Để “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ yêu thích dân ca, những nghệ nhân gạo cội của Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP Hội An (Quảng Nam) đã dồn hết tâm huyết và công sức của mình góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca truyền thống của quê hương.
Lớp học dân ca miễn phí giữa lòng phố cổ Hội An.Gần 10 năm qua, đều đặn hằng đêm, tại góc nhỏ cạnh chùa Cầu-phố Hội vang lên những giai điệu dân ca mượt mà của các em thiếu nhi. Với niềm đam mê ca hát những điệu lý, câu hò, cậu học trò Nguyễn Vĩnh Phúc (13 tuổi) đã đến lớp học ngay từ những buổi đầu thành lập. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, đến nay, Vĩnh Phúc đã thuộc hơn 20 làn điệu bài chòi lời mới và thể hiện tốt các điệu hò Quảng, hò khoan. Khi được hỏi về niềm đam mê từ bộ môn này, Vĩnh Phúc vui vẻ nói: “Con đến lớp dân ca từ khi ba tuổi và lựa chọn bộ môn hát dân ca, vì từ nhỏ khi nghe bà ngoại hát, con đã yêu thích. Ban đầu chỉ học được những câu hò, điệu lý đơn giản nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập và được sự hướng dẫn tận tình từ các thầy cô, bây giờ con đã học được nhiều làn điệu dân ca và đặc biệt là bài chòi”.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy làn điệu quê hương, 10 nghệ nhân, diễn viên biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP Hội An, như: Ngọc Huê, Thu Hương, Thu Ly, Thu Sa, Văn Qúy… đã tình nguyện dạy dân ca miễn phí cho các em nhỏ. Mỗi lớp học có khoảng 10-15 em, đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hội An và các tỉnh lân cận. Để bảo đảm tính hiệu quả, các giáo viên thường luân phiên nhau giảng dạy và đệm đàn cho mỗi buổi học. Không ánh đèn lộng lẫy, không cầu kỳ phô trương, thế nhưng những lời ca, tiếng hát của thầy và trò bên mái hiên nhỏ vẫn vang lên bay bổng, đầy say mê.
Nghệ nhân Trần Thị Thu Hương (Đội Thông tin tuyên truyền TP Hội An) là người truyền cho các em nhiều nguồn cảm hứng ở mỗi buổi học hát. Không chỉ nhiệt tình ở lớp học, chị Thu Hương còn trực tiếp chỉ cách để các em có thể thuộc lời nhanh, điều tiết âm, giọng sao cho hợp với từng làn điệu. Chính sự chu đáo, tận tình của các nghệ nhân đã góp phần bồi đắp tình yêu những làn điệu dân ca của quê hương đối với thế hệ trẻ ở TP Hội An. Và cũng nhờ tinh thần ham học của các em đã trở thành động lực thôi thúc nhiều nghệ nhân tiếp tục gắn bó với những người đi “truyền lửa”. Nhiều em sau một thời gian tham gia học tập đã phát huy tối đa năng khiếu, trở thành nhân tố tiềm năng trong tương lai.
Để tiếp lửa đam mê cho các em, Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP Hội An còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn như tổ chức thi hát dân ca bài chòi giữa các trường trên địa bàn, tạo sân chơi lành mạnh cho các em khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Ông Trần Đình Châu, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Định hướng của thành phố là bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, trong đó tuồng-bài chòi là một trong những yếu tố mà chúng tôi rất quan tâm. Hằng năm, trung tâm liên kết với các trường, lựa chọn khoảng 10 em nhỏ có chất giọng tốt để các nghệ nhân dạy hát. Những năm gần đây, trung tâm đã đưa lớp học đến phố đêm, khoảng từ 7 giờ đến 9 giờ tối là các em học cả hợp xướng và dân ca. Chính lớp học này đã thu hút được sự chú ý của nhiều du khách, tạo cho họ có thêm niềm cảm hứng khi tham quan phố cổ Hội An”.
Bài và ảnh: KIM NGÂN
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn