Du khách nước ngoài khám phá bãi biển Hội An bằng xe đạp.
Chỉ riêng trong năm 2014, Hội An nhận khoảng 10 danh hiệu tôn vinh và giải thưởng du lịch khác nhau. Cụ thể, tạp chí Indiatimes của Ấn Độ tôn vinh là một trong những thành phố lãng mạn nhất, trang thông tin chuyên về du lịch Price of Travel bình chọn top 30 thành phố châu Á có chi phí rẻ nhất dành cho du lịch “bụi”, website du lịch nổi tiếng Rough Guides bầu chọn bãi biển Cửa Đại và bãi biển Cẩm An Hội An vào top 20 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, trang thông tin du lịch quốc tế Touropia chọn là một trong 10 điểm đến níu chân du khách ở Việt Nam, đứng vị trí thứ 4 trong top 10 dòng kênh nổi tiếng thế giới, website du lịch nổi tiếng Rough Guides chọn nằm trong top 20 địa điểm thú vị để tận hưởng cuộc sống về đêm, báo Huffingtonpost chọn vào danh sách 50 thành phố bạn phải đến thăm trong đời, trang web đặt phòng khách sạn hàng đầu thế giới - Agoda bầu vào top 10 địa điểm có khách sạn tốt nhất thế giới và những chuyên gia du lịch của Luxeinacity lại bầu Hội An vào top 10 điểm đến lãng mạn nhất để “hẹn hò” ở châu Á.
Người Hội An ai cũng hiểu rằng, có được “tiếng thơm” ấy là nhờ những nỗ lực vượt bậc của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Họ luôn đồng hành với di sản quê hương để tái hiện, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch - dịch vụ mới, đạt chất lượng nhằm lôi cuốn và níu kéo bước chân du khách. Không chỉ có các sản phẩm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của du lịch Hội An như “Đêm phố cổ”, các lễ hội văn hóa dân gian, các sự kiện du lịch kết hợp phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đương đại mà Hội An còn được đánh giá là một nơi luôn biết tự làm mới, tạo khởi sắc liên tục cho các sản phẩm du lịch. Bà Nguyễn Thị Nhung (Phó Giám đốc Trung tâm VHTT, phụ trách Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An) cho biết: “Cảnh quan xanh sạch hài hòa, giá trị văn hóa của tập tục nếp sống nghề trong từng gia đình, lễ cúng tổ nghề... từng bước phục hồi và phát huy là những chuyển biến rõ nét của làng gốm Thanh Hà thời gian qua, ở đó không có sự giúp sức của người dân thì chúng tôi không thể nào làm được”.
Đến Hội An, nhiều du khách nước ngoài tỏ ra hài lòng và thích thú với “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ”. Được như vậy, “công đầu” thuộc về những chủ nhân của khu phố cổ.
Lãnh đạo Hội An luôn tâm niệm một điều rằng cần làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” bằng những sản phẩm khác biệt, không trùng lặp với nơi khác. Cùng với di sản phố cổ, Hội An đã và đang tập trung phát triển mạnh du lịch biển đảo (đặc biệt chú trọng du lịch ở Cù Lao Chàm), mở rộng không gian về vùng ngoại ô như Cẩm Thanh, Cẩm Châu... với những dịch vụ khám phá làng quê, sông nước cùng hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc... Du khách quốc tế, nhất là khách từ các nước công nghiệp phát triển rất thích thú khi được tham quan, trải nghiệm cuộc sống dân dã, đời thường của người nông dân với con trâu, mảnh ruộng, cái cày hoặc của bà con ngư dân để được lắc thúng, bơi thuyền, câu cá, bắt tôm... Văn minh thương mại cũng được chú trọng đề cao, trở thành một cuộc vận động thường xuyên liên tục. Hiện tượng “chặt chém” đối với du khách rải rác, lẻ tẻ vẫn xảy ra nhưng hễ phát hiện là “dẹp” ngay bằng những biện pháp “mạnh tay”.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố từng nói rằng, Hội An không chủ quan và “sống nhờ” những danh hiệu, giải thưởng nhưng những cuộc bầu chọn của số đông độc giả, bạn bè qua báo chí, các kênh thông tấn, tức là những du khách thực thụ đã đi, đã đến với Hội An là rất đáng trân trọng, cho thấy Hội An đang đi đúng hướng và giúp chính quyền biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp, sao cho đẹp lòng khách phương xa.