Bên cạnh đó, Hội An còn lưu giữ các di sản văn hóa vật thể (hệ thống nhà cổ, hội quán, đình, đền, chùa, nhà thờ tộc...) và phi vật thể (nghề làm đèn lồng, nghề mộc Kim Bồng, hát bả chạo, hát bài chòi...) có giá trị và là thành phố tiêu biểu tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường du lịch như: “Ngày đi bộ vì môi trường”, “Ngày không khói xe”, “Ngày không túi nylon”. Mỗi năm, Hội An thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Riêng năm 2014, thành phố đã đón 1,7 triệu lượt khách quốc tế.
Nắm bắt lợi thế nhằm phát triển du lịch, những năm qua, Hội An có các định hướng và giải pháp phù hợp, trong đó tập trung đầu tư phát triển không gian du lịch phố cổ, làng nghề…, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, khám phá, sinh thái - nghỉ dưỡng, homestay... Tiếp tục phát huy thành quả đã có cũng như hướng đến phát triển du lịch bền vững, thời gian tới, Hội An sẽ mở rộng không gian du lịch ra những vùng xung quanh nhằm đa dạng hóa hình thức du lịch, góp phần tạo sinh kế, việc làm cho người dân tại các vùng ven có lợi thế phát triển du lịch. Theo định hướng, Hội An sẽ phân vùng, xây dựng các cụm du lịch, gồm: cụm du lịch di sản thế giới phố cổ Hội An; cụm du lịch biển Cửa Đại - Cẩm An; cụm du lịch biển Cù Lao Chàm; hệ thống chuỗi du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn, Cổ Cò, Đế Võng và rừng dừa Bảy Mẫu; hệ thống chuỗi du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, các làng quê. Tương ứng với mỗi cụm du lịch trên là những sản phẩm tham quan, trải nghiệm độc đáo. Ngoài ra, Hội An sẽ từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh, trong đó chú trọng các sản phẩm mang tính cộng đồng, trải nghiệm văn hóa sinh thái ở những điểm đến có lợi thế du lịch như các làng nghề, rừng dừa nước (xã Cẩm Thanh), Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), làng rau An Mỹ (phường Cẩm Châu)... Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng phát triển đồng bộ các loại hình du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, làng quê sông nước nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa môi trường sinh thái, tự nhiên, nhân văn, xã hội. Thành phố còn xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển những dịch vụ du lịch trên sông như dịch vụ ăn uống, lưu trú trên thuyền, nhà hàng nổi; phát triển các điểm vui chơi giải trí về đêm; phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm... Ngoài ra, thành phố còn đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở lưu trú theo 3 loại hình: khách sạn, biệt thự nhà vườn và homestay với tổng số 2.000 phòng vào năm 2020. Cụ thể, thành phố sẽ cho phép xây dựng mô hình khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 - 3 sao, với trung bình 50 phòng/khách sạn trên một số tuyến du lịch...
Những định hướng mở mang tính chuyên đề, có trọng điểm sẽ góp phần giúp Hội An hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 3,09 triệu lượt khách tham quan, du lịch (trong đó có 1,58 triệu lượt khách quốc tế); phục vụ 1,47 triệu lượt khách lưu trú (trong đó có 1,18 triệu lượt khách quốc tế) vào năm 2020.
Thanh Hải
Nguồn tin: www.vietnamtourism.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn