//

Thành phố xe đạp

Thứ bảy - 08/02/2014 15:21

Gần đây, qua báo chí, du khách gần xa đã bình chọn Hội An là một trong 5 thành phố tuyệt vời ở Việt Nam dành cho xe đạp (cùng với Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu).

Du khách đạp xe dạo quanh các đường làng ở vùng ngoại ô Hội An. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Du khách đạp xe dạo quanh các đường làng ở vùng ngoại ô Hội An. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Theo ghi nhận của du khách, không ở đâu thích hợp với việc di chuyển bằng xe đạp như Hội An, từ việc lang thang trong những con phố nhỏ nở đầy hoa đến con đường dọc theo sông Thu Bồn ra biển Cửa Đại rợp mát bóng cây. Du khách cũng có thể trải nghiệm trên những con đường đất gập ghềnh băng qua những cánh đồng bát ngát, hay chạy xuyên qua những ngôi làng. Hội An hội tụ đủ hành trình khám phá thú vị cho một chuyến đi bằng xe đạp.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường thành phố nói rằng: “Phố cổ không cho xe máy đi vào từ sáng đến trưa, từ đầu giờ chiều đến gần tối và gần cả buổi tối nên xe đạp được sử dụng rộng rãi. Hình ảnh quen thuộc tại các thành phố lớn của Việt Nam bây giờ là ô tô, xe máy. Xe đạp vẫn còn nhưng nhiều thì hẳn là ở Hội An”. Ông Hiền cho biết thêm, có đến hơn một nửa công dân Hội An là phụ nữ và trẻ em thường chọn xe đạp làm phương tiện đi lại hàng ngày trong phố vì chi phí thấp và vì họ chỉ đi đến các chợ lân cận cũng như các trường học được bố trí khá tập trung quanh phố.

Mặt khác, Hội An nối với đô thị lớn Đà Nẵng và đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ bằng đường bộ với 2 chiều đi lại, nằm ngoài các trục giao thông liên tỉnh nên xung đột với các loại xe có trọng tải lớn, tốc độ cao... được giảm thiểu. Nhiều năm nay, Hội An vẫn là thành phố có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp so với các đô thị trung tâm khác. Ở Hội An, người dân đi xe đạp còn là dịp để giao lưu, chia sẻ tình cảm cho nhau. Họ vừa đi xe vừa gọi nhau ơi ới, thong thả. Đi ngược chiều nhau, họ có thể dừng xe giữa đường để chuyện trò, tán gẫu; còn vội vã, ngược đường cách trở thì vẫy tay, huơ mũ chào nhau... Những cảnh ấy thì làm sao diễn ra khi đi xe máy hoặc ô tô.

Hội An, đất không rộng, địa hình đơn giản, hài hòa cũng là ưu thế để người tham gia giao thông sử dụng xe đạp nhiều. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - cố vấn chương trình Không gian công cộng (Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Việt Nam) phân tích: “Xét về mặt quy mô, TP.Hội An có bán kính di chuyển theo các hướng không quá 10km, đặc biệt từ đường ven biển đến khu phố cổ, nối bãi tắm An Bàng, Cửa Đại tạo thành tam giác, mỗi cạnh cũng chỉ khoảng 5km, cự ly ngắn làm cho sự di chuyển bằng xe đạp càng thêm thuận tiện”.

Hoa hậu Trái đất 2010 đạp xe trên đường phố Hội An.
Hoa hậu Trái đất 2010 đạp xe trên đường phố Hội An.

Gần đây, rất nhiều du khách đã chọn xe đạp để làm phương tiện ngao du, khám phá các vùng quê sông nước Hội An. Các khách sạn có xe đạp cho du khách thuê đi thăm thú, dạo chơi. Anh Rafa Yago - du khách Tây Ban Nha nói: “Tôi rất thích đi xe đạp quanh các đường làng ở Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, được hít thở bầu không khí trong lành, gặp gỡ những người dân quê tốt bụng và hiếu khách, hoặc vượt thẳng đoạn đường dài chừng 5 - 6km để ra các bãi biển”. Nhạy bén với nhu cầu của du khách, một số doanh nghiệp ở Hội An đã mở dịch vụ khai thác tour xe đạp, mang lại thu nhập khá.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để xe đạp trở thành phương tiện giao thông phổ biến hơn, chính quyền thành phố cần tiến hành một số công việc tuy khá công phu nhưng không tốn nhiều tiền bạc như: kẻ vạch ưu tiên tuyến xe đạp 2 chiều khi đi chung với ô tô, xe gắn máy; lập bảng chỉ dẫn tuyến đường dành cho xe đạp; thiết kế mạng lưới đi lại an toàn cho trẻ em đến trường học, các bà, các mẹ, các chị đến chợ; cải tạo mặt đường đất, cầu nhẹ để có thể di chuyển xuyên qua các cánh đồng, kênh mương; tạo lập các bến bãi đậu đỗ xe đạp thuận lợi khi chuyển sang các phương tiện liên tuyến khác (thuyền, xe gắn máy)...

Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á (UN Habitat) và Đại học Portland (Hoa Kỳ) đã từng đề xuất sẽ có 100.000 xe đạp ở Hội An để trở thành thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam. Con số đó tuy không nhiều bằng đất nước Hà Lan với 16,5 triệu chiếc (chiếm tỷ lệ 99,1%) hay Đan Mạch (hơn 80%), Đức (75%)... nhưng cũng thật ấn tượng. Tuy cần có thời gian để khảo sát, thống kê chính xác cụ thể số xe đạp hiện có, song một thực tế đáng ghi nhận là trong thời gian qua, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc sử dụng những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp, xích lô, kêu gọi mọi người giảm dần sự lệ thuộc vào xe máy, ô tô, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Một số đơn vị, cơ quan đã mua sắm phương tiện và vận động công chức, viên chức đơn vị đi làm bằng xe đạp. Việc tổ chức thành công “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ” hơn 10 năm qua của Hội An cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

 

Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn