Từ thư tịch cổ
Lai lịch những di tích cổ này phần lớn đều nằm trong các thư tịch, văn bia. Hiện tại, Chùa Cầu và Hội quán Triều Châu còn giữ khá nguyên vẹn hình dáng cùng kiến trúc nghệ thuật tinh xảo. Riêng cung Cẩm Hà – Hải Bình hiện chỉ còn cổng tam quan. Ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa TP.Hội An chia sẻ, hiện tại chỉ dựa vào thư tịch, văn bia mới có thể đưa ra phương án bảo tồn chân xác với các kiến trúc này. Có thể lược lại tầm quan trọng của cung Cẩm Hà – Hải Bình khi Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An sưu tầm được bia đá khắc niên đại cũng như khảo tả về di tích này. Theo đó, đây là di tích thờ Huyền Thiên Đại Đế, Khương Tử Nha, Thái Thượng Lão Quân, Bảo Sanh Đại Đế và phối thờ 36 vị thần. Bia được lập vào năm Nhâm Tuất, Khải Định thứ 7 (năm 1922). Lời lẽ trong văn bia có đoạn ghi lại “cảnh hai cung càng thấy mỹ quan, đủ thấy khí hùng tráng phong tư văn hóa trong làng. Khách bác cổ Âu, Á đến du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là một kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam. Lâu ngày phải sửa lại, thức giả đều nói, bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước dựng nên, người sau phải noi dấu…” (cụ Nguyễn Bội Liên dịch nghĩa).
Trong khi đó, 4 tấm bi ký (bia có khắc văn) Lai Viễn Kiều (dân gian hay gọi Chùa Cầu) dựng năm Đinh Sửu 1817, hiện lưu giữ tại khu vực di tích. Các bi ký ghi lại việc trùng tu Lai Viễn Kiều qua các giai đoạn, đáng chú ý là tinh thần của người xưa, khi trùng tu vẫn giữ nguyên hình dáng, kết cấu cũ. Bên cạnh đó, tính nhân văn của cộng đồng cũng được thể hiện trong phần việc tu bổ này, khi yếu tố then chốt là sự an toàn được đặt lên hàng đầu. “Làm cầu cho muôn ngàn người qua lại cũng là một việc đức đó”, bi ký lập năm Đinh Sửu (1817) ghi lại.
Không bó buộc ở kiến trúc tôn giáo với những họa tiết trang trí bằng gỗ tương ứng với truyền thuyết dân gian, Hội quán Triều Châu còn giữ những nét kiến trúc đặc trưng hội quán của cộng đồng thương nhân Triều Châu thời thương cảng Hội An xưa vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Hội quán xây dựng vào năm 1845 làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người Hoa bang Triều Châu khi đến Hội An sinh sống. Hội quán thờ các vị thần chế ngự sóng gió, qua đó cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió. Giới nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật nhìn nhận Hội quán Triều Châu là một công trình kiến trúc cầu kỳ với bộ khung gỗ được chạm trổ tinh xảo, cùng các họa tiết trang trí bằng gỗ theo truyền thuyết dân gian, và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp, thể hiện sự khéo léo tài hoa của nghệ nhân xưa. Tổng thể Hội quán Triều Châu được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Đây là kiểu kiến trúc có hai hành lang dài nối liền tiền đường (hay bái đường) ở trước với hậu đường có thể là nhà Tổ hay nhà Tăng xá ở phía sau làm thành một hình chữ nhật bao quanh lấy các kiến trúc khác ở giữa. Có nghĩa là phía trong có hình chữ Công (工), còn phía ngoài có cái khung bao quanh như ở chữ Quốc (国).
Tìm cách bảo tồn
Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, với những di tích có kiến trúc nghệ thuật đặc biệt thì mỗi cấu kiện, chi tiết đều phải được nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành trùng tu. Nếu Lai Viễn Kiều lâu nay vẫn được tổ chức JICA cùng tham vấn, hỗ trợ tìm cách bảo tồn thì với 2 kiến trúc mang hơi hướm Hoa kiều, đội ngũ chuyên việc trùng tu, phục dựng cũng là những người có kiến thức về lịch sử, văn hóa, am hiểu về ngôn ngữ Hán Nôm. Trong khi đó, ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa TP.Hội An chia sẻ, sở dĩ những công trình kiến trúc này vẫn vững chãi qua thời gian, chiến tranh… là do những công trình này gắn liền với đời sống tâm linh và vật chất của người Hội An. “Hội quán là nơi thờ ông bà, phù hộ cho cuộc sống của dân an nên bằng bất cứ giá nào, cộng đồng người Hoa ở đây luôn gìn giữ và tô bồi nó. Chùa Cầu là công trình giao thông, đồng thời cũng mang ý nghĩa vật linh trị thủy, được người dân suy tôn. Riêng đối với cung Cẩm Hà – Hải Bình, do bị bom đạn nên chỉ còn cổng tam quan. Tuy nhiên, khu đất trống phía trong cổng tam quan vẫn là một cảnh quan xanh rất đẹp”- ông Hưng nói. Hiện tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An tiếp tục thực hiện những hạng mục xung quanh cổng tam quan chùa Bà Mụ (cung Cẩm Hà - Hải Bình) với kinh phí trùng tu hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Hưng, việc đảm bảo từng chi tiết với tỷ lệ 1:1 so với di tích gốc là điều đặt lên hàng đầu khi trùng tu những công trình này. “Làm tư liệu kỹ càng, đo vẽ từng chi tiết là công đoạn cực kỳ quan trọng” - ông Tống Quốc Hưng cho biết. Ngoài việc tu bổ tam quan, TP.Hội An tiếp tục làm công tác giải tỏa các hộ dân nằm trong khu vực khuôn viên nhằm biến nơi đây trở thành một không gian công cộng.
Quan điểm bảo tồn đồng thời phát huy các giá trị văn hóa được TP.Hội An áp dụng triệt để. Mỗi tấm vé tham quan cũng là cách để kêu gọi sự chung tay bảo vệ di sản của mỗi cá nhân. Hằng năm, cùng với nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, TP.Hội An trích một phần kinh phí để cải tạo cảnh quan xung quanh di tích, nhằm tạo không gian trong lành với người thụ hưởng các giá trị văn hóa này. Chùa Cầu là một ví dụ. Hiện tại, tổ chức JICA cùng chính quyền thành phố đang tìm cách làm sạch dòng kênh chảy dưới chân Chùa Cầu. Với chùa Âm Bổn, vì đây là hội quán thiêng liêng của cộng đồng người Hoa nên ý thức bảo vệ của người dân rất cao.
Bảo tồn nguyên trạng giá trị gốc, đảm bảo sự an toàn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa là cách tốt nhất để di tích không trở thành phế tích, vẫn mang hơi thở con người trên từng phiến gỗ, vuông sân…
Tác giả bài viết: LÊ QUÂN
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn