là Hội quán Quảng Đông nằm trên đường Trần Phú, phố chính trong khu đô thị cổ. Hội quán được những Hoa kiều Quảng Đông xây dựng từ năm 1885 để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử. Sang năm 1911 lại quay sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Đi thêm vài bước nữa về phía cuối phố có chùa Cầu, biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ 17 nên kiến trúc nửa Nhật nửa Việt. Thực chất đó là một cây cầu gỗ cong dài 18 mét, có mái che, bắc qua một lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Thân cầu trổ ra một ngôi chùa nhỏ xíu thờ Bắc Đế Trấn Vũ - vị thần bảo hộ xứ sở. Đi sang bên kia chân cầu, lại mở ra một con phố cổ đông đúc khác mà vào ngày Tết đèn lồng rực rỡ chăng khắp nơi, tưởng đâu đang lạc vào trường quay của một bộ phim cổ trang.
Cách đây 5 thế kỷ, nước Ðại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi đã để lại một dấu ấn văn hoá vô cùng đặc sắc lên vùng đất nhỏ bé này. Để rồi sau đó 300 năm, các chiến thuyền và thương thuyền phương Tây lại thực hiện một cục diện giao thoa văn hoá thứ hai thông qua những ý đồ truyền bá và thôn tính. Nhiều du khách nước ngoài đưa ra một công thức khi đến Luang Prabang (kinh đô cổ của Lào được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá): Luang Prabang = Hội An + Sa Pa. Có thể Luang Prabang với những con phố nhỏ hẹp trầm mặc, cổ kính với trăm ngàn ngọn đèn lồng giấy thắp khu chợ đêm gợi nhớ đến Hội An xa xôi, nhưng dứt khoát có một điều, nếu ai đã từng một lần tới Hội An vào đúng ngày rằm, sẽ thấy chẳng nơi nào trên thế giới lặp lại những khoảnh khắc này. Từ năm 1998, phố cổ Hội An đã quay ngược vòng thời gian 300 năm trước bằng cách treo đèn lồng trước hiên nhà, và không sử dụng bất kỳ một thiết bị điện thông thường nào trong ngày rằm.
May mắn, một lần tôi tới Hội An vào đúng dịp lễ Phật đản, và chính xác đó là cảm giác choáng váng khi đứng giữa những con phố ngập tràn sắc hoa đăng. Trên sông Thu Bồn, hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy lung linh hoà cùng sắc màu rực rỡ của từng con phố cổ. Hội An, lúc này đang sống lại những thời khắc hoàng kim, khi còn là một đô thị sầm uất và sang trọng. Những ngôi nhà cổ với các cột gỗ chạm trổ tinh vi lộng lẫy trong ánh sáng ảo huyền. Hằng hà những chao đèn hình tròn, hình vuông, hình quả trám, hình ống đủ màu sắc treo dọc phố tạo nên một không gian ánh sáng kỳ vĩ không giống bất kỳ một kiến trúc chiếu sáng đương đại nào. Du khách như trong men say, ngỡ đâu mình đang dự một lễ hội của một thành phố thế kỷ thứ 17. Các cửa hiệu tạp hóa, hiệu thời trang xa xỉ vẫn mở cửa hoạt động bình thường, tấp nập khách đến may đo, chọn vải. Những ngôi nhà hình ống rộng thênh thang, mặt trước là quầy tiếp khách. Hàng súc, hàng súc vải xếp chất ngất, rực rỡ dưới ánh đèn. Căn phòng nền gạch dẫn tới tận sân trong, rộng rãi đến không ngờ, mà nếu nhìn mặt tiền nhỏ hẹp, không mấy ai nghĩ rằng phần hậu ngôi nhà tỏa rộng đến như vậy (một kiểu kiến trúc quen thuộc của người Trung Quốc).
Nguyên vẹn một màu xưa cũ
Nhiều lần, tôi giả bộ vào mua bán, nhưng mắt cứ len lén ngắm nghía bên trong các tòa nhà, thầm tưởng tượng xem cách đây dăm thế kỷ, người ta sống như thế nào. Nhưng tưởng tượng dễ lắm, vì mọi thứ vẫn còn nguyên trạng, từ cánh cửa kéo, cho đến bộ tràng kỷ, bức hoành phi, câu đối và những vách nhà màu gụ. Một cô gái dẫn tôi vào sân trong thử áo. Cô mặc áo dài, đi lướt dưới bóng cây cổ thụ lấp loáng ánh trăng đêm ở sân trong, miệng cười dịu dàng, dường như vẫn tiếp nối nụ cười như thế từ đời mẹ, đời bà của cô ở chốn đô thị cổ kính rất đỗi dịu dàng này. Là một nhân viên phục vụ quầy hàng, nhưng cô gái trẻ đất Hội An giống một tiểu thư khuê các, đi lại nhẹ nhàng mà tự tin, trong một khuôn viên sang trọng nhưng cũng đầy bí ẩn. Người phố Hội thích đốt hương trầm. Khắp những gian nhà cổ, đâu cũng thấy mùi trầm. Mùi hương bí ẩn, ngan ngát, kín đáo và sang trọng quyện lẫn trong màu nâu trầm của phố, mà có lẽ những náo nhiệt hàng ngày của đất du lịch vẫn khó mà xua đi nét trầm mặc, u hoài.
Những náo nhiệt hàng ngày của đất du lịch khó mà xua đi nét trầm mặc, u hoài của Hội An
Tết Nguyên đán, Hội An có lẽ là một trong vài nơi hiếm hoi duy nhất còn lại ở xứ Việt có không khí vui như Tết. Bởi lẽ nơi này phục vụ khách du lịch. Càng Tết càng lắm khách, nỡ đâu đóng cửa nghỉ đi chơi. Nên tất tật hàng quán vẫn cứ bày biện linh đình. Chẳng đóng cửa hàng nào hết, từ cửa hiệu thời trang, đồ lưu niệm, cửa hàng sách cho đến nhà hàng, quán bar và cafeteria. Ngày lễ, cứ ra cây cầu bắc ngang sông Hoài luôn luôn sáng rực ánh đèn sẽ được những em bé nhỏ xíu hay cụ già gầy gò tóc bạc phơ mời mua đèn lồng giấy để thả xuống sông. Mười ngàn đồng ba chiếc đèn lồng, là giấy màu gấp đơn sơ thắp nến bên trong. Mua làm gì, chơi làm gì thứ đồ con nít ngớ ngẩn ấy? Nhưng mà cũng thương quá những gương mặt lành như sông Hoài, đang sáng lên những ánh chờ đợi và hy vọng. Trời thì đang mưa lây phây, rét nữa. Thôi thì mua giúp cụ! Cụ già vội lấy que tre dài lắp cời đầu đẳng đưa cho khách. Khách đặt đèn giấy lên cời sắt rồi thả nhẹ xuống sông. Vui ra phết. Đèn giấy trôi theo gió mang theo điều cầu may của người thả đèn. Hàng trăm chiếc lồng giấy cầu may lênh phênh trên nước tạo cảnh tượng ngoạn mục mà nên thơ cho đêm Hội.
Tôi vẫn cứ nhớ cảm giác khi vào một gian hàng lưu niệm nhỏ, tình cờ nhìn thấy bức thư pháp có họa câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Biển vẫn cậy mình dài rộng thế. Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”. Cô bạn tôi reo lên và tự giới thiệu chúng tôi là đại biểu đang tham dự hội nghị Những người viết văn trẻ tại Hội An, và tác giả bài thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang ở đây. Vậy là không dưng chúng tôi được đối xử như khách quý, thậm chí bà chủ cửa hàng còn hứa sẽ cho người đem hàng giúp về tận khách sạn. Người Hội An trọng tình nghĩa, trọng chữ nghĩa, để rồi tối cuối cùng ngồi nơi phố cổ, trong một quán bar thiết kế theo phong cách Ðông Dương với bộ bàn ghế mây, bụi trúc Nhật và ánh đèn vàng mờ ảo, ngắm những bước chân người qua lại, ngẫm rằng: Tôi ngồi đây, trong thế kỷ 21, trong thế kỷ 17 và cũng có thể là trong thế kỷ 30. Bởi biết đâu, 10 thế kỷ sau, phố cổ Hội An, người Hội An vẫn nguyên vẹn một màu xưa cũ.
Nguồn tin: anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn