//

Hai mươi năm du lịch Hội An

Thứ tư - 28/10/2015 20:54

Hội An vừa kỷ niệm 20 năm thành lập Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An. Dịp này, cùng nhìn lại những thành tựu nổi bật và những hạn chế cần khắc phục, để phát triển du lịch Hội An.

Khẳng định thương hiệu

Ngày 15.10.1995 Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An  được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An và Phòng Văn hóa thông tin. Cùng với đó, phương án bán vé tham quan phố cổ trọn gói với mức giá 10 nghìn đồng (khách Việt Nam) và 50 nghìn đồng (khách quốc tế) cũng được triển khai phát hành. Đến tháng 7.1997 khi Trung tâm Văn hóa thể thao được thành lập, Văn phòng Hướng dẫn tham quan trực thuộc trung tâm này với các chức năng như phát hành vé, thuyết minh, kiểm soát vé tham quan và xây dựng các đề án về sản phẩm dịch vụ, du lịch… Nếu như trước năm 1995 tổng thu từ vé tham quan khoảng 52 triệu đồng (tiền in vé và phát sinh khác là 57 triệu đồng) thì đến năm 2014 tổng nguồn thu đã xấp xỉ 100 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt 65 tỷ đồng, gấp đôi nguồn thu từ khai thác yến sào - nguồn thu chủ yếu của thành phố trong nhiều năm. Cùng với đó, nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành tạo nên thương hiệu cho du lịch Hội An như “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”, “Phố đi bộ”; “Sông xưa thuyền cổ”; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền…. Trong đó, “Đêm phố cổ” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam trao giải “The Guide Awards” vào năm 2005.

Thuyết minh viên của văn phòng trở thành những “đại sứ thân thiện” với người dân và du khách. Ảnh: K.LINH
Thuyết minh viên của văn phòng trở thành những “đại sứ thân thiện” với người dân và du khách. Ảnh: K.LINH

Đặc biệt, tháng 10.2001 làng gốm Thanh Hà chính thức được đưa vào chương trình tham quan với tư cách là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Đến nay, qua gần 15 năm hoạt động tuyến tham quan làng gốm Thanh Hà đã khẳng định được giá trị của một điểm đến bên ngoài di sản với gần 244 nghìn lượt khách ghé thăm, tổng doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng, giúp tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân, góp phần bảo tồn làng gốm tưởng chừng đã mai một. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TP.Hội An, nhận xét: “Theo tôi, thành công nhất chính là kết nối được tình yêu phố cổ với hàng triệu con người từ khắp nơi trên thế giới, để cùng chung tay vì một Hội An, để di sản luôn được bảo tồn tốt nhất, du khách được phục vụ một cách tốt nhất và Hội An là điểm đến hấp dẫn nhất, trong đó những nhân viên của văn phòng đã thật sự là những đại sứ thiện chí đúng nghĩa. Ngoài ra, đó còn là một thương hiệu du lịch được xác lập vững chắc với gần 30 danh hiệu đã được các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín trong và ngoài nước bình chọn”.

Hoàn thiện để phát triển

Không phủ nhận thành tích 20 năm qua của Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An nói riêng và du lịch Hội An rất đáng tự hào. Trong đó, con số 7,5 triệu lượt khách đến tham quan phố cổ mang lại doanh thu hơn 545 tỷ đồng là minh chứng rõ nét nhất về vai trò và lợi ích cụ thể kể từ khi văn phòng được thành lập. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục. Theo ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An, điều chưa được là chuyện vé và kiểm soát vé dẫn đến những “va chạm” trong việc soát vé khách tham quan phố cổ. “Tôi chỉ khuyên anh em kiểm soát viên phải quan sát tinh tế, hỏi chào tế nhị, nhẹ nhàng, phải chấp nhận thất thoát, làm ở khâu nào cũng là “đại sứ thân thiện” tránh làm ảnh hưởng không tốt đến mỹ cảm của khách về đất và người Hội An vốn thuần hậu, lịch lãm” - ông Sự nói.

Thực tế, quá trình thực hiện không ít nhân viên chưa thể hiện đúng chuẩn mực của một viên chức du lịch. Bên cạnh đó, trình độ giao tiếp, ứng xử đối với du khách vẫn còn cứng nhắc, thiếu kiềm chế…. Ông Nguyễn Phương Đông - Trưởng Văn phòng Hướng dẫn tham quan thừa nhận, hiện tại văn phòng luôn phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình hoạt động tham quan. Ngoài đặc thù của khu phố cổ có nhiều hẻm, kiệt, khó kiểm soát hay sự luồn lách, trốn vé của một số doanh nghiệp, hướng dẫn viên… thì tình trạng cò mồi, bu bám, bán hàng rong, xe đẩy, lấn chiếm vỉa hè… đã làm giảm vẻ đẹp yên bình trầm mặc của khu phố cổ, ảnh hưởng đến việc tham quan của khách. Điều này cũng được ông Trần Lực - Phó giám đốc Công ty du lịch Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận. “Các tuyến đường trong khu phố cổ vốn đã chật mà xe xích lô chở khách đi từng đoàn như vậy rất nguy hiểm, cần phải hạn chế hoặc quy hoạch xích lô chỉ đi ở những tuyến đường cố định, có thể là bên ngoài khu phố cổ. Rồi tình trạng xe máy của các hộ dân thỉnh thoảng vọt ra đường gây cho khách những suy nghĩ không tốt”- ông Lực phản ánh. Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm các kiểm soát viên biết ngoại ngữ “hiếm” như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để có thể trực tiếp thuyết phục khách mua vé, nhất là khách đến từ các nước này. “Đã có tình trạng khách Trung Quốc vào tham quan phố cổ nhưng không chịu mua vé, nhân viên ngăn lại nhưng không thể giải thích được vì không biết tiếng Trung thành ra hai bên cứ đôi co qua lại làm khách bất bình” - ông Lực cho biết.

KHÁNH LINH

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn