//

Về thăm Từ đường của nhóm Tự lực Văn đoàn

Chủ nhật - 05/10/2014 22:11

Đến thăm phố cổ Hội An, nhiều người sẽ không ngớt trầm trồ về lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ. Nhưng không phải ai cũng biết đến một ngôi nhà cổ đặc biệt mang nhiều dấu ấn lịch sử dân tộc, đó là Từ đường tộc Nguyễn Tường.

Tọa lạc tại số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai, gần Chùa Cầu, ngôi từ đường này được bắt đầu xây dựng vào năm 1806, được tôn tạo vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) và được tu bổ vào năm 2005. Tiền nhân khởi dựng ngôi nhà vào là cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822). Hiện, nhà thờ đang được các hậu duệ đời thứ 10 trông coi, bảo quản. Ngôi từ đường của dòng giỏi Nguyễn Tường có kiến trúc cổ kính, uy nghi được mở cửa đón khách tham quan từ giữa năm 2013. 

Mặt tiền từ đường

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được người dân địa phương gọi là Dinh Ông Lớn. Di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật di tích cấp tỉnh.

Cụ Nguyễn Tường Vân, gốc người Thanh Hóa. Sau khi di cư vào Gia Định theo ngài Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công lớn, đóng quân tại cửa Đại Chiêm, Hội An, sau định tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Cẩm Phô, Hội An). Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), cụ được thăng chức Binh Bộ Thượng Thư, tước Nhuận Trạch Hầu (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).

Ảnh họa nhân chuyến đi sứ Trung Quốc của cụ Vân

Theo lời kể của các hậu duệ thì cụ Vân lúc đầu có tên là Nguyễn Văn Vân. Trong một chuyến tháp tùng vua Gia Long đến khu vực núi Phước Tường của Đà Nẵng thì vua thấy ngọn núi đẹp này có tên giống chữ lót của mình vì Gia Long có tên là Nguyễn Ánh hay Nguyễn Phước Ánh (Phúc = Phước), do đó ngài đã ban cho Nguyễn Văn Vân tên là Nguyễn Tường Vân để tên ngọn núi có cả chữ lót của vua và cụ Vân. Điều đó nói lên tình cảm gắn bó khăng khít, gần gũi và sự trọng vọng đặc biệt của vua Gia Long dành cho cụ Vân.

Bàn thờ từ đường

Ngoài thờ Binh Bộ Thượng Thư, phủ còn thờ người con thứ là ông Nguyễn Tường Phổ, đỗ tiến sĩ thời Thiệu Trị. Hậu duệ của các cụ sau này còn có các nhà văn trong nhóm Tự lực Văn đoàn là nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long).

Ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường là kiến trúc độc đáo kết hợp cả tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt, Trung và Nhật. Di tích có kết cấu kiến trúc rất độc đáo, mang vẻ đẹp riêng không hề trùng lặp với các nhà cổ khác tại Hội An. Cửa sổ được thiết kế hình quả phật thủ, có hai bậc tâm cấp (bên nam, bên nữ) dẫn lên lối nhà thờ. Ngăn cách phần hiên với nội thất công trình là ba bộ cửa "thượng song hạ bản", mỗi bộ có bốn cánh. Điều đặc biệt của bộ cửa này là khi cần gió ta có thể kéo qua để các song chồng lên nhau tạo nên kẽ hở cho gió vào, nhưng khi cần đóng kín thì ta khép song lại. Việc đóng mở song rất dễ dàng để người già hoặc trẻ nhỏ đều có thể làm được.

Toàn bộ công trình gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống cột kèo của phủ thờ có sự kết hợp khá hài hòa độc đáo của nhiều kiến trúc ở cả hai mái trước, sau. Giá đỡ mái vỏ cua được tạo dáng chạm trỗ hình hoa cúc cách điệu mang ý nghĩa vĩnh cửu, trường thọ, bền bỉ kết nối với cây dưa theo đề tài Cát Tường... thể hiện ước vọng sự nối tiếp vô cùng, vô tận.

Nhiều đồ cổ giá trị được lưu giữ cẩn thận tại đây

Nhiều di vật có giá trị được trưng bày tại đây. Nhiều chiếu chỉ, sắc phong của cụ Nguyễn Tường Vân và người con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức hiện vẫn được gia đình lưu giữ, cất cẩn thận trong tủ thờ. Các di vật quý giá có thể kể đến như hai bình hoa bằng gỗ được chạm nổi hình rồng có niên đại hơn 100 năm, bản sao các bức tranh của nhà văn Nhất Linh được trưng bày cùng nhiều vật dụng cổ của gia tộc. Ngoài ra, hiện tại, nhà thờ tộc Nguyễn Tường đang lưu giữ nhiều đầu sách quý hiếm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Một điều đáng tự hào khác của dòng Nguyễn Tường là về bản Hương ước thập điều của Hội An. Đây là tư liệu viết bằng chữ Hán, do tú tài Nguyễn Tường Tiếp soạn thảo vào khoảng cuối thế kỷ 19, mang nhiều giá trị khảo cứu của hương ước làng Cẩm Phô. Bản thảo hương ước gồm 10 điều: Làm sáng tỏ nghĩa lý của việc tế tự; Đạt đến lòng thành kính; Chia đều ruộng đất; Đề cao tiết kiệm; Khuyến khích hữu công; Trừng phạt kẻ có lỗi; Răn cấm thói ngoan cố; Răn cấm buông thả rượu chè; Việc hội họp làng; Làm cho phong tục đôn hậu. Đây là bản hương ước Việt lần đầu được tìm thấy tại Hội An.

Cách Tân

Nguồn tin: ictpress.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật